Nguyên tắc 5 giây

nguyên tắc 5 (năm) giây

 Tôi cũng như bạn đều là nạn nhân của sự trì hoãn. Dù là những người kiên định nhất, cũng phải trì hoãn ở những thời điểm nhất định khi đối mặt với những công việc khó khăn.

Những việc đòi hỏi sự tập trung, những việc khối lượng lớn lặp đi lặp lại, hay những việc khó giải quyết luôn ngốn nhiều thời gian, tâm trí và sức lực. Thật tự nhiên làm sao, chúng ta sẽ tìm mọi cách, dù muốn hay không, để làm chúng sau cùng.

Mel Robbins đã viết một quyển sách khá thú vị: “The 5 Second Rule” nhằm giới thiệu một phương pháp tối giản để vượt qua sự trì hoãn: quyết định trong 5 giây.

Bản chất của sự trì hoãn

Cô giải thích vấn đề cốt lõi của việc trì hoãn là vì chúng ta không hiểu bản chất của sự trì hoãn. Bản chất của nó là cơ chế tự vệ, giúp chúng ta chống lại stress.

Cô nói, “What we are avoiding isn’t the task but rather the stress that we are associating with the task.” Cái mà chúng ta lảng tránh không phải là công việc cần làm, mà là lảng tránh stress do công việc đó gây ra.

Sự trì hoãn không liên quan tới đạo đức công việc, năng lực hay thái độ, mà là một phản ứng tự vệ giúp loài người kháng cự lại áp lực.

Tổ tiên chúng ta đã biết cách trì hoãn. Những bức vẽ trong hang động có thể chính là kết quả của sự trì hoãn này. Nghe thấy tiếng gầm của thú dữ, người tiển sử có lẽ đã tự nhủ, “Hôm nay không nên đi săn, đói một chút mà ngồi vẽ trong hang thì an toàn hơn”.

Cũng như vậy, ngày nay chúng ta tìm đến với Youtube và Facebook để giải toả những căng thẳng trong công việc. Vì chơi Facebook thì rõ là thú vị hơn vẽ tranh trong hang rồi 🙂

Đây chính là nét đẹp trong nhận định của Robbins. Cô ấy giúp chúng ta hiểu được bản chất vấn đề. Hiểu được bản chất vấn đề cho phép chúng ta tìm ra những phương pháp hiệu quả để giảm thiểu các suy nghĩ tiêu cực khi định trì hoãn.

Bước 1: Nhận ra chúng ta đang stress

Bước đầu tiên là trung thực nhận thức được: điều chúng ta lẩn tránh là các mối lắng chứ không phải là công việc. Hãy đặt những câu hỏi:

  • Mối lo lắng này đến từ đâu?
  • Có phải nó đến từ một sự đe doạ THẬT, hay chỉ là một ẢO TƯỞNG của tâm trí?
  • Tình huống xấu nhất nếu chúng ta thất bại là gì?

Nhưng câu hỏi thẳng thắn này có tác dụng rất lớn, giáng thẳng vào tư duy sai lệch gây ra sự trì hoãn. Tìm cách trả lời chúng, bạn sẽ thấy chúng thật ngớ ngẩn và bớt ngại việc.

Bước 2: Quyết định “dũng cảm” trong 5 giây

Hãy cùng xem xét một ví dụ sau: Bạn đang ngồi gần bể bơi và thấy một em bé chơi gần bể bơi. Em bé bị ngã xuống nước và vùng vẫy la hét. Bạn không bơi giỏi, và không đủ thời gian để nhận biết nước sâu như thế nào. Không suy nghĩ, bạn nhảy xuống cứu em bé.

Đây là một ví dụ rất hay cho việc vượt qua sự trì hoãn. Bạn đã có thể băn khoăn lo lắng (về việc không bơi giỏi và bể bơi có thể sâu), thế nhưng não bộ trước tình huống khẩn cấp đã ra quyết định dũng cảm, quyết đoán: “nhảy xuống nước”. Quyết định đó vượt qua hết các quyết định cẩn trọng khác.

Antonio Damasio, một nhà nghiên cứu thần kinh đã tiến hành nhiều nghiên cứu về cách chúng ta đưa ra quyết định. Ông cho rằng các yếu tố cảm xúc (đến từ trái tim) có tầm quan trọng không kém các yêu tố lý trí (đến từ não). Điều quan trọng để vượt qua sự trì hoãn là chúng ta kích hoạt những yếu tố cảm xúc tức thời, trước khi các yếu tố lý trí kịp xâm lấn. Trong trường hợp này, chúng ta ngay lập tức đưa ra một quyết định mà Robbins gọi là “quyết định dũng cảm”.

Như vậy, sau khi vượt qua bước 1: hiểu được bản chất của sự trì hoãn, không suy nghĩ nhiều, trong 5 giây chúng ta quyết tâm, và hành động.

Phương pháp tưởng chừng như rất đơn giản của Robbins, nhưng lại vô cùng hiệu quả nếu tận dụng khéo léo.

Nếu có thời gian bạn nên xem thử TED talk của cô ở đây: https://www.ted.com/talks/mel_robbins_how_to_stop_screwing_yourself_over

https://lifechange.vn/nguyen-tac-5-giay/