“Không làm gì” như Lão Tử

Lão Tử là một triết gia có tư tưởng khác lạ và đi ngược lại hầu hết các triết gia cùng thời với ông. Một trong những chủ trương lớn nhất của Lão Tử là “vô vi”, nghĩa đen là không làm, không tạo tác. Ông chủ trương mọi sự vật sự việc đều vận hành theo Đạo. Tốt nhất chúng ta không nên can thiệp vào, càng can thiệp càng sai. Sống càng giản dị (phác) càng gần gũi thiên nhiên càng tốt. Thiểu dục và chất phác là cách sống mà ông khuyến khích.

Lão Tử – triết gia khác người

Cùng thời với ông, hay đúng hơn là hầu hết các nhà tư tưởng lớn khác trong lịch sử đều chủ trương “hữu vi”, nghĩa là phải làm. Dù là Pháp gia nghiêm khắc, hay Nho gia nhân nghĩa thì vẫn luôn đề cao việc phải thay đổi gì đó. Lão Tử khác. Ông từ chối làm.

Lão Tử còn thẳng tay chê “lễ” của Khổng Tử.

Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ”.

(Đạo mất rồi sau mới có đức. Đức mất rồi sau mới có nhân. Nhân mất rồi sau mới có nghĩa. Nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện sự suy vi của trung tín (trung hậu, thành tín), là đầu mối của sự hỗn loạn).

Như vậy với ông “lễ” chỉ là nghi thức sáo rỗng. Lễ được dựng lên để bù đắp cho sự thiếu sót của trung tín. Sống đúng với Đạo, thì không cần Lễ. Đạo nào? Đạo vô vi.

Vô vi của Lão Tử

Một người anh lớn cũng đã dạy tôi: “Không làm gì là tốt nhất. Không làm gì còn tốt hơn làm giỏi.”

Tôi rất thích lý tưởng vô vi này. Nhưng ở bên trong tôi hoài nghi lắm. Làm sao mà không làm gì được? Nhìn đâu cũng thấy việc cần làm, không làm thì hỏng bét. Bản chất tôi vốn là người đơn giản. Tôi thích làm ít và nói về việc làm ít lại. Nhưng không làm gì lại là vấn đề rất khác. Vậy nên tôi cố tìm hiểu kỹ hơn về vô vi. Vô vi có thực là không làm gì?

Để hiểu rõ hơn về vô vi của Lão Tử, ta có thể xem chương 37 trong Đạo Đức Kinh, có ghi rằng:

Đạo thường vô vi nhi vô bất vi, hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa. Hóa nhi dục tác, ngô tương trấn chi dĩ vô danh chi phác. (Vô danh chi phác). Phù diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định.

(Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi – vì là tự nhiên) mà không gì không làm (vô bất vi – vì vạn vật nhờ nó mà sinh, mà lớn); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa (sinh, lớn). Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh (tức bản chất của đạo) mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định.)

Chìa khóa

Có vài điểm quan trọng phải tư duy ở đây.

(1) Thứ nhất, thế nào là không làm gì mà không gì là không làm (vô bất vi)? Có phải đây là nguyên tắc nền tảng, khi đã có nguyên tắc nền tảng thì mọi thứ cứ vậy mà tuân theo. Trong một doanh nghiệp có thể hiểu là giá trị cốt lõi hay văn hóa công ty. Đã xây dựng được thì mọi người sẽ cùng chia sẻ lề thói làm việc, cùng theo một tiêu chuẩn đối xử với nhau. Người làm chủ không phải làm nhiều, không cần ban hành luật lệ, không cần củ cà rốt hay cây gậy…

Như vậy vẫn phải xây dựng được nguyên tắc nền tảng trước khi thực sự vô vi?

(2) Thứ hai, khi mà sự việc diễn tiến, tư dục sẽ xuất hiện. Ở đây hiểu tư dục là ham muốn cá nhân (tham). Khi có tham thì phải dùng cái mộc mạc vô danh (vô danh chi phác) để trấn áp, khiến cho tư dục bị triệt tiêu. Như vậy đạt được trầm tĩnh, ổn định.

Vô danh chi phác là gì? Phán đoán đầu tiên, vô danh chi phác phải có yếu tố “vô dục” nghĩa là không còn tham. Vì Lão Tử cho rằng cần quả dục, thiểu dục thì mới an yên. Nên vô dục có lẽ là điều kiện tiên quyết. Vô dục ở đây, vẫn trong ví dụ trên ta có thể cho là sự chí công vô tư. Đặt mục đích của công ty lên làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, hành động. Không có tư lợi.

Ta lại có thể phán đoán thêm từ nghĩa đen của từ phác (mộc mạc). Phác nghĩa là trực tiếp, đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Phác nghĩa là không loằng ngoằng tô vẽ.

Như vậy Lão Tử đã chỉ ra phương pháp để thực hành vô vi một cách khá đầy đủ chỉ trong vòng dăm câu ngắn ngủi. Nền tảng của vô vi là: thiểu dục (vô dục) và mộc mạc. Vô vi nhằm mục đích xây dựng một nguyên tắc nền tảng bền vững (hợp với đạo?) và quan sát đạo vận hành. Khi sự việc rời xa đạo thì dùng cái vô danh chi phác đã được bồi dưỡng để đưa nó về lại với đạo.

Nghe có vẻ khá ổn nhỉ? 🙂

Kết lại

Đạo Đức Kinh được coi là một trong những kinh khó hiểu nhất trong lịch sử Trung Hoa, nhưng ý nghĩa lại thậm thâm vi diệu. Chính vì vậy nó mới được gọi là “kinh”. Cả bộ kinh vẻn vẹn có hơn 5000 chữ, nghĩa là mươi mười lăm trang A4 thôi. Câu văn thì cứ ngô nghê quái đản hao hao như kinh Dịch. Nhưng ngẫm một hồi thì lại sướng rơn cả người vì trí tuệ đúc kết ở trong đấy “đậm đặc” quá.

Tôi không dám lạm bàn về thánh nhân, đặc biệt là không dám đưa ra kết luận lớn lao gì với những tác phẩm vĩ đại như thế này. Tôi chỉ cung cấp một vài giả thuyết, phán đoán cá nhân. Gọi là mua vui cho bậc trí giả hiện đại khi nhâm nhi li cafe đầu ngày.

Mong là sự chia sẻ mở rộng này gợi cảm hứng cho những tìm hiểu sâu sắc hơn về thế giới quan phương Đông cổ đại.

Khơi gợi thêm

Không phải lúc nào Đạo Đức Kinh cũng khù khoằm khó hiểu. Sau đây là một đoạn ở gần đầu cũng nói về vô vi nhưng ý nghĩa tường minh dễ hiểu hơn.

Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.
Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hoà, tiền hậu tương tuỳ.
Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo; vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ.

(Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác.
Là vì “có” và “không” sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau; âm và thanh hòa lẫn nhau; trước và sau theo nhau.
Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi”, dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài.)

Ở đây, Lão Tử dẫn từ cặp nhị nguyên có-không sang thái độ ứng xử vô vi. (Tại sao dẫn sang như vậy cũng là một chi tiết hay để đào sâu?)

Mong là sự bớt “khù khoằm” này sẽ khuyến khích bạn tìm hiểu thêm về Lão Tử.

Lưu ý: tất cả các đoạn dịch của bài này (các đoạn sau đoạn Hán văn, để trong ngoặc đơn) đều trích từ sách Lão Tử – Đạo Đức Kinh (Nguyễn Hiến Lê).

https://lifechange.vn/vo-vi/