Bóng đá đường phố

bóng đá đường phố

Ngày hôm nay niềm tin của tôi vào tương lai thế hệ trẻ đã được phục hồi, sau khi chứng kiến một trận bóng đá đường phố. Như thế nào mà lại thần kỳ thế nhỉ? Để tôi thong thả kể cho bạn nghe nhé.

Buổi chiều mát, tôi đưa con ra một công viên ở quận 1 để trượt patin. Trong khi chờ cu cậu lả lướt trên sân thì tôi quan sát mọi người ở công viên, nổi bật nhất là một lũ trẻ đang đá bóng ngay gần chỗ tôi ngồi. Tôi thích quan sát thế giới khi không có gì để làm. Luôn có một điều gì đó thú vị ta có thể học hỏi, nếu ta để tâm chú ý. Suồng sã hơn thì gọi là… “thích soi mói”.

Lũ trẻ phần lớn ở độ tuổi học cấp hai, khoảng 13-14 tuổi, rất đa dạng. Có đứa trắng bóc, tóc chẻ ngôi giữa, thi thoảng lại hất mặt vuốt tóc như tài tử điện ảnh những năm 90, quần áo chỉn chu, giầy thể thao mới tinh, trắng muốt pha chút sọc da cam phản quang chói loá. Có đứa tóc hoe vàng, người đậm đà mập mạp, đen tới mức khi nó vén áo lên đến da bụng cũng sẫm màu, chạy chân đất huỳnh huỵch. Có đứa hình như vẫn học tiểu học, bé như cây kẹo mút dở, miệng lúc nào cũng cười toe đầy tự tin, hơi xun xoe nịnh lũ trẻ lớn. Có một trai già U40 cũng đá chung, chúng nó gọi là chú. Nói chung nó như một cái nồi lẩu thập cẩm các thể loại tính cách và ngoại hình, rất đặc sắc.

Chúng lấy một đôi dép lê, mỗi chiếc để một bên làm cột gôn. Đá qua hai cái dép là ghi bàn. Giống hệt chúng tôi gần ba mươi năm về trước, không khác gì cả. Cũng hẩu lốn, giày dép với chân đất, đồng phục với cởi trần, cao thấp béo gầy lẫn lộn. Chỉ có tiếng cười rổn rảng hoặc thi thoảng vài câu chửi tục văng lên là ngôn ngữ chung.

Tóc ngôi giữa nhận được “bóng”, vốn là một quả cầu mây, rồi vung chân sút. Bóng ăn ra má ngoài, lệch gôn tới vài mét. Như để chữa ngượng, nó vuốt tóc một cái rồi chửi, “Má, biết vậy đem giầy đá banh, không mang đôi này.” Những tưởng nó chỉ lấy đấy làm lý do, một lúc sau tôi thấy tóc ngôi giữa đã vứt đôi giày bóng lộn đi và đá chân đất cùng lũ trẻ khác. Nó xử lý bóng mượt hơn thật, đúng là do đôi giầy.

Tóc vàng hoe nhận bóng bên cánh phải, nó giả sút qua người rồi chuyền dài chuyển cánh rất đẹp để cho tiểu học đệm bóng cận thành ghi bàn. Cả đội chạy ra ăn mừng và khen ngợi tiểu học. Mặt tiểu học rạng rỡ, nụ cười thường trực càng nở toe toét hơn. Tóc vàng hoe cũng vui nhưng không ngừng gào lên, “thấy tao kiến tạo đẹp chưa?” cho tới khi một vài đứa gật đầu đáp lại thì nó mới cười thoả mãn.

Ngồi cạnh tôi là một chú nhóc đi dép xăng đan, đang tờ cầm công thức toán ôn bài, miệng lầm rầm đọc mấy hằng đẳng thức. “Thằng bé này cũng quái đản, ngày xưa chẳng bao giờ mình ra công viên học bài.” Đang nghĩ thế thì tôi thấy dép xăng đan réo gọi thủ môn, “Áo đỏ ơi, thiếu người không cho tui đá với”. Hoá ra nó cầm tờ giấy để hợp thức hoá với bố mẹ thôi. Nó ra đây để kiếm kèo đá banh.

Một lúc sau nhiều đứa bé tới, dép xăng đan được xếp vào một đội nữa. Như vậy chúng có ba đội. Cứ khi nào có bàn thắng thì đội bị ghi bàn sẽ ra nghỉ. Đội còn lại được vào thay. Cũng giống hệt chúng tôi ngày xưa. Dép xăng đan vì là người lạ, một cậu bé hất hàm bảo nó, “Mày làm thủ môn được không? Làm thủ môn nha.”

Dép xăng đan nhăn mặt đồng ý, nhưng không quên nói, “Nhưng một trận thôi. Trận sau cho tao lên đá nha. Tao đá hậu vệ hay lắm đó.”

Vậy là dép xăng đan ra sân với vai trò thủ môn. Tôi ngồi xem một lúc thì thấy mấy trận sau nó được đôn lên đá hậu vệ thật, lũ nhỏ luân phiên thay nhau bắt gôn – vị trí nhàm chán nhất trên sân.

Sau cỡ gần một tiếng thì chúng giải tán. Dép xăng đan chạy lại tìm tờ hằng đẳng thức của nó. Tìm mãi không thấy, mặt nó lo lắng. Tôi cười, chìa tay đưa và nói, “Tờ giấy của con bị gió thổi bay vào bụi cậy, chú nhặt lại và giữ cho con.” Nó cám ơn rồi rít, rồi cầm giấy đi về.

Vậy là cả một buổi chiều, dép xăng đan chẳng học được “cái quần què” gì, theo như ngôn ngữ của chúng. Nhưng trong mắt tôi, nó học được nhiều thứ lắm. Dù rụt rè, nhưng nó mạnh dạn xin được tham gia với một lũ trẻ lạ mặt. Nó chấp nhận đi từ vị trí thấp nhất (thủ môn), nhưng vẫn mặc cả để vươn lên đá vị trí khác, và đã thành công. Bạn nghĩ một đứa bé có những kỹ năng này, lớn lên trong cuộc sống có phải nó đã có một lợi thế lớn lao so với lũ công tử bột đỏng đảnh thích so bì “bố tao giàu hơn bố mày” hay không?

Lũ trẻ đường phố luôn bụi bặm và mạnh mẽ. Thoạt nhìn, chúng láo toét và đáng ghét, nhưng lại vô cùng giàu sức sống và càng quan sát càng thấy hấp dẫn. Chúng lớn lên trong môi trường tập thể nên thấm nhuần các kỹ năng hoà nhập và thích nghi. Chúng xù xì vỏ mít là thế, nhưng sau một pha va chạm sẽ luôn nhoẻn miệng cười đỡ nhau dậy. Chúng biết để lại hiềm khích thì sẽ bị trả đũa, và điều ấy thật ngu xuẩn. Đứa nhỏ không bao giờ làm phật lòng đứa lớn nếu không cần thiết. Nó hiểu nó là cá bé. Và cá bé tốt nhất không nên trêu chọc cá lớn. Chúng nhận thức rất rõ về giàu nghèo, nhưng kỹ năng và phẩm chất luôn là thước đo quan trọng nhất cho sự tôn trọng. Nước mát luôn được chia sẻ sau trận đấu, cùng với những nụ cười sảng khoái. Và tuyệt nhiên chẳng có tý Internet nào trong buổi chiều nay cả.

Tôi chợt nhận ra, văn hoá đường phố luôn là thành trì vững mạnh để lưu giữ những giá trị nhân văn cốt lõi bằng những hình thức hết sức bình dân. Môi trường khép kín quá bảo vệ có thể khiến phụ huynh huyễn hoặc về con cái mình. Lũ trẻ cũng có thể trở nên méo mó khi chỉ được va chạm với một thành phần “tinh hoa” rất nhỏ (con nhà giàu), đôi lúc an toàn thái quá và chắc chắn không phản ánh trung thực về toàn cảnh xã hội. Ở một cấp độ đáng sợ hơn, môi trường Internet gây ra nhiều lệch lạc về tính cách như sự cô lập, sợ tiếp xúc, thói hiếu chiến anh hùng bàn phím, hay sự ô nhiễm của những ấn phẩm độc hại dẫn tới chứng bệnh nghiện ngập.

Sự khốc liệt nhưng đầy sinh động của cuộc sống thì không như vậy. Chỉ cần tiếp xúc dù chỉ là một chút thôi, mọi ảo tưởng lập tức tan vỡ và chỉ những gì mạnh mẽ và đích thực nhất mới có khả năng tồn tại và toả sáng, như là sự chân thành, thái độ quan tâm tới người khác, khả năng thích nghi và sức mạnh ý chí. Những đứa trẻ còn tụm lại đá bóng, những giá trị này sẽ còn được duy trì và tiếp nối mạnh mẽ.

https://lifechange.vn/bong-da-duong-pho/