Thân giáo – lấy mình làm ví dụ để dạy người

Người khi đi dạy dỗ giáo huấn người khác thường phân làm hai nhóm: một nhóm nói ra rả mà không ai nghe và làm theo, và nhóm còn lại dù không nói nhiều nhưng luôn được người khác tôn trọng và lắng nghe. Để có sức ảnh hưởng như nhóm sau, người thầy cần lấy bản thân mình làm tấm gương để dạy người khác. Người xưa gọi như vậy là thân giáo.

Vậy làm sao để thực hiện thân giáo?

Chỉ dạy những gì mình đã biết và thực kiểm nghiệm

Các lý thuyết hay thì nhiều như rừng hoa, và trong rừng hoa đó là muôn vàn chủng loại. Mỗi loại có một tác dụng, một cách sinh trưởng khác nhau. Kiến thức cũng y như vậy.

Nếu bạn muốn làm ngón tay chỉ trăng, vạch đường lối cơ bản cho một người khác, bạn cần hiểu sâu sắc xu hướng tập quán của người đó và chỉ ra con đường phù hợp nhất với tính chất của người nghe. Để làm được điều này bạn phải hiểu con đường mà bạn muốn chỉ. Như vậy lời khuyên mới thực sự có giá trị.

Nếu bạn muốn tư vấn chi tiết, việc am hiểu con đường lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Lệch ra trái một chút không nên, xiên sang phải một chút không được. Chỉ khi nào hiểu trọn vẹn con đường mới có thể điều chỉnh người đi cho đúng đạo lộ.

Những gì mình nghe, thấy hay hiểu mà chưa kiểm nghiệm thì giống như nhìn thấy con đường và đích đến nhưng không biết tới chông gai cạm bẫy ở đoạn giữa. Chỉ như vậy rất nguy hiểm. Thà là không chỉ lại tốt hơn.

Dạy từ trong ví dụ là nhanh nhất

Sự hiểu nó có nhiều mức độ. Hiểu thấp nhất là từ nghe, đọc. Sau đó là được chứng kiến, và cuối cùng là được làm. Phương tây có một câu ngạn ngữ là: Nếu tôi nghe, tôi quên. Nếu tôi nhìn, tôi nhớ. Nếu tôi làm, tôi hiểu.

Do vậy trên thực tế việc huấn luyện người khác thực sự chỉ có tác dụng khi họ được chứng kiến, và sau đó là thực hành. Bạn không thể dạy người khác giao tiếp bằng cách truyền đạt một mớ lý thuyết suông. Bạn phải làm mẫu cách giao tiếp trong các hoàn cảnh khác nhau, và sau đó để người học làm thử.

Cũng như vậy, các công ty ngày nay nhận ra vai trò của việc rèn luyện trong công việc thực tế và điều chỉnh cách huấn luyện để nhân viên có cơ hội học từ trong dự án chứ không nhiều từ phần lý thuyết. Lý thuyết chỉ nên vừa đủ, rồi phải thực hành và sau đó bồi dưỡng thêm lý thuyết sau. Muốn thực hành tốt, thầy nên theo sát và đôi lúc phải trực tiếp làm mẫu để tiết kiệm thời gian cũng như củng cố niềm tin của học viên. (Xem thêm bài viết tầm quan trọng của việc thực hành).

Người dạy mà không làm được những gì mình dạy thì việc dạy học trở nên giáo điều và không có sức thu hút.

Đừng đao to búa lớn

Giết gà thì không nên dùng dao mổ trâu. Bạn có thể dành thời gian để truyền cảm hứng một chút lúc khởi đầu, và thi thoảng lên dây cót tinh thần mọi người với những lời kêu gọi đầy cảm xúc. Nhưng nên làm vừa đủ thôi.

Muốn dạy tốt, làm tốt, thì mọi người cần được nghe và hướng dẫn về những điều thực sự cụ thể liên quan tới công việc.

Đôi lúc tác phong hành động, thói quen kỷ luật và chuẩn mực đạo đức của người giáo viên là bài học truyền cảm hứng lớn nhất chứ không phải là hoa ngữ của người đó. Nếu muốn mọi người nhanh hơn, hãy là người nhanh nhẹn. Nếu muốn mọi người đúng giờ, đừng trễ hẹn. Nếu muốn mọi người sáng tạo, hãy truyền cảm hứng bằng chính những giải pháp đề xuất thông minh của mình.

Không làm những gì mình nói thì rất phản tác dụng

https://lifechange.vn/than-giao/