Tại sao đọc sách self-help không có tác dụng?

Nói tới sách self-help, nghĩa là những cuốn sách dạy về tư duy, truyền cảm hứng và không thiết thực, xôi thịt (theo nghĩa tốt) như sách chuyên môn hay sách dành cho Dummies. Kiến thức trong sách self-help trên thực tế rất đúng và hay.

Bạn có thể đọc lại những cuốn sách như Cha giàu cha nghèo, Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu… sau nhiều năm và càng đọc càng cảm thấy các điều nói trong sách đều rất đúng. Vậy tại sao sách self-help lại bị mang tiếng xấu?

Kiến thức cao siêu nhưng không ứng dụng được ngay

Thứ nhất, việc học phải tuần tự từ A, B, C cho tới Z. Nếu bạn đang ở lớp một, là một anh nhân viên mới đi làm mà đọc về các kỹ năng quản lý cao cấp thì dù thích mấy bạn cũng không có khả năng và môi trường để áp dụng. Cuốn sách sẽ không tạo ra được sự khác biệt trong thời gian ngắn và dễ bị coi là không có hiệu quả, nặng hơn là vô dụng.

Trong trường hợp này, cần tìm sách self-help gần gũi với trình độ và hoàn cảnh hiện tại của mình. Ở những bạn mới đi làm nên là sách dạy hình thành thói quen tốt, quản lý bản thân, trở nên năng suất và cân bằng cuộc sống với công việc. Với những bạn mới lên quản lý thì cần học kỹ năng mềm, cách làm việc với đồng nghiệp, đối tác. Với những bạn là chủ doanh nghiệp hoặc ở cấp quản lý cao nên học về cách mở mang tư duy, phá kén để làm mới mình, truyền cảm hứng, cách xây dựng thị trường mới.

Không đủ khả năng thực tế hoá khái niệm

Hầu hết sách self-help được viết ra bởi những con người rất thành đạt trong xã hội. Nếu họ không có những thành công đó thì những cuốn sách này cũng rất khó bán. Khi viết họ đúc kết lại những kiến thức cô đọng và thấm thía nhất mà họ đã trải nghiệm được. Đôi lúc, hơi quá cô đọng hoặc trừu tượng.

Do người đọc không đủ kiến thức và trải nghiệm sống tương tự, nên những điều được nói ra dường như quá đơn giản hoặc xa vời để hiểu và hiện thực hoá theo. Thường với những người tư duy vĩ mô và làm chuyện lớn, một câu nói, một ý tưởng với họ là đủ để tạo ra một thay đổi lớn. Tiếc thay số lượng bạn đọc như vậy lại là số ít.

Vì vậy nếu chọn sách self-help không phù hợp với nhận thức, bạn có thể cho rằng tác giả chỉ đang thuyết pháp giảng đạo và những điều được dạy là ngớ ngẩn, “tuyền một phường chém gió”.

Nếu bạn ở trong tình cảnh này, tương tự như ở trên, hãy tìm những sách gần gũi với nhu cầu hiện tại hơn. Hãy tìm sách trau dồi kỹ năng công việc bạn đang làm, chưa cần chạm tới sách dạy tư duy quá nhiều. Dần dà bạn sẽ phát hiện ra nhu cầu phải đọc thêm để mở mang đầu óc, lúc đó đọc cũng chưa muộn.

Đọc nhưng không làm theo

Vấn đề thứ ba là người đọc hiểu được ý tưởng của tác giả nhưng không có khả năng tạo ra thay đổi thực sự. Họ không biết cách thẩm thấu ý tưởng bằng toàn bộ sự tập trung và nhận thức của mình, hoặc lười biếng không muốn áp dụng với bản thân. Đây là những con người mơ mộng nhưng không thích động tay động chân.

Để trắc nghiệm mình có thuộc dạng này không, hãy tự đặt những câu hỏi như: với mỗi cuốn sách bạn có rút ra được những điểm chính yếu và ghi nhớ chúng không? Và sau đó, hãy hỏi tiếp, hiện bạn áp dụng được những điều nào trong những điểm trên?

Với những cá nhân học mà không hành, không chỉ sách self-help mà bất cứ loại kiến thức nào cũng không thể chuyển thành trí tuệ của riêng họ. Không sửa được điểm này thì mãi chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, không bao giờ gặt hái được trái ngọt cho mình.

Không nên đọc quá nhiều sách self-help

Sách self-help giúp truyền cảm hứng, tạo động lực, cho thêm những góc nhìn mới mẻ về cách tư duy, công việc và cuộc sống. Tuy nhiên thường thì sách self-help không đưa ra phương án hành động trực tiếp, mà muốn đưa ra cũng khó vì sách nhắm tới số lượng độc giả rộng lớn có hoàn cảnh sống và làm việc khác nhau.

Thêm vào đó, sách self-help được viết với đầu óc bán hàng xuất chúng từ những bộ não cự phách nên chúng rất dễ đọc, dễ nghiện, dễ đắm vào mơ mộng hão huyền, và quan trọng nhất là dễ tưởng là mình đã sở đắc các kiến thức trong sách và trở thành ông nọ bà kia.

Hãy đọc sách self-help khi nào cần động lực, rảnh rỗi, muốn thay đổi cách tư duy. Để sách self-help làm đúng mục đích của nó. Còn lại phần lớn thời gian nên được dồn cho việc đọc sách chuyên môn. Ở đây tôi chỉ đề cập tới việc đọc để học, không bàn tới nghệ thuật hoặc giải trí.

Sách đạo đức, tôn giáo có phải là sách self-help hay không?

Sách tôn giáo có vai trò dạy dỗ chúng ta cách sống sao cho tốt, hướng thiện và gặp những điều an lành trong cuộc sống. Dòng sách này giao thoa với sách self-help trong phạm trù hướng dẫn tư duy và đôi lúc là truyền cảm hứng.

Tuy nhiên sách tôn giáo có những ý nghĩa to lớn hơn và phục vụ số lượng bạn đọc cũng ít hơn; mục tiêu thì không hướng về thành đạt tài chính, mà nhắm vào hạnh phúc tối thượng như Niết Bàn, Thiên Đường, Phúc Lạc hoặc Thượng Đế.

Loại sách này có thể đọc thường xuyên để xây dựng và nện chắc nền tảng đạo đức – điều này cực kỳ quan trọng và sẽ đem tới những thành công trong sự nghiệp, các mối quan hệ và cuộc sống. Thêm vào đó khi gặp khủng hoảng, sách tôn giáo có giá trị chữa lành và giúp bạn vượt qua khó khăn mà ít dòng sách nào sánh được.

Dù là sách nào, cũng phải biết cách chọn lọc để chỉ đọc sách tốt. Việc lựa chọn sách tốt-xấu chúng ta sẽ bàn tới ở một bài viết khác nhé.

https://lifechange.vn/tai-sao-doc-sach-self-help-khong-co-tac-dung/