Chủ nghĩa tối giản

chủ nghĩa tối giản (minimalism)

Sự ra đời của chủ nghĩa tối giản

Khi loài người bước qua các cuộc cách mạng công nghiệp, kỹ thuật, và đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, của cải trở nên dư thừa, chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) được đẩy lên đỉnh điểm.

Ngỡ là những thành tựu này sẽ khiến con người trở nên hạnh phúc, nhưng dường như điều ngược lại lại diễn ra. Dẫu là các điều kiện sống trở nên tốt hơn, khoảng cách giàu nghèo được kéo gần lại, nhưng chưa bao giờ cuộc sống lại trở nên mệt mỏi đến vậy.

Chúng ta mệt mỏi với nhu cầu vật chất. Các sản phẩm mới vòng đời ngày càng rút lại. Cứ 2-3 năm thì chúng ta phải thay một điện thoại vì điện thoại cũ không còn đủ nhanh để chạy các phần mềm mới. Rồi tới máy tính, quần áo, giày dép…

Chúng ta mệt mỏi với các áp lực bất tận. Tiền thuê nhà, những hoá đơn cuối tháng, những hạn chót công việc, những phong bì thôi nôi, cưới hỏi lần lượt gõ cửa, ngày này qua tháng nọ.

Chúng ta mệt mỏi với sự quá tải các kênh giao tiếp: messenger, zalo, whatsapp, viber, emails…

Kết quả là: dù làm ra nhiều của cải hơn, chúng ta vẫn luôn cảm thấy thiếu thốn.

Giữa những hối hả tất bật, chúng ta thèm một cốc cà phê bình yên. Giữa các bữa tiệc linh đình, chúng ta thèm một bát canh cua rau đay mẹ nấu. Ngay ở chính giữa sự cùng quẫn của thế giới vật chất thì con người sẽ tìm tới những gì cội nguồn, đơn giản và tâm linh.

Và chủ nghĩa tối giản ra đời.

Có nhiều định nghĩa cho chủ nghĩa tối giản. Theo tôi chủ nghĩa tối giản không có mẫu định sẵn. Theo chủ nghĩa tối giản không có nghĩa là bạn chỉ có 3 bộ đồ trong tủ quần áo, tất cả giống hệt nhau, áo đen cổ lọ và quần jeans như Steve Jobs.

Chủ nghĩa tối giản sẽ thể hiện khác nhau tuỳ theo nhu cầu và lối sống của mỗi cá nhân. Về bản chất, nó nghĩa là sống với ít nhất có thể. Giảm thiểu các nhu cầu của cá nhân để có thêm không gian, thời gian và tâm trí để trải nghiệm cuộc sống thật trọn vẹn.

Làm sao để sống tối giản?

Lý thuyết là vậy, để thực hành sống tối giản, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

Tài sản hiện tại

  • Sắp xếp gọn gàng tủ quần áo, tủ bếp, kho chứa đồ. Bạn sẽ thấy những vật dụng không cần sử dụng.
  • Cho chúng vào danh sách “Không cần
  • Trong những vật dụng còn lại, sẽ có những vật dụng khiến bạn ngần ngại: “Có khi mình vẫn còn cần dùng trong tương lại nhỉ?”
  • Nếu bạn không nhớ nổi lần cuối bạn sử dụng những vật này, hãy bỏ chúng vào danh sách “Không cần“.
  • Lặp lại các bước trên mỗi tháng / quý.

Với các vật dụng “Không cần“, bạn có thể tặng bạn bè người thân, hoặc bán thanh lý.

Mua sắm

Hầu hết chúng ta mua sắm vì “thích” chứ không phải vì “cần”. Tôi không trách bạn. Tôi làm việc nhiều với các công ty quảng cáo. Tôi hiểu họ giỏi như thế nào trong việc tạo ra các nhu cầu ảo cho người tiêu dùng.

Sau đây là một vài lời khuyên trước khi quyết định mua sắm:

  • Không mua sắm để xả stress. Thay vì vậy, hãy đối mặt bằng cách khác.
  • Nghiên cứu trước khi mua sắm. Các quyết định mua sắm sau khi được nghiên cứu và cân nhắc kỹ sẽ ít mắc sai lầm.
  • Nếu bạn định mua, hãy lên lịch để mua sau 3 ngày, hoặc thậm chí 1 tuần. Rất có khả năng sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra bạn không cần mua vật dụng đó nữa.

Khi có thời gian, bạn cũng có thể chiêm nghiệm về niềm hạnh phúc và sở hữu vật chất. Có thể bạn sẽ nhận ra việc sở hữu vật chất đem lại cảm giác thoả mãn nhất thời (chúng ta sẽ nói về các loại hormones trong một bài khác). Nhưng chúng không thể đem lại sự bình yên, viên mãn và hạnh phúc sâu lắng.

Ăn uống

Món ăn thuần Việt vốn tốt cho sức khoẻ: ít chế biến, nhiều rau (sống), nhiều cá, ít mỡ. Món ăn Việt lại dễ ăn, dễ nấu, dễ tiêu hoá. Tôi nghĩ các bạn nên chọn ăn nơi địa phương mình sinh ra thì sẽ rẻ, tươi và nhiều dưỡng chất nhất.

Một lưu ý nhỏ là nên ăn ít cơm lại vì chúng ta không còn lao động tay chân nhiều như thời ông cha mình.

Nếu các bạn thích món Tây, hãy chọn những món giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ, vitamins, khoáng chất. Ưu tiên món đơn giản, không chế biến phức tạp, và nguyên vật liệu dễ kiếm ở Việt Nam.

Sức khoẻ

Chọn một bộ môn thể dục thể thao phổ biến, dễ tập, khó bỏ. Bạn càng tốt ít thời gian để chuẩn bị (di chuyển, trang phục) thì bạn càng có nhiều cơ hội duy trì nó. Điều thiết yếu là bạn tập mỗi ngày.

Những lĩnh vực khác trong cuộc sống

Với nguyên tắc trên, bạn có thể áp dụng vào mọi khía cạnh của cuộc sống: công việc, giải trí, du lịch… Hãy sáng tạo, trung thực và giản dị với các nhu cầu của mình.

Và luôn ghi nhớ công thức sau: Bớt sở hữu, thêm hạnh phúc.

https://lifechange.vn/chu-nghia-toi-gian/