Các giá trị xưa cũ

những giá trị xưa cũ

Tôi nghĩ tôi không phải là người thích hoài niệm. Tôi cũng ưa thích những tiến bộ của nhân loại và cũng biết tập toẹ tận hưởng tiện nghi do chúng đem lại. Nhưng tôi thực sự rất trân trọng những giá trị xưa cũ mà tồn tại được với thời gian, nhấn mạnh ở vế sau.

Tôi nghĩ những gì mới mẻ và hay ho thoạt nhìn thì hấp dẫn, nhưng chúng vẫn còn thiếu chiều sâu của sự trải nghiệm. Những gì thực sự trân quý, có giá trị, có tầm ảnh hưởng thì sẽ có tuổi thọ rất lâu dài. Đọc Life Change này thì cũng vui đấy, nhưng dăm phút sau là quên. Còn “Chiến tranh và hoà bình”, “Ông già và biển cả” hay “Dế mèn phiêu lưu ký” thì sẽ còn mãi trong tâm trí biết bao thế hệ. Những tác phẩm ấy được coi là bất hủ, vì chúng đã trải qua sự khảo thí của thời gian.

Ấy là tôi nói về phần phi thời gian. Còn phần thứ hai là xưa cũ. Tại sao tôi lại thích thú với những gì xưa cũ?

Tôi cảm thấy trước đây cuộc sống ít phiền nhiễu hơn. Con người không bị quấy rầy và họ làm ra những thứ tuyệt diệu. Thời nay có quá nhiều sự nhiễu loạn. Ngồi một mình đọc dăm trang sách trong yên tĩnh không còn là một thú vui. Đó là đồ cổ, là của hiếm đấy. Bạn đi đâu để có được yên tĩnh? Nếu không là tiếng cười nói của con trẻ trong nhà, thì là âm thanh chát chúa của xe cộ hay tiếng nhốn nháo lẫn các bản nhạc được phát tuỳ hứng ở các quán cafe bận rộn. Và giả như bạn cất công để đi tới được một khoảng không gian thanh tĩnh, bạn còn phải gồng nốt những cơ bắp quyết tâm ở hai bán cầu não để tắt điện thoại đi nữa. Và để làm được những gì hay ho, có lẽ phải tắt vài tiếng đồng hồ thì mới có chút ít tác dụng.

Hãy nhớ lại xem lần cuối bạn tắt điện thoại vài tiếng để làm việc là khi nào? Từ đó tới nay bạn chưa thật sự tập trung như thời các cụ đâu. Bạn vẫn còn có thể làm tốt hơn nhiều đấy.

Cũng vì cuộc sống đơn giản hơn, tôi cảm giác người xưa sâu sắc và nghiêm túc hơn. Dưới đây bạn có thể tham khảo tính kỷ luật và thái độ làm việc của Nguyễn Hiến Lê từ hồi ký của ông.

“Tôi tự đặt cho tôi một kỉ luật, trừ khi đau ốm, còn thì ngày nào cũng dậy từ sáu giờ hay sáu giờ rưỡi, điểm tâm lúc bảy giờ, rồi nằm đọc sách, chín giờ là lại ngồi vào bàn viết để viết luôn tới mười hai giờ, giờ bữa trưa. Ăn cơm trưa xong, tôi nằm nghỉ khoảng một giờ, nhắm mắt lại, chợp được độ nửa giờ là nhiều; một giờ rưỡi thức dậy nằm ở giường đọc sách đến ba giờ. Chiều lại viết từ ba giờ đến năm giờ rưỡi, sáu giờ, tắm xong ăn bữa tối lúc bảy giờ. Cả buổi tối tới mười giờ, tôi chỉ nằm đọc sách, báo […] Như vậy mỗi ngày tôi viết nhiều nhất khoảng năm sáu giờ, đọc sách báo, cũng năm sáu giờ, rốt cuộc chỉ làm việc được mười giờ, nhưng còn phải trừ mỗi ngày độ một giờ vào công việc xuất bản (sửa ấn cảo, giao thiệp với nhà in, nhà sách, viết thư cho bạn và độc giả). Mỗi năm viết cả sách lẫn báo, trung bình được ngàn trang trở lại, mỗi ngày trung bình ba trang.”

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Về thái độ với công việc kinh doanh và sự trân trọng với “thương hiệu”, bạn có thể thử đọc đoạn văn sau trong “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam.

“Ngày xưa, cái biển hàng còn là một cái gì hơn không chỉ là một cái biển hàng mà thôi. Đó là một bộ gì liền với cơ nghiệp và số vận của người buôn, cái biển hiệu thực hiện của những cố công nhẫn nại và những đức tính ngay thật của chủ hàng. Đề biển phải chọn ngày tốt, phải xin chữ của những người viết giỏi có tiếng, và người ta thận trọng giữ gìn như một thứ của gia bảo ở những cái biển cũ đã tróc sơn, mà gió mưa bao nhiêu năm đã làm lạt cả vàng son, những nét chữ mạnh mẽ và rắn rỏi vẫn còn như nguyên mới. Tôi không khỏi bao giờ đi qua không dừng bước lại ngắm nghía ba chữ đại ‘Vạn Thảo Đường’ trên cái biển cũ kỹ của hiệu thuốc ấy ở đầu phố Hàng Đường.

“Ba chữ ‘Đông Hưng Viên’ cũng sắc nét và còn mới hơn. Ngày trước còn mấy chữ ‘Cộng Hòa Đường’ viết bằng son đỏ tươi, lối nửa chân nửa lệ, chữ bay bướm, trông đến thích cả mắt. Nhưng bây giờ người ta đã xóa đi để thay vào bắng lối chữ ‘vuông tân thời’ trong các quảng cáo ở báo Tàu hay bằng những chữ điện tím hoa cà, xanh lá mạ đêm đêm sáng ngời một góc trời. Tất cả cái gì cũng thay mới người ta không những thấy có biển hàng, người ta thấy cả bề mặt cái cửa hàng nữa. Và sự thay đổi bề ngoài ấy đem đến cho phố xá Hà Nội một vẻ mới riêng, hơi lạ lùng và đột ngột.”

Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam

Cuốn sách này xuất bản từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, nghĩa là cách đây gần 8 thập kỷ. Điểm thú vị là ngay thời gian đó Thạch Lam đã thấy hơi đột ngột với những sự đổi mới cách tân màu mè và đầy tính tiếp thị rồi. Hay cả Thạch Lam và tôi đều là những tay gàn dở chỉ thích những gì xưa cũ và chối bỏ hiện tại? Điều ấy cũng có thể lắm.

Trong các giá trị bất biến với thời gian, còn một loại giá trị nữa sâu sắc hơn ấy là những giá trị của chân lý, của sự thật tuyệt đối, của Đạo. Đó là những gì chiêm nghiệm cả cuộc đời rồi đúc gọn trong vài ngàn chữ của Đạo Đức Kinh, trong những câu chuyện ngụ ngôn hài hước mà vô cùng thâm thuý của Nam Hoa Kinh, trong những bài kinh Phật chép trên lá bối tuổi thọ hàng ngàn năm.

Nếu bàn về chủ đề này thì hẳn vài cuốn sách cũng là không đủ, nên tôi xin tạm dừng vì ngẫm thấy cũng đã hơi nhiều lời so với một bài ngẫu hứng phiếm luận. Không biết có mua vui được trống canh nào cho quý bạn hay không?

https://lifechange.vn/gia-tri-xua-cu/