Your personal thoughts carry so much power. It’s important to be mindful of what you spend your time thinking about. Make sure that your thoughts aren’t defeating you or your purpose in life.
Stephanie Lahart
Bất cứ ai trong chúng ta đều có khát vọng thay đổi cuộc đời mình. Đó có thể là những thay đổi bước ngoặt, hoặc chỉ là những thay đổi nhỏ ở một khía cạnh nào đó. Bạn có thể muốn thay đổi công việc, thăng tiến trong sự nghiệp, lấy vợ, sinh con, bỏ thuốc lá hoặc đơn giản là dậy sớm, giảm cân hay vận động nhiều hơn.
Bạn không thể viết những điều mình muốn lên một tờ giấy, bỏ vào trong một cái chai, thả xuống đại dương và hy vọng vũ trụ sẽ lắng nghe những ước muốn của mình. Bạn phải là người thực hiện thay đổi với cuộc đời mình. Chính bạn chứ không ai khác.
Bạn có thể lên kế hoạch cho năm, quý, tháng. Tràn đầy năng lượng và mơ mộng khi lập kế hoạch, nhưng chỉ bằng hành động thiết thực, bạn mới biến khao khát trở thành hiện thực.
Muốn thay đổi cuộc đời, bạn cần thay đổi những thói quen hàng ngày và thực hiện những thay đổi này cần mẫn, đều đặn.
Về cơ bản, có 3 loại thói quen bạn cần thay đổi:
- Thói quen tư duy
- Thói quen ăn nói
- Thói quen hành động
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào việc thay đổi thói quen tư duy.
Tôi thường trích dẫn hai câu kệ trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) để giải thích tầm quan trọng của “ý” (tư duy, suy nghĩ):
Ý dẫn đầu các pháp,
Phẩm Song Yếu, Kinh Pháp Cú
Ý làm chủ, ý tạo;
Muốn có thay đổi, việc đầu tiên bạn cần nghĩ về thay đổi, mong muốn thay đổi và sẵn sàng thay đổi ở mức độ tư duy.
Nghe thì dễ, nhưng những rào cản tâm lý chính là trở ngại lớn nhất khi bạn quyết định thay đổi. Rất nhiều suy nghĩ tồn tại thâm căn cố đế, hạn chế khả năng phát triển của bạn mà chính bạn cũng không nhận ra.
Bạn phải đối trị các suy nghĩ tiêu cực này. Cần hiểu được chúng là sai trái, nhưng thường xuyên có mặt và là ngăn trở lớn nhất với sự phát triển bản thân, chứ không phải là ngoại cảnh.
Đối trị tư duy tiêu cực
Loại tư duy này thường bắt đầu với “Tôi không thể…”
Tất nhiên là bạn có thể. Tất cả những người thành công đều bắt đầu với khao khát và niềm tin họ có thể làm được. Đây là khởi điểm của mọi thành công.
Bạn không nên có những mơ ước viển vông và mong muốn thành công đến qua đêm. Bạn đang nhận lương 10 triệu một tháng, bạn không thể mong ước sau một năm bạn đạt được tự do tài chính. Mục tiêu đó là một mục tiêu của 10 – 20 năm lao động nghiêm túc.
Mọi mục tiêu phải logic và hợp lý. Bạn có thể tin là mình sẽ nhân đôi thu nhập sau 2 năm nếu đầu tư thời gian vào bản thân (bằng cách làm việc chăm chỉ hơn, gặp gỡ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực của mình, học thêm từ các khoá học trực tuyến…)
Thành công sẽ đến từng bước, tiệm tiến, có quá trình nhưng chắc chắn sẽ đến nếu bạn tin tưởng và có kế hoạch hành động thiết thực.
Bạn có thể giảm cân. Bạn có thể dậy sớm. Bạn có thể thăng tiến. Bạn có thể sung túc. Bạn có thể đi du lịch vòng quanh thế giới.
Điều quan trọng là bạn tin tưởng vào bản thân mình.
Đối trị tư duy ngại khó
Loại tư duy này thường bắt đầu với suy nghĩ: “Hay là ngày mai mình sẽ làm việc này…”
Tuy không nặng nề như kiểu tư duy không thể, loại tư duy ngại khó sẽ thường xuất hiện hơn và sẵn sàng có mặt bất cứ khi nào bạn bận rộn hoặc có ít năng lượng. Đây sẽ là một cuộc chiến hàng ngày, hàng giờ và không bao giờ chấm dứt. Tôi vẫn vật lộn với những tư duy ngại khó mỗi ngày. Ngay trước khi viết bài này tôi cũng phải mất 5 phút để lên dây cót tinh thần.
Tuy nhiên loại tư duy này không quá khó để đối trị.
Bạn có thể sử dụng thần chú “Việc hôm nay chớ để ngày mai” và đem ra sử dụng khi ngại việc. Đối mặt với suy nghĩ trì hoãn và vượt qua nó bằng ý chí bản thân. Phương pháp này cũng có hiệu quả nhưng không nên lạm dụng.
Thay vào đó, bạn cần tạo ra một bối cảnh thuận lợi để hạn chế các loại tư duy trì hoãn có điều kiện phát triển. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Giống như việc để dậy sớm, bạn có thể nghiến răng trợn mắt bước ra khỏi giường khi đồng hồ báo thức reo. Nhưng trí tuệ hơn là hãy đi ngủ sớm. Việc dậy sớm sẽ trở nên thật tự nhiên.
Bạn cần tạo ra lối sống lành mạnh để có nhiều năng lượng tích cực. Ngủ sớm, dậy sớm, tập thể dục đều đặn. Khi tâm trí và cơ thể khoẻ mạnh, bạn sẽ ít ngại việc.
Bạn cần làm việc khoa học, có kế hoạch, có kỷ luật để công việc không bị cộng dồn. Học cách giao việc khi có thể, tận dụng trí tuệ và công sức đội nhóm để làm đòn bẩy cho công việc.
Tham khảo thêm bài viết Vượt qua sự trì hoãn.
Đối trị tư duy nghĩ nhỏ
Loại tự duy suy nghĩ nhỏ thường biểu hiện dưới dạng: “Vấn đề này lớn quá, sức mình chỉ làm được như thế này thôi.”
Loại tư duy này không ảnh hưởng ghê gớm như hai loại suy nghĩ ban đầu, nhưng nó tầm thường và nhàm chán. Nó hạn chế bạn ở vị trí hiện tại bạn đang đứng.
Bạn cần ghi nhớ, mọi người được sinh ra cho những chuyện lớn lao và vĩ đại. Tôi không muốn nói về sự vĩ đại kiểu như Ghandi hay Bill Gates. Với tôi sự vĩ đại có thể rất “nhỏ bé” so với quan điểm thông thường. Nếu như bạn là người bán hàng, hãy trở thành người bán hàng xuất sắc nhất tập đoàn trong lĩnh vực của bạn. Nếu bạn là lập trình viên, hãy sáng tạo ra những gì chưa ai làm. Đôi khi nó chỉ đơn giản là một hiệu ứng javascript chưa tồn tại.
Tận hưởng niềm vui của người tiên phong khai phá. Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nếu mọi người làm được, bạn cũng vậy. Và bạn đã có đủ tất cả công cụ và tiềm năng để làm được việc này.
Đối trị tư duy bảo thủ
Loại tư duy này khá tinh vi và cần suy nghĩ phản biện tốt để phát hiện. Thường nó xuất hiện dưới dạng: “Chỉ có thể làm được theo cách này.”
Nếu chúng ta luôn tư duy như vậy, tôi nghĩ hiện giờ tôi và bạn vẫn đang vẽ tranh trong hang đá và chỉ biết lấy lửa mỗi khi có sấm sét.
Chính sự tò mò tìm hiểu và dám thay đổi cách làm khiến chúng ta khác biệt với những loài linh trưởng khác.
Nếu bạn bế tắc, giải pháp duy nhất là thay đổi. Khi bạn thay đổi cách làm mà không giải quyết được vấn đề, hãy thay đổi sâu sắc hơn. Hãy động đến các vấn đề cốt lõi hơn, bản chất hơn và thử nghiệm sự thay đổi.
Tôi sẽ đưa ra một phép ẩn dụ. Nếu bạn đi câu và không bắt được con cá nào. Hãy thay đổi địa điểm. Nếu đổi địa điểm mà không câu được, hãy thay đổi mồi câu. Nếu thay đổi mồi câu mà vẫn không câu được, hãy thay đổi cần câu. Nếu thay đổi cần câu mà không câu được, hãy bỏ cần đi làm vó. Nếu kéo vó cũng không thay đổi được, hay đóng bè và tới chỗ nước sâu hơn để bắt cá.
Luôn suy nghĩ phản biện và mạnh dạn thử nghiệm cái mới, thành tựu sẽ đến.
Khi được hỏi Edison nghĩ gì về một ngàn thử nghiệm thất bại khi phát minh ra bóng đèn, Edison đã trả lời, “Đó không phải là 1000 thất bại. Bóng đèn được sáng tạo ra với 1000 bước.”
Đối trị tư duy tự thoả mãn
Loại tư duy này xuất hiện theo hình thức tự thoả mãn: “Như thế này là tốt rồi”.
Biết đủ là tốt. Nhưng trong công việc và cuộc sống, bạn luôn có thể làm tốt hơn, làm hiệu quả hơn, làm có chiều sâu hơn. Suy nghĩ bạn cần phản ánh sự thật này.
Thay vì nghĩ rằng mọi chuyện đã rất tốt rồi, hãy tập suy nghĩ: “Liệu có cách nào để làm tốt hơn hay không”.
Đừng để thành tựu (dù là lớn hay nhỏ) làm hạn chế tiềm năng của bạn. Vấn đề không phải là thành tựu, không phải là kết quả, mà là quá trình.
Quá trình làm mới mình luôn tràn ngập niềm vui, sáng tạo và là bản chất của cuộc sống. Bạn làm tốt hơn để hoàn thiện mình, để bộc lộ chân lý của vũ trụ thông qua hành động, để tận hưởng niềm vui của sự tồn tại.
https://lifechange.vn/thay-doi-tu-duy/