Chấp nhận sự khác biệt

Một trong những đặc điểm đánh dấu sự trưởng thành là khả năng chấp nhận sự khác biệt. Thường khi còn trẻ, chúng ta nỗ lực bảo vệ một ý tưởng của mình một cách nhiệt huyết. Kèm theo đó là sự bài xích với những ý tưởng khác. Sự bài xích đôi lúc còn mãnh liệt hơn cả sự bảo vệ. Một sự thiếu tập trung không cần thiết và đem lại nhiều hệ quả không hay.

Dù muốn hay không thì sự khác biệt luôn tồn tại. Phân biệt màu da, giới tính, sắc tộc, tôn giáo luôn là tiền đề cho những thảm kịch trên thế giới. Ngay cả khi chúng ta rao giảng về sự bình đẳng, đôi lúc chúng ta không thực sự chấp nhận sự khác biệt. Black Lives Matter và Stop Asian Hate là một minh chứng cho điều này. Ở trong lòng đất nước đa dạng nhất về văn hóa và chủng tộc, các công dân Hoa Kỳ thực tế tràn đầy mâu thuẫn và sẵn sàng tàn sát lẫn nhau vì những lý do xuẩn ngốc nhất.

Nguyên nhân của tính thích phân biệt

Một nguyên nhân cơ bản của tính thích phân biệt này là sự bất an. Chính vì bất an nên luôn mong muốn đề cao những gì là mình, hoặc của mình. Tôi phải hơn anh. Cái gì của tôi phải hơn của anh, bao gồm cả gốc gác, chủng tộc, tôn giáo. Vì không tự tin nên người Nam phải hào sảng tốt bụng hơn người Bắc, và người Bắc phải cần kiệm hơn người Nam. Vì không tự tin nên Đạo Thiên Chúa phải văn minh và khoa học hơn Đạo Phật, hay Đạo Phật phải khiêm nhẫn bất bạo động hơn Đạo Thiên Chúa. Khi bạn đã tự tin vào bản thân mình, bạn không cần các giá trị đi kèm cổ vũ cho bạn. Bạn ổn với việc chỉ là bạn thôi, không cần thêm đồ trang sức nào cả.

Nguyên nhân thứ hai là sự thiếu trí tuệ. Thiếu trí tuệ để nhận ra sự khác biệt là bản chất của cuộc sống. Nhờ có các đột biến gene mà sinh vật mới có những khả năng thích nghi mới. Khác biệt là cơ sở cho sự tiến hóa. Không có trí tuệ này thì chúng ta lúc nào cũng mong muốn người khác giống mình, làm theo cách mình làm. Chúng ta không chấp nhận cho những suy nghĩ mới có cơ hội được nảy mầm. Phải dày vò nó, xỉ vả nó. Nó xứng đáng bị như thế. Sự dốt nát này khiến chúng ta trở nên kém vị tha, tự cao và luôn nén chặt thế giới vào trong nhân sinh quan hạn hẹp của mình.

Một vài lợi ích khi chấp nhận khác biệt

Lợi ích thứ nhất là bạn sẽ bớt tranh luận lại. Bạn hiểu được mỗi người với nền tảng tri thức và bối cảnh xã hội khác nhau sẽ có quan điểm hoàn toàn khác nhau. Bạn không còn nhu cầu tranh cãi. Bạn thực sự đồng ý là người ta hoàn toàn có thể nghĩ khác bạn, làm khác bạn. Và sâu hơn thế, bạn hoàn toàn chấp nhận người ta vẫn có thể đúng theo cách riêng của họ. Không phải chỉ mình bạn đúng. Tất cả chúng ta cùng đúng.

Lợi ích thứ hai là bạn sẽ không so sánh mình với những người xung quanh. Bạn sẽ giảm bớt các áp lực để “trở thành” một cái gì đó. Nghĩa là bạn giảm bớt các tiêu chuẩn do xã hội định ra. Các tiêu chuẩn này vốn xuất phát từ những đầu óc thích phân biệt. Kiểu như: “Người thành đạt sẽ phải làm từ thiện”. “Người thành đạt làm từ thiện sẽ tốt hơn người thành đạt không làm từ thiện…” Không ai tốt hơn ai cả. Họ đơn giản chỉ có sự lựa chọn khác nhau thôi.

Lợi ích thứ ba là với một đầu óc cởi mở, bạn có khả năng tiếp thu kiến thức mới tốt hơn. Vì chấp nhận khác biệt, bạn không kỳ thị kiến thức mới. Li trà của bạn không đầy ắp những định kiến. Vì dám thử nhiều thứ mới, thường thì bạn sẽ luôn có những quyết định hay hơn những người ngại thử.

Chấp nhận khác biệt không phải là ba phải

Ở một thái cực khác, bạn có thể trở nên ba phải. Nghĩa là ai nói gì bạn cũng đồng ý. Mọi chủ thuyết tam giáo cửu lưu bạn đều dung nạp. Sách nào cũng đọc, nhạc nào cũng nhảy.

Bạn cần hiểu sự không kỳ thị này đến từ trí tuệ. Vì hiểu được mỗi cá thể có nhu cầu riêng, trình độ riêng và tìm đến những cứu cánh riêng, do vậy bạn chấp nhận chúng sẽ khác biệt. Bạn cũng là một cá thể thôi, vì vậy bạn cũng cần có những lựa chọn của riêng bạn.

Chấp nhận khác biệt không có nghĩa là mình từ chối quyền được bảo vệ ý kiến mình. Hãy bảo vệ nó hăng say nhiệt tình, nhưng đừng dìm hàng những ý kiến khác. Đừng mất tập trung.

Cùng lúc đó bạn cũng phải học cách chấp nhận các giới hạn của ý kiến mình. Các định lý hình học hai chiều và hình học không gian không cãi nhau ai đúng ai sai. Chúng biết rằng một thứ là dành cho 2 chiều, còn một thứ là dành cho 3 chiều. Chúng vui vẻ tồn tại song song và cùng đem lại giá trị cho những nhà toán học. Các ý kiến của bạn cũng tương tự thế. Chúng sẽ đúng trong một giới hạn nhất định.

https://lifechange.vn/su-khac-biet/