Học cách hoài nghi

Độ rày vaccine Covid chiếm hết mặt báo, và là chủ đề tranh luận lớn ở các mạng xã hội. Cụ thể là vaccine của hàng xóm được một anh doanh nghiệp nhập về tặng một thành phố. Vụ này tôi xin phép miễn ý kiến, vì tôi không biết mô-tê gì về ngành y cả. Nhưng tôi muốn góp ý về một phần tôi khá là am hiểu, đó là các con số (data).

Có nhiều phong cách tranh luận. Một số thích suy luận logic. Một số thích suy luận cảm tính nhưng nghe có vẻ logic. Một số thích cãi cùn, cãi bướng, hoặc chửi bậy. Nhóm đầu tiên nghe có vẻ thuyết phục và được lòng nhất.

Nhưng đây cũng là chỗ lắm thứ dở hơi nhất, và nguy hiểm nhất. Vâng đó là dữ liệu những con số họ cung cấp. Trông thì rất thuyết phục, nhưng lại có thể rất đáng sợ.

Để minh họa tốt hơn, tôi sẽ đưa ra vài ví dụ. Với mỗi ví dụ, tôi sẽ chỉ ra cách các con số có thể bị uốn lượn để phục vụ mục đích riêng.

Vài ví dụ nhỏ

Ví dụ 1: Tôi ra đường gặp 3 con bò vàng và 1000 con lừa xanh. Khi đi về nhà tôi kể với mọi người hôm nay tôi gặp 3 con bò vàng. Người nhà chỉ biết có 3 con bò vàng chứ không hề biết đã có 1000 con lừa xanh đi ngoài đường. Tôi không nói dối. Những gì tôi nói là đúng hết. Nhưng nghe theo tôi thì sẽ thấy 1 bức tranh rất thiếu sót. Loại hình này gọi là nhặt trái cherry khi thu thập dữ liệu. Nghĩa là chỉ chọn dữ liệu nào mình thích, phục vụ mình, chứ không cung cấp toàn bộ dữ liệu một cách khách quan.

Ví dụ 2: Hôm nay thị xã nọ triển khai tiêm thuốc lắc cho bò vì nghe nói tiêm thuốc lắc bò cho ra sữa nhiều hơn. Báo A đăng tin: “3 con bò đã chết tức tưởi sau khi tiêm thuốc lắc cho lợi sữa“. Nghe tin bà còn bàn tán nhau xôn xao và hoang mang không tiêm thuốc lắc nữa.

Tương tự như câu chuyện ở ví dụ 1, đúng là có 3 con bò chết thực. Nhưng bài báo đã không nói về việc nông dân đã tiêm tổng số hơn 3 triệu con bò. Nếu tôi muốn bênh thuốc lắc, tôi có thể sửa tiêu đề bài viết thành: “Xác suất gây nguy hiểm khi tiêm thuốc lắc cho bò chưa tới 1 phần triệu. Hoan hô thuốc lắc“. Chắc nên bỏ câu sau ra không lộ liễu quá, nhưng bạn hiểu ý tôi là được rồi.

Ví dụ 3: Tôi muốn chứng minh ăn thịt bò tiêm thuốc lắc tốt. Tôi chia làm hai nhóm thử nghiệm, mỗi nhóm 100 người. Với nhóm 1, tôi chọn người chăm tập thể dục sống lành mạnh. Với nhóm 2 tôi lựa người thích ngồi máy tính, nghiện game. Tôi đo chỉ số máu cho 2 nhóm. Sau đó cho nhóm 1 ăn bò tiêm thuốc lắc bổ sung, nhóm hai ăn uống “bình thường”. Sau một thời gian tôi đo lại máu rồi công bố: nhóm 1 hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí họ còn có vẻ tốt hơn nhóm 2. Tất nhiên nhóm 1 khỏe vì họ sống điều độ sẵn. Cho ăn thêm một chút bò thì họ cũng vẫn okay hơn nhóm 2 thôi. Nếu chỉ nhìn con số, báo cáo của tôi sẽ rất dễ thuyết phục.

Học cách hoài nghi

Khi nhìn mấy con số vô hồn, bạn rất khó rút ra được một kết luận nào từ đó. Bạn cần tìm hiểu thêm cách người làm nghiên cứu rút ra con số này. Cần đọc kỹ về cách họ lấy mẫu dữ liệu, cách họ triển khai thí nghiệm, và thậm chí những hạn chế họ tự thú nhận về cách làm của mình. Hầu hết các nghiên cứu tử tế đều đề cập tới những điểm mà nghiên cứu của họ chưa phủ hết được. Đặc biệt là trên các tạp chí khoa học được đồng nghiệp thẩm duyệt (peer review journal).

Khi hiểu được toàn bộ bối cảnh, bạn mới hiểu con số này thực phản ánh điều gì. Nếu không bạn sẽ bị số lừa. Phương Tây họ có câu: Lies, damned lies, and statistic. Nghĩa là: những lời nói dối, những lời nói dối khốn kiếp, và các thống kê. Ý là cái sau còn tinh vi ghê gớm hơn cái trước.

Hãy học cách hoài nghi những gì mình tiếp xúc. Con số bản thân nó có thể không có đúng sai, nhưng cái “nội hàm” mà nó mang theo ở bên trong thì có thể có vấn đề.

Sau đây là trích đoạn bài kinh nổi tiếng nói về chuyện Đức Phật dạy người Kalama phải biết hoài nghi:

Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; Các pháp này là không đáng chê; Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!

AN 3.65. Các Vị Ở Kesaputta
https://lifechange.vn/hoai-nghi/