World Cup 94 và hiệu ứng Dunning-Kruger

Các cầu thủ chuyền bóng thật rời rạc. Họ xử lý lóng ngóng, ban bật loạng choạng và chạy mới chậm làm sao.

“Trượt rồi, bóng đã vọt xà. Đúng là đồ ngốc. Con mà sút thì bóng sẽ nằm gọn trong lưới,” thằng bé cáu kỉnh nói với mẹ.

“Con nghĩ con giỏi hơn mấy cầu thủ đó à?” mẹ nó bật cười hỏi lại.

“Đương nhiên rồi, ở lớp con thường xuyên ghi bàn từ góc như thế,” thằng bé tự tin trả lời.

Mà nó thật sự tin vào điều đó. Ở góc đấy nó sẽ sút má ngoài theo kiểu dao cạo. Kiểu sút ấy nó thành thục rồi. Giờ nó đang tập cú sút lái bóng. Sút kiểu ấy mới khó. Nếu không có giầy nó có thể uốn cong bàn chân lên và miết ức bàn chân vào mặt trước quả bóng. Bằng cách đấy, cứ sút ba quả thì nó lái được một cú xuống. Còn nếu mang giầy thì chịu, không sút như thế được.

Vâng đó là một trận đấu tại World Cup 1994 tổ chức ở Mỹ. Mấy cú sút trên là từ truyện tranh “Captain Tsubasa” hay được xuất bản ở Việt Nam dưới cái tên quen thuộc hơn là Subasa. Đứa bé năm ấy đã thực sự tin rằng mình đá hay hơn các cầu thủ tham dự World Cup.

Khoảng gần một chục năm sau, cũng đứa bé ấy nhưng nó đã trưởng thành, ở một sân cỏ đầy nắng giữa thành phố mang tên Bác, đó là lần đầu tiên nó được đá sân mười một người. Trước đấy nó toàn đá sân bảy người. Không giỏi lắm nhưng cũng tạm được, gọi là biết đá.

Một anh trai tầm tuổi “băm” vào sân thay người. Trông anh rất vui tính, nụ cười luôn nở trên môi. Làn da anh rám nắng, màu đồng hun, óng lên khoẻ mạnh. Vừa chạm bóng lần đầu, anh chạy dọc biên trái, đẩy bóng qua một người, rồi hai người, rồi ba người. Vèo một cái anh đã đối mặt với thủ môn. Anh lại đẩy bóng tiếp, rê qua luôn thủ môn và sút tung lưới. Đó là lần đầu tiên nó tận mắt thấy một người rê bóng từ giữa sân ghi bàn.

Đá thêm được mười phút thì nó được cho thay ra. Đá phủi nên mọi người cứ thay nhau ra ra vào vào để ai cũng có cơ hội được ra sân. Nó rất tò mò nên hỏi ngay mấy anh lớn hơn:

“Anh kia là ai thế nhỉ? Sao anh ấy đá hay thế?”

“Khỏi nói, thằng đó thì hay rồi,” một ông chú trả lời, “nó từng là thủ môn của đội tuyển Cảng Sài Gòn đó. Từ khi đội giải tán, chiều nào nó cũng ra đây đá banh với bọn anh.”

Thật là một trải nghiệm đáng nhớ. Lần đầu tiên nó được đá với cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ, dù chỉ là một thủ môn đã giải nghệ.

Vâng đứa bé ấy chính là tôi, và hai câu truyện trên đều có thật.

Đến giờ tôi mới biết hoá ra người ta có khả năng đánh giá sai lầm về bản thân mình tới vậy. Thậm chí có 2 anh chàng là Dunning và Kruger còn đưa ra một hiệu ứng tâm lý mang tên mình, hiệu ứng Dunning-Kruger, chỉ dành để nói về việc này.

Khi cho những sinh viên làm các bài kiểm tra, họ nhận ra những sinh viên thuộc nhóm 12% kém nhất cho rằng họ đã làm tốt và tự đánh giá bản thân làm giỏi hơn 62% những người còn lại. Trong khi ấy những sinh viên làm tốt nhất thì thường nghĩ mình làm kém hơn thực tế và có nhiều người làm tốt hơn mình.

Người ta hay lạm dụng cái hiệu ứng này, và dành riêng nó cho những “kẻ ngốc bất tài”. Trên thực tế, hiệu ứng vốn mô tả một hiện tượng tâm lý xảy ra ở tất cả mọi người trong việc tự đánh giá bản thân.

Khi mới học một lĩnh vực nào đó, chúng ta thường nghĩ rằng mình làm tốt hơn trung bình và đã “thành tựu” kha khá. Càng hiểu biết sâu hơn, ta lại càng thấy mình nhỏ bé, đôi lúc tới mức phải tự hoài nghi năng lực bản thân.

Chính vì vậy khi nào cảm thấy mình giỏi hơn những người khác, khả năng cao là bạn vẫn đang ở giai đoạn chập chững học việc.

Làm thế nào để không rơi vào cái bẫy tâm lý này?
Hãy gặp đủ nhiều người giỏi. Đơn giản vậy thôi.

https://lifechange.vn/dunning-kruger/