Khủng hoảng tuổi trung niên

Khủng hoảng tuổi trung niên - Midlife crisis

Khủng hoảng tuổi trung niên (midlife crisis) thường diễn ra khi chúng ta đi được hơn nửa cuộc đời. Phổ biến nhất sẽ là trong giai đoạn từ 40-50 tuổi. Với một số người, khủng hoảng có thể diễn ra sớm hơn, từ ngoài 30.

Ở các nước có thu nhập cao, các khảo sát cho thấy hạnh phúc thường có mô hình chữ U. Từ cuối thời thanh niên, hạnh phúc bắt đầu giảm dần và chạm đáy ở độ tuổi trung niên, sau đó hạnh phúc bắt đầu tăng dần trở lại. Như vậy, khủng hoảng tuổi trung niên trùng với giai đoạn hạnh phúc điểm rơi thất nhấp. Lưu ý điều này được quan sát thấy ở các nước phát triển, với giả định rằng người dân không phải quá lo lắng về thu nhập và an sinh xã hội khi về già.

Giai đoạn này thường được đánh dấu bằng một số cảm xúc tiêu biểu như: hối hận, tiếc nuôi, lo âu và nghi ngờ. Với một số người, thời gian sẽ giúp họ làm quen và vượt qua giai đoạn sóng gió này. Với một số khác, có thể cần đến sự giúp đỡ nếu không có thể bị trầm cảm hoặc có hành vi tự hủy hoại bản thân như lạm dụng chất kích thích.

Những vấn đề phổ biến của khủng hoảng tuổi trung niên

Sức khỏe xuống dốc

Bắt đầu từ khoảng ngoài 30, cơ thể bắt đầu lão hóa và xuống dốc rõ rệt, càng lúc càng nhanh. Ban đầu là những chấn thương lâu lành, tóc rụng dần, da nhăn nheo xấu xí, sinh lý suy giảm. Sau đó là các chỉ số mỡ máu, đường huyết và bệnh tật thi nhau ập tới. Giai đoạn này tấn công chúng ta đầu tiên về mặt cơ thể. Lần đầu tiên bạn sẽ phải đối mặt với sự thật là mình không còn trẻ nữa. Mình đang già đi, và nhiều bệnh tật đang đón chờ phía trước.

Tiếc nuối vì chưa làm được gì nhiều

Trong giai đoạn này, có thể có nhiều sự tiếc nuối. Nếu chưa thành đạt như mong muốn, bạn có thể tiếc vì mình đã không chăm chỉ và mạo hiểm hơn khi còn trai trẻ. Nếu không có cuộc sống không phong phú lắm, bạn có thể tiếc vì mình đã không dành thời gian để trải nghiệm mà đã quá mải mê làm việc. Bạn cũng có thể hối tiếc vì không lập gia đình, không đi nước ngoài, hoặc không dành thời gian chăm sóc sức khỏe.

Để bù đắp điều này, bạn có thể bắt đầu thử trải nghiệm những điều điên rồ mà lẽ ra bạn cần làm khi còn trẻ. Kiểu như: tiệc tùng thâu đêm, mua xe phân khối lớn, yêu đương vụng trộm với những cô cậu đáng tuổi con mình.

Lo âu cho tương lai

Không còn nhiều lý tưởng và niềm tin, người ở độ tuổi trung niên cũng hiểu rõ hơn sự bấp bênh vô thường của cuộc đời. Bạn bắt đầu lo lắng cho cuộc sống khi về già, cho tương lai của các con. Bạn cũng có thể bắt đầu mơ về những đất nước có an sinh tốt hơn và tính đường định cư. Vì bạn mong muốn sự ổn định lâu dài.

Nghi ngờ bản thân

Bạn có thể hoài nghi về năng lực của mình. Khi nhìn sang các đồng nghiệp trẻ tài năng và sung sức, bạn có thể cảm thấy đuối sức và kém nhiệt huyết hơn. Bạn cũng không rõ các thành tựu mình có được là do nỗ lực hay chỉ là may mắn. Sự thành công vượt bậc của một số bạn bè đồng trang lứa càng làm cho sự hoài nghi trở nên tệ hơn.

Cảm thấy không có mục đích sống

Đôi lúc bạn cảm thấy thực sự trống rỗng. Bạn không hiểu tất cả cuộc sống này có mục đích gì. Tại sao bạn phải nhảy vào guồng quay cơm áo gạo tiền, chỉ để ngày ăn ba bữa rồi lăn ra ngủ? Sự tồn tại có ý nghĩa nào sâu sắc hoặc vĩ đại hơn hay thuần túy chỉ là duy trì sự sống và hưởng thụ lạc thú qua những giác quan?

Những thái độ cần thiết cho nửa sau cuộc đời

Nếu bạn trải qua một phần của các điều trên, đừng lo lắng. Hầu hết tất cả chúng ta đều trải qua một giai đoạn như vậy. Đây còn là một giai đoạn điều chỉnh cần thiết để bạn có được những hạnh phúc sâu sắc và một lối sống đúng mực hơn cho phần còn lại của cuộc đời.

Có một cái nhìn khách quan đúng đắn

Đầu tiên, hãy ý thức được những sự lo lắng của mình. Điều này phần nào thể hiện những gì bạn đã thiếu sót trong nửa đầu của cuộc đời. Bạn cần thấy rõ mình đã làm được gì, và chưa làm được gì. Không ai làm được mọi thứ. Nếu bạn có sự nghiệp, bạn phải hy sinh phần nào gia đình và sức khỏe. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho gia đình, sự nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bạn quá mải mê theo đuổi những mơ ước của mình, tất nhiên những phần còn lại sẽ thành tựu ít ỏi hơn. Đó đã là lựa chọn của bạn phải không nào? Và ai cũng phải lựa chọn như vậy, ai cũng mất một cái gì đó khi tập trung vào một cái gì đó khác.

Chúng ta có xu hướng so sánh mình với những gì chúng ta thấy ở môi trường xung quanh. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, tiếc rằng những gì chúng ta thấy quá long lanh hào nhoáng. Hơn nữa chúng còn là những điều được chọn lọc để khoe với xã hội. Bạn hãy luôn nhớ rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng, và đừng mất thời gian so sánh mình với người khác. Việc của bạn là trở nên tốt hơn bản thân mình trong quá khứ. Việc ấy cần thiết hơn.

Như vậy sau khi có một cái nhìn đúng đắn, bạn có thể dành thời gian còn lại để bổ khuyết những gì chưa tốt và phát huy những thế mạnh bản thân đã xây dựng được.

Thái độ với tiền bạc

Đừng lấy tiền và sự nghiệp làm thước đo duy nhất của cuộc sống. Ở cạnh những người như vậy rất tẻ nhạt, rỗng tuếch và rất áp lực. Gia đình của họ sẽ không bao giờ hạnh phúc. Hãy học cách hài lòng với những gì bạn đã làm được, dù có thể chưa nhiều.

Ở một khía cạnh khác, tiền vẫn là một nguồn lực đảm bảo sự ổn định cho cuộc sống. Bạn vẫn còn nhiều năm nữa để làm việc. Nếu chưa làm được như ý, thật sự là chưa quá muộn. Có thể bạn sẽ không giàu, nhưng bạn sẽ lo được cho bản thân và gia đình. Ở độ tuổi này bạn thường có nhiều mối quan hệ và các sự trợ giúp mạnh mẽ hơn vì những người xung quanh hầu hết đã thành đạt. Hãy kết nối lại với bạn bè cũ và tìm kiếm những cơ hội mới chín chắn hơn.

Thái độ với sức khỏe

Đây là giai đoạn bạn thực sự cần học cách chăm sóc sức khỏe bản thân. Bạn phải học cách từ bỏ các thói quen xấu và tập thể dục đều đặn, cũng như siết lại chế độ ăn. Lúc này, thời gian không còn đứng về phe của bạn. Phải dứt khoát và kiên trì, vì những người thân yêu xung quanh.

Đồng thời, bạn cần chấp nhận rằng, chúng ta ai rồi cũng già đi. Bạn có thể duy trì thanh xuân nhưng không níu kéo được tuổi tác. Khi già thì da sẽ nhăn nheo đồi mồi, tóc sẽ bạc, răng sẽ rụng và chuyện giường chiếu sẽ nguội dần. Đây là quy luật cuộc sống chúng ta cần tôn trọng, và đừng chiến đấu chống lại chúng. Điều đó tựa như bơi ngược dòng.

Thái độ với cuộc sống tinh thần

Tuổi trung niên có một lợi ích tuyệt vời, đó là quỹ thời gian dư dã. Thường lúc này con cái đã trưởng thành, công việc cũng bớt bon chen lại. Bạn có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để kết nối lại với tâm hồn mình. Hãy tìm lại những giấc mơ và sở thích từ thời thanh xuân. Có thể chúng hơi ngớ ngẩn, nhưng biết đâu chúng lại hay ho đến bất ngờ.

Nếu không biết bắt đầu từ đâu, hãy đọc sách và đi du lịch. Đó là cách rất thông minh để nhìn xem chuyện gì đang diễn ra trong cuộc sống, và để chúng truyền cảm hứng cho những dự định trong tương lai.

Bạn đã làm hết những điều trên mà vẫn thấy trống rỗng? Không thể tìm ra mục đích của cuộc đời mình? Khi ấy bạn có thể thử tôn giáo. Nhiều người phát hiện ra mình tâm linh hơn mình nghĩ và tìm được con người đích thực nơi tôn giáo. “Chùa” mà, sao không thử một lần 🙂

Và hơn hết, đừng ngại ngần lên tiếng để được giúp đỡ. Rất nhiều người xung quanh bạn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và đem đến những sự trợ giúp cần thiết.

Mong bạn sớm vượt qua giai đoạn này.

https://lifechange.vn/khung-hoang-tuoi-trung-nien/