Tại sao chúng ta nên đọc sách?

các lợi ích của việc đọc sách

Vài năm trước, trong khi chờ bạn ở một quán cafe trên quận 1, tôi tranh thủ nhẩn nha vài trang sách. Đó là một cuốn sách khá hay của Eckhart Tolle: “Thức tỉnh mục đích sống”.

Thỉnh thoảng tôi đi ra chỗ hẹn sớm chừng nửa tiếng như vậy để có chút thời gian đọc sách ngoài quán. Thường tôi thích đọc sách ngoài trời, hoặc đọc ở nhà trong cho riêng tư. Nhưng đôi khi đổi gió cũng khiến việc đọc thích thú hơn.

“Tới giờ mà chưa biết mục đích sống là gì à?”, anh bạn tôi không biết đã tới từ khi nào, cất giọng hỏi, cắt ngang mạch đọc của tôi.

“Thế anh có biết mục đích sống của mình không?”, tôi ngẩng đầu lên, cười hỏi.

Anh giải thích cho tôi đại thể là muốn làm gì thì làm. Không cần có mục đích. Hơn nữa mục đích sống thì không cần phải đọc sách hay nhờ ai chỉ cho mình. Việc đọc sách là không cần thiết lắm.

* * *

Sáng nay, trời Sài Gòn nắng đẹp. Thời tiết cuối năm rất dễ chịu. Tôi tản bộ ra công viên gần nhà lúc gần tám giờ sáng. Tầm này không còn sớm nữa nhưng sẽ rất vắng vì nắng đã lên cao. Người ở xứ nhiệt đới này lạ lắm, họ biết cái tai hại của nắng nên họ tìm mọi cách tránh nó như tránh tà. Thành ra họ cũng không nhận được cả những lợi ích mà nắng mang lại. Mà có phải nắng nào cũng là nắng vỡ đầu đâu. Như nắng sáng nay rất tươi tắn, nếu phơi lâu da sẽ hơi rát nhẹ, không nóng bỏng như nắng tháng tư mà đã được những cơn gió sông mát lạnh làm dịu bớt.

Gần Tết Tây rồi, ngồi dưới bóng râm là có thể cảm nhận được chút hương vị hanh hanh của mùa thu ngoài Bắc. Nhưng chỉ là một chút như mắm chấm đầu đũa thôi. Chưa ăn thua, những cũng đủ để tâm trạng lãng đãng hơn thường ngày.

Tôi lấy sách ra đọc. Tôi còn nửa cuốn “Ông già và biển cả” của Hemingway đang đọc dở. Văn của ông ấy đanh thép, hùng hồn, lão luyện và chỉ nói vừa đủ để khiến người đọc phải bù nốt câu truyện bằng trí tưởng tượng của mình. Đọc cuốn lắm. Tôi đọc xong mà đọng lại nhiều cảm xúc mạnh.

Chợt tôi nhớ lại cuộc nói chuyện với anh bạn mấy năm trước.

Sách vs Cồn: cuộc chiến không cân sức

Warren Buffet đọc 500 trang sách mỗi ngày.
Mark Cuban đọc 3 giờ mỗi ngày.
Bill Gates đọc 50 quyển sách mỗi năm.
Elon Musk tự học vật lý và khoa học tên lửa thông qua việc đọc sách.

Hầu hết những người thành đạt trên thế giới đều hình thành thói quen thích đọc sách. Người Mỹ trung bình đọc khoảng 12 cuốn sách, người thu nhập cao (hơn $75k / năm) đọc 15 cuốn sách mỗi năm, nhỉnh hơn một tẹo.

Cùng lúc đó ở một đất nước Đông Nam Á nhỏ với truyền thống hiếu học, mọi chuyện lại rất khác. Kinh tế thị trường lùa vào vỏn vẹn mới có ba thập niên – nhanh như cách một cơn gió mùa Đông Bắc tràn về khiến ta co ro trong bỡ ngỡ – đã mau mắn cuốn phăng đi nhiều giá trị cũ tốt đẹp.

Người Việt vốn yêu chuộng kiến thức bỗng trở nên ruồng rẫy cái đống chữ nghĩa phiền toái này. Mấy anh đầu to mắt cận đọc nhiều rồi hay nói những thứ khù khoằm khó hiểu là hình ảnh xuất hiện đầu tiên khi nói tới một người trí thức thích đọc.

Những người thành đạt thời nay thích trang hoàng nhà của mình với một cái tủ rượu chứ không phải tủ sách. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore. (Nguồn: Thanh Niên)

Nếu nhẩm nhanh 1 chai bia 330ml với ABV 5% chứa 0,0165 lít cồn nguyên chất, thì một năm trung bình dân mình cũng uống được 503 chai bia. Như vậy một tuần trung bình chúng ta uống được 9,67 chai bia. Con số này bao gồm cả những người không uống. Với anh bạn tôi thì chắc phải gánh được cho năm người như vậy.

Cồn áp đảo Sách. Tôi công nhận thế. Tôi chỉ muốn yếu ớt lên tiếng bảo vệ cho sự hay ho của việc đọc sách.

Để tôi thử xem sao.

Đọc sách là một sự rèn luyện

Với những người thành đạt, tôi cho rằng không phải họ thành công vì đọc sách. Tôi nghĩ họ thành công vì họ biết chọn lọc những thứ cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn, có khả năng tập trung, tính kỷ luật cao, và biết rút kinh nghiệm từ bài học của những người khác. Bạn nhìn mà xem, có sở thích nào thoả mãn hết danh sách tôi mới nêu không? Đúng rồi, đó chính là việc đọc sách.

Tôi thích đọc sách vì đọc sách cần tập trung, và đọc sách rèn tính tập trung. Một mối quan hệ hai chiều bổ ích. Nếu không chú tâm bạn sẽ đọc mà không hiểu gì. Một lúc sau sẽ phải đọc lại. Càng đọc nhiều, đọc giỏi thì bạn càng có khả năng tập trung tốt. Khi tập trung mà không lao lực thì đọc sách lại là một bài thể dục nhẹ nhàng rất bổ ích cho não. Thường sau khi đọc tôi luôn cảm thấy bình yên và thanh thản hơn.

Đọc sách đều đặn – như mọi thói quen – đều đòi hỏi tính kỷ luật cao. Sẽ có lúc bạn phát ngấy với việc đọc. Sẽ có những quyển sách khởi đầu chán ngắt và tốn hàng thế kỷ để đi tới cao trào, thậm chí có những quyển sách dở tệ từ đầu tới cuối. Nhưng một người đọc sách lành nghề sẽ có thể lướt qua chúng đầy kiên nhẫn, một đức hạnh cần thiết cho mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Bạn thấy hai lý do trên cũng được đấy chứ nhỉ. Chúng cho thấy đọc sách không phải chỉ là để giải trí hay bổ sung kiến thức mà còn là một phương pháp rèn luyện tính cách tuyệt vời. Miễn là bạn chọn loại sách nào “bổ ích” một chút. Việc định nghĩa thế nào là bổ ích, tôi xin phép nhường lại cho bạn.

Cuộc trò chuyện với các danh nhân

Lý do thứ ba mà tôi thích đọc sách là vì tôi thích trò truyện với những người xuất chúng. Những câu chuyện cơm áo gạo tiền dễ làm tôi chán ngắt. Bộ óc của tôi không đủ xôi thịt để tiêu hoá các cuộc tán gẫu thông thường. Tôi thà không tham gia và dành thời gian để lắng nghe các bộ óc vĩ đại. Cách nhanh nhất để làm chuyện đó là đọc sách của họ.

Nhờ đọc sách tôi biết được Steve Jobs có thể gọi điện trực tiếp cho nhân viên của Google để thay đổi dải màu vàng của một chiếc logo bé xíu trên ứng dụng bản đồ của iPhone. Hay tôi biết về những lần phóng tên lửa bất thành của Elon Musk và anh ta quản lý dở tệ như thế nào trong giai đoạn mới bắt đầu kinh doanh.

Hơi tiếc là những cuộc trò chuyện này chỉ mang tính một chiều, họ nói và tôi lắng nghe. Đôi lúc tôi cũng muốn phản bác lại hoặc gân cổ tranh cãi một chút, nhưng trang sách cứ lặng lẽ nhìn và bình tâm đón chờ tôi quay lại khi các cảm xúc đã nguôi ngoai. Như vậy đọc sách đã giúp tôi trở thành một người biết lắng nghe hơn.

Trên đây là ba lý do của tôi. Nếu đọc được tới đây hẳn bạn là người đọc khá tốt. Tôi nghĩ không nhiều người sẽ đọc được tới dòng này. Vậy lý do thích đọc sách của bạn là gì?

https://lifechange.vn/tai-sao-chung-ta-nen-doc-sach/