Gần như ai trong cuộc đời cũng phải làm thầy một lần, nếu không phải với đồng nghiệp (mới vào) thì cũng là với con cháu trong nhà. Vì vậy giáo dục đào tạo là một kỹ năng thiết yếu cần trau dồi với mọi cá nhân, tổ chức, chứ không phải chỉ riêng các thầy cô. Trong phạm trù bài viết, tôi sẽ chia sẻ về thái độ tiếp cận giáo dục trung thực cũng như hướng đi cho các nhà giáo dục trong nước.
Bức tranh giáo dục tư bản …không giẫy chết
Tôi phát hiện ra một đặc tính thường gặp của người Việt – đó là sự thiếu trung thực trong giáo dục, đặc biệt là trong vấn đề điểm số. Vì chạy theo thành tích hoặc để phụ huynh mát mặt, các nhà giáo dục có xu hướng thích khen, ngại chê, và tăng điểm cho các em tuỳ tiện, có thể là với ý định tốt. Riêng cá nhân tôi thấy cách tiếp cận như vậy là sai, thiếu công bằng và sẽ tạo ra các tiền lệ xấu về lâu dài.
Điểm số thật
Khi chuyển từ trường công lập sang trường đại học nước ngoài, việc đầu tiên gây shock cho tôi đó là điểm số được chấm rất chặt. Khi học đại học, chúng tôi rất nhẹ nhõm nếu môn của chúng tôi “pass” (trên 50 điểm), đặc biệt vui nếu được “distinction” (trên 70 điểm) và ăn mừng to nếu được “high distinction” (trên 80 điểm). Bài thi hoặc bài tập luôn được đánh giá rất chặt chẽ và nhìn chung là hết sức công bằng. Cũng có một vài “em chã” Việt Nam thử tìm cách chạy điểm và đã bị giáo viên nhìn với ánh mắt vô cùng khinh bỉ. Họ coi đó là sự sỉ nhục một nhà giáo khi sinh viên định hối lộ mình – chuyện vẫn thường xảy ra ở các trường đại học trong nước.
Mặc dù tư bản không đặt nặng chữ Thầy như chúng ta, và họ công khai coi giáo dục là một hoạt động kinh doanh; các tiêu chuẩn đạo đức giáo dục ở phương Tây là hết sức rõ ràng và được chấp nhận rộng rãi. Sự trung thực là một trong những tiêu chuẩn này. Đã đánh giá học sinh là phải đúng, công bằng và không thiên vị.
Đem lại giá trị thật
Vậy nghịch cảnh xảy ra là: trong khi các phụ huynh giàu có quyền lực trước đây hô mưa gọi gió ở các trường công lập cấp 3, quan hệ với hiệu trưởng hiệu phó, đi đêm mua điểm với giáo viên chủ nhiệm, thì nay chỉ biết khuyến khích con cái ráng học chăm chỉ để qua được các môn khó. Mặc dù mọi “ngón võ” của họ là vô hiệu, họ vẫn “đâm đầu” cho con vào trường đại học quốc tế vì họ hiểu, đó là môi trường dạy thật, đem lại kết quả thật.
Đầu vào những trường này khá nhẹ; chỉ cần học sinh Trung Bình, Khá (khoảng 7 phẩy) và tiếng Anh cơ bản là được nhận. Nhưng muốn tốt nghiệp thì chẳng dễ chút nào. Sinh viên nào đã cầm bằng tốt nghiệp là doanh nghiệp có thể tin tưởng rằng các em này có năng lực nhất định. Trường đại học hoàn thành vai trò là một đơn vị đào tạo chất lượng đáng tin cậy – tôi nghĩ đó là một bức tranh tương đối đẹp đẽ.
Hướng đi cho các nhà giáo dục trong nước
Tập trung vào giá trị cốt lõi – sự dạy dỗ “thật“
Từ bài học trên chúng ta có thể thấy nếu tổ chức giáo dục đem lại chất lượng thực sự trong giảng dạy với giáo án tốt, giáo viên giỏi và cơ sở vật chất hiện đại, họ sẽ tự có năng lực thu hút học viên. Bối cảnh của phụ huynh nên trở thành thứ yếu thậm chí có thể bỏ qua. Miễn là phụ huynh có năng lực tài chính để thanh toán học phí, họ nên được đối xử bình đẳng, ngang hàng.
Hãy để thầy giáo được làm công việc của thầy giáo: chia sẻ kiến thức, uốn nắn học viên và truyền cảm hứng. Đừng để họ phải làm công việc của dịch vụ khách hàng là chăm bẵm bố mẹ của học viên. Phụ huynh đúng là khách hàng thực sự trả tiền – nhưng đối tượng tổ chức giáo dục cần đặt tâm huyết vào nhất định phải là các học viên. Đó mới là giá trị cốt lõi lâu dài.
Các dịch vụ xoay quanh giá trị “thật“
Tôi không bài bác phát triển dịch vụ, ngược lại tôi hoàn toàn ủng hộ các đơn vị đem tới dịch vụ tốt cho khách hàng. Bên cạnh một sản phẩm giáo dục chuẩn chỉnh, dịch vụ là thứ làm cho phụ huynh cảm thấy dễ chịu và xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Điểm quan trọng là dịch vụ mà tổ chức giáo dục cung cấp không phải để làm cho các phụ huynh cảm thấy con cái họ được “đối xử” đặc biệt và khác với những học viên khác.
Nếu là phụ huynh tôi thích được chăm sóc như sau:
- Bên cạnh một chương trình học và môi trường tốt, tôi muốn được thông báo chi tiết và đầy đủ về tình hình học của con mình, quá trình tiến bộ cũng như các vấn đề cháu gặp phải.
- Tôi muốn tự mình dễ dàng truy cập các thông tin này bất cứ khi nào có nhu cầu.
- Tôi muốn có các hoạt động ngoại khoá liên quan tới việc học và phát triển các tính cách tốt cho con tôi chứ không chỉ về mặt kỹ năng, và tôi sẵn sàng đóng phí thêm.
- Tôi muốn được tư vấn mỗi khi cháu có vấn đề, và luôn có hotline để tôi dễ dàng liên hệ.
- Tôi muốn được lắng nghe khi tôi đưa ra các ý kiến của mình và có phản hồi phù hợp từ phía tổ chức giáo dục.
Thực tế là tôi chỉ cần có vậy. Khi biết con được dạy tốt, tôi cũng không đòi hỏi nhiều hơn. Và giữa việc con được đối xử như các “ông bà hoàng” hay được dạy đúng, tôi sẽ luôn chọn cái sau. Thêm vào đó, khi biết con được đối xử công bằng không thiên vị, tôi sẽ có sự kính trọng nhất định dành cho tổ chức giáo dục và các giáo viên.
Quyền được thu học phí xứng đáng
Khi các tổ chức giáo dục đã tâm huyết tạo nên một môi trường có cơ sở vật chất tốt, các phương pháp giáo dục đem lại giá trị thật và những dịch vụ liên quan cần thiết – họ hoàn toàn có quyền thu học phí xứng đáng.
Mạnh dạn đào thải các “khách hàng” không muốn chi trả cho giáo dục. Lấy học phí thấp đồng nghĩa với lợi nhuận thấp và hệ quả là trả lương thấp. Khi trả lương thấp thì chỉ có thể hấp dẫn giảng viên trình độ thấp. Giảng viên trình độ thấp sẽ không hấp dẫn khách hàng tốt. Đó là một vòng xoáy tự hoại bất tận (vicious circle). Để chấm dứt nó, hãy thu học phí xứng đáng.
Khi có lợi nhuận, các tổ chức giáo dục phải dành một khoản để tái đầu tư: tăng lương giảng viên, làm mới cơ sở vật chất, nâng cấp giáo trình, mở rộng lĩnh vực giảng dạy…
Theo tôi, đó là hướng ra cho giáo dục trong thời buổi tri thức thật giả lẫn lộn này (nhếch mép cười đểu với mấy khoá dạy làm giàu siêu tốc, ahihi).
https://lifechange.vn/giao-duc-dung-doi-tra/