Mấy cái chuyện đánh đấm

Người ta tập thể thao để trở nên khoẻ mạnh. Rồi họ thi đấu với nhau, để tìm ra ai là người nhanh hơn, mạnh hơn, khéo léo hơn, thông minh hơn. Võ thuật đối kháng cũng có những tố chất đấy, chỉ có điều cả người thua, lẫn kẻ thắng đều bước ra khỏi cuộc đấu với nhiều đau đớn và thương tổn hơn các bộ môn khác.

Mục đích của võ thuật nguyên thuỷ là để triệt tiêu đối thủ và bảo vệ sinh mạng bản thân. Võ thuật hiện đại sau nhiều cải tiến đã trở thành một môn thể thao thực thụ nhờ luật lệ. Luật lệ bảo vệ võ sỹ. Luật lệ bảo vệ trái tim yếu ớt của khán giả. Ai cũng thích xem hai gã trai trẻ khát máu hăng say tẩn nhau, nhưng chẳng mấy người có một cái dạ dày đủ khoẻ để nhìn một võ sỹ móc mắt đối thủ.

Có nhiều thể thức thi đấu tuỳ theo văn hoá mỗi địa phương. Có nơi thích vật, có nơi chuộng đấm, có nơi là say mê những cú đá. Nhiều vùng đất vẫn bảo tồn phương pháp chiến đấu bằng vũ khí. Nhưng thi đấu thì tay không phổ biến hơn. Võ tổng hợp (MMA) là thể thức cho phép người ta dùng nhiều cách để hạ gục nhau nhất. Võ sĩ có thể vật hay siết ngất đối thủ. Họ cũng có thể sử dụng đấm đá gối chỏ thoải mái. Một vài đòn bị cấm như tấn công vào mắt hay hạ bộ, hoặc sút vào người đã ngã xuống. Còn lại thì luật khá thoáng.

Nếu viết lách thể hiện tính cách một con người, một cuộc chiến bộc lộ điều đó rõ hơn nhiều. Nhiều người hâm mộ võ thuật và kể rằng họ đã theo học lâu năm. Thực tế, bạn sẽ không bao giờ biết họ là như thế nào, cho đến khi nhìn họ chiến đấu lần đầu tiên, dù chỉ là đấu tập. Và không biện pháp tu từ nào có thể che dấu điều đó.

Một tay thạo đấm đá sẽ thả lỏng và di chuyển nhẹ nhàng. Hắn đồng nhất hơi thở với cử động. Mỗi cú duỗi tay vung chân là miệng hắn xì nhẹ ra một cái dứt khoát. Nếu bạn muốn biết tốc độ và nhịp điệu của một võ sĩ chuyên nghiệp, bạn chỉ việc nhắm mắt lại và nghe tiếng xì khi hắn đấu. Một tay mơ sẽ căng cứng lại, y như con chuột bị rắn thôi miên. Hắn quên thở, lóng ngóng và phản ứng thái quá với mỗi cử động nhỏ nhất của đối thủ. Điều tiết adrenaline không phải là chuyện dễ với những kẻ chưa bao giờ ăn một cú đấm thực thụ. Đấy là vài điểm nhỏ để bạn dễ phân biệt ai là người biết đánh đấm. Điều đó chưa thể hiện nhiều tính cách của họ đâu.

Việc đầu tiên là cần xem cách họ phản ứng khi ăn đòn. Có những người sinh ra không dành cho những cuộc chiến. Nhiều khi chỉ ăn một cú đá vào chấn thuỷ có thể khiến họ bỏ giao đấu võ thuật cả đời. Họ có thể tiếp tục tập quyền thuật, nhưng không dám đánh nhau nữa. Trong giới hay gọi như thế là “bể gà”. Với người tập nghiệp dư, chuyện này rất phổ biến.

Những gã lì lợm thì khác. Đau đấy, nhưng đôi mắt chúng chỉ quắc lên thôi. Đòn đánh khiến chúng sực tỉnh, nhưng đồng thời cũng đánh thức một cái gì sâu thẳm ở bên trong khiến chúng không còn biết sợ hãi và chỉ muốn lao về phía trước. Cho đến khi nhận một đòn đủ nặng. Nhưng chúng sẽ quay trở lại phòng tập. Cái bọn đấy sinh ra là để đánh đấm, chỉ giao đấu mới làm chúng thực sự phấn khích.

Việc thứ hai là xem cách họ lựa chọn để đánh nhau. Có những tay chuyên đánh tỉa, lợi dụng tốc độ và sải tay, thụt thò cả trận đấu. Có những tay thích áp sát và gây áp lực. Có những tay chuyên vật rồi đè lên đối thủ mà nã những cú trời giáng như giã gạo. Có những tay lại khéo léo luồn quanh đối thủ như một con trăn Nam Mỹ rồi siết họ bất tỉnh. Kẻ ưa chiến thuật sẽ luôn dùng vũ khí mình mạnh nhất để khoan vào điểm yếu của kẻ địch.

Nhưng cũng có những gã máu nóng. Tiêu biểu trong MMA có Chuck Liddell và Justin Gaethje, hai tay với bảng thành tích vật sừng sỏ từ thời trung học. Nhưng các lão ấy chẳng thích vật người ta xuống mà thích đứng và đấm đá. Chỉ khi nào các đốt ngón tay của họ đấm lệch hàm đối thủ thì con thú bên trong mới thoả mãn. Nghĩa là mấy lão ấy từ bỏ vũ khí mạnh nhất của mình (vật), và sử dụng vũ khí thứ hai (đấm đá) được rèn luyện khi đã quá tuổi trưởng thành. Lúc ấy các mô tơ vận động đã hoàn thiện, không còn là thời gian lý tưởng để khắc sâu các kỹ năng vào thân thể nữa. Nhưng mấy lão khát máu thì chẳng mấy quan tâm.

Vì liên quan tới những bản năng sinh tồn nguyên thuỷ, võ thuật dễ gây nghiện. Hoặc bạn nghiện xem, hoặc bạn nghiện đánh nhau, hoặc cả hai. Ai đã nghiện võ rồi thì sẽ lười biếng xem những môn thể thao uỷ mị hơn như là đá bóng. Cái thứ túc cầu ấy xem cũng thích đấy, nhưng nó hiếm khi lấy đi nước mắt của bạn. Xem một võ sĩ bị dần nát bươm cả trận, rồi trong một giây phút bất thình lình, võ sĩ ấy chớp được cơ hội và siết cổ đối thủ dành chiến thắng; điều ấy sẽ khiến khoé mắt bạn cay cay và nước mắt cứ chảy ra mà không hiểu tại sao. Bạn thậm chí còn không cổ vũ cho võ sĩ ấy. Và bạn còn không quan tâm lắm vì võ sĩ ấy là nữ. Vâng tôi đã khóc khi Miesha Tate siết cổ Holly Holm ở UFC 196. Nhưng tôi sẽ không bao giờ khóc nếu MU thua. Cái bọn quỷ đỏ bạc nhược và đỏng đảnh ấy xứng đáng thất bại.

Chính vì sự khốc liệt của nó, võ thuật chiến đấu rèn luyện con người ở một tầm mức khác so với các môn thể thao còn lại. Một vận động viên Muay Thái sẽ phải chạy mỗi sáng tầm 10km từ khi còn niên thiếu để có mật độ xương dày hơn. Rồi anh ta phải đá vào bao mỗi ngày và thậm chí còn lấy chai nước lăn lên ống đồng để làm chai lì dây thần kinh báo đau. Hàng ngày anh ta luyện tập nhiều giờ đồng hồ và thường chốt lại bằng việc rèn luyện sức chịu đựng. Anh ta để bạn tập đánh vào cơ thể cho quen đòn. Anh ta cũng phải tập cho cơ cổ thật cứng cáp để não không rung lắc mạnh mỗi khi nhận một cú đấm – điều chắc chắn luôn xảy ra trong mỗi trận đấu. Gìn giữ tuổi thọ thi đấu luôn là một vấn đề quan trọng vì các võ sĩ vẫn có thể tranh đai dù đã vào độ tuổi bốn mươi.

Người chơi nghiệp dư thì sẽ không cần phải tập nặng quá, chẳng đến một phần ba khối lượng như dân chuyên nghiệp. Nhưng việc đánh đấm chắc chắn sẽ luôn giữ cho họ trung thực. Họ sẽ biết họ ở đâu và giỏi như thế nào ngay vào thời điểm nước mắt trào ra vì ăn một cú thôi sơn trời giáng vào sống mũi. Và nếu họ thật sự tập võ thuật chiến đấu, họ chẳng mấy khi ba hoa nữa.

Everybody has a plan until they get punched in the mouth.

Mike Tyson

Tôi luôn muốn các con của tôi tập võ.

https://lifechange.vn/may-cai-chuyen-danh-dam/