Tự làm mới mình

Học từ việc quan sát thiên nhiên, vũ trụ vốn là một cách học rất phổ biến của người xưa. Các cụ hay nhìn sự biến thiên của trời đất để rút ra được những quy luật mà con người nên tuân theo nhằm đạt được sự hoà hợp giữa người với người, và giữa người với trời.

Một trong những quy luật phổ quát đó là quy luật của sự thay đổi và tiến bộ, của sinh và diệt. Nhìn vào cơ thể chúng ta, các tế bào vùng dạ dày sẽ tự chết đi và làm mới sau 2 ngày, các tế bào da từ 2-3 tuần, tế bào hồng cầu mất 4 tháng, tế bào mỡ có thể tới 10 năm. Cá biệt có tế bào não thì gần như già bằng tuổi của bạn. Có thể nói rằng cơ thể của bạn luôn tự làm mới mình trong từng khoảnh khắc.

Không một người nào có thể tắm ở một dòng sông hai lần. Không chỉ dòng sông đã thay đổi, ngay cả cơ thể anh ta cũng đã hoàn toàn khác biệt khi xuống nước ở những lần sau.

Tương tự như quy luật này, vật chất mà không có sự vận động thay đổi thì sẽ hao mòn xuống cấp. Một bản lề không được đóng mở sẽ rỉ sét. Các thiết bị điện tử không được sử dụng sẽ bị hỏng. Nhà không ở sẽ bị ẩm mốc. Chỉ trong vận động, mọi thứ mới được duy trì. Bạn cũng không ngoại lệ, nên đừng bao giờ dậm chân tại chỗ. Một là chúng ta đang vận động và đi về phía trước. Hai là chúng ta đang thụt lùi.

Việc học là việc cả đời.

Học ở đây nghĩa là không ngừng làm mới bản thân, tiếp thu tri thức mới, cập nhật với xu hướng để không bị lạc hậu, chứ không phải là cắp sách tới trường.

Việc học dễ bị ngưng trệ khi bạn trở nên “giỏi”. Khi là chuyên gia trong một lĩnh vực, bản ngã trỗi dậy, cái tôi cao, bạn dễ bị ngưng học hỏi từ người khác hoặc nguồn kiến thức khác, thoả mãn với cái hiện tại.

Không chỉ vậy, khi trở thành người giỏi, xu hướng duy trì làm chuyên môn của bạn sẽ ít đi mà bạn sẽ hay bị bận bịu với các cuộc họp, các buổi huấn luyện, các hội thảo, workshops. Nhiều khi lúc quay lại làm chuyên môn bạn chợt thấy ngại và lười. Đó cũng là một căn bệnh phổ biến.

Bạn nên nhớ rằng chúng ta đang ở một giai đoạn của những sự thay đổi lớn. Nếu trong thế kỷ trước, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới có di sản để lại của nhiều thế kỷ tích luỹ và gần như không thể bị qua mặt, thì trong thế kỷ này, với vỏn vẹn 1 vài thập kỷ các ông lớn công nghệ như Facebook, Google có thể soán ngôi các cựu vương. Và cũng chỉ trong vài năm ngắn ngủi, những tân vương như Nokia, Yahoo, Myspace đã gần như bị xoá sổ khỏi cuộc chơi.

Đặc biệt với những chuyên ngành mà để giỏi cần ít thời gian và sự đầu tư, việc bạn bị vượt mặt là vô cùng dễ dàng. Nếu vài năm trước ai biết chạy quảng cáo online (SEM) là hàng hiếm được săn đón, thì bây giờ thì nhà nhà chạy ads Facebook, người người biết tối ưu từ khoá Google. Đơn giản vì những kiến thức này không quá khó học và các nhà quảng cáo làm phần mềm ra để các chủ doanh nghiệp có thể sử dụng được. Đó không phải là tri thức dùng để làm vũ khí cạnh tranh.

Vậy nên dù ở vị trí nào, đừng ngưng duy trì việc học. Ngày nay học hành dễ lắm rồi, bạn không cần lên giảng đường mà vẫn có thể tiếp thu trí tuệ từ những bậc thầy trên thế giới thông qua màn hình laptop và đường truyền Internet. Hãy hưởng thụ sự may mắn của thế giới số điên rồ này.

Nên học như thế nào?

Đầu tiên, hãy học từ người giỏi nhất mà bạn có thể tìm được. Đừng mất thời gian với những chuyên gia nửa mùa. Nếu bạn muốn đầu tư, hay học từ Warren Buffett. Nếu bạn muốn học làm sản phẩm, hãy học từ Apple (Steve Jobs). Nếu bạn muốn học nhiếp ảnh, hãy học từ Annie Leibovitz. Nấu ăn? Gordon Ramsay. Võ thuật? Bas Ruten.

Cũng đừng giới hạn mình vì điều kiện địa lý khi kiến thức đã quá sẵn sàng. Tận dụng công nghệ cao, tận dụng toàn cầu hoá, tận dụng mạng xã hội để cóp nhặt tri thức đỉnh cao của loài người. Đừng tiếc tiền khi học từ thầy giỏi. Chúng xứng đáng đến từng xu.

Thứ nhì, đừng bỏ qua các chuyên gia địa phương. Họ sẽ cho bạn cách áp dụng kiến thức vào trong hoàn cảnh của bạn. Nếu Warren Buffett dạy bạn các nguyên tắc đầu tư cổ phiếu, thì một cao thủ chứng khoán ở Việt Nam sẽ cho bạn biết nên làm sao để thể hiện những nguyên tắc này trên sàn giao dịch nước nhà. Họ sẽ có những bài học thành công và thất bại rất đáng quý mà các chuyên gia quốc tế không thể cung cấp.

Cuối cùng, hãy tham gia các diễn đàn, hội nhóm thảo luận về đề tài đang học. Chính những người ở những nhóm này đang có cùng trình độ với bạn và họ sẽ có những chia sẻ rất thực tế, gần gũi, giúp bạn rút ngắn thời gian học.

Ai không cần học nữa?

Nếu bạn nghĩ bạn không cần học nữa, tôi sẽ cười vào mặt của bạn. Nếu bạn nghĩ bạn đã là chuyên gia đầu ngành, là người xuất sắc nhất, tôi lại càng cười to hơn. Nhưng nếu bạn nghĩ bạn quá đủ đầy không còn mong cầu gì nữa, tôi chúc mừng bạn.

Khi bạn đã thành tựu viên mãn trong sự nghiệp, cuộc sống và hoàn toàn độc lập tài chính, bạn không cần học thêm về chuyên môn nữa. Đã đến lúc bạn học những gì mình ưa thích hoặc chưa có cơ hội thực hiện khi còn trẻ. Có thể bạn thích thể thao mạo hiểm, bạn thích nhiếp ảnh, bạn thích thư pháp, hay âm nhạc – đây chính là lúc để toàn tâm toàn ý học những thứ này.

Và bạn sẽ nhận ra thật bất ngờ dù bạn không còn trẻ nữa nhưng bạn lại học rất nhanh. Đó là nhờ những phẩm chất đã được xây dựng trong suốt cuộc đời phấn đấu của bạn. Chẳng có gì bị uổng phí cả. Bạn biết chọn thầy tốt, bạn sẵn sàng lặp đi lặp lại những kỹ năng cơ bản mà không bị nhàm chán, bạn không ngại thử nghiệm cái mới, và bạn có quỹ thời gian để cập nhật những kiến thức tân tiến.

Học chính là một phương pháp giúp bạn yêu đời, sống tích cực và “lão hoá” một cách bình yên.

Xin lỗi vì bài viết hơi dài, giờ bạn có thể dừng đọc, nhưng đừng bao giờ ngưng học 🙂

https://lifechange.vn/tu-lam-moi-minh/