Thái độ khi xuống tiền

“Xuống tiền” một thuật ngữ xuất phát từ miền Bắc, hơi chợ búa, nhưng dứt khoát và gọn. Tôi thích thuật ngữ này hơn là trả tiền, chi tiền, thanh toán. Nó như một dao chặt xuống: “chơi hay không chơi nói một nhời”.

Hồi trai trẻ tôi chưa biết xuống tiền, hoặc chưa biết từ chối dứt khoát khi không muốn xuống tiền. Thái độ ngần ngừ của tôi làm lỡ mất của tôi nhiều cơ hội. Giờ khi đã tuổi băm, tôi thấy việc đánh giá một cơ hội thông qua cách xuống tiền là phổ biến trong xã hội, và cũng có cơ sở của nó chứ không phải là võ đoán.

Nếu làm ăn, bạn có muốn làm ăn với một người thiếu quyết đoán, căn cơ từng đồng từng hào không? Tôi nghĩ là không. Khi vận hành một hoạt động kinh doanh, có vô số khoản thu chi, đầu tư ngắn hạn, dài hạn. Nếu hợp tác với một người anh em thiện lành mà cứ lấn cấn mỗi lần phải chi, bạn sẽ rất mệt mỏi. Về lâu về dài, không tan vỡ mới là lạ.

Chính vì vậy việc quan sát một người xuống tiền từ những việc nhỏ nhất là cần thiết. Nếu một bữa ăn, một buổi cafe mà họ ngần ngừ trả tiền (khi họ muốn nhờ bạn một việc), hoặc họ tỏ vẻ muốn trả tiền nhưng bạn đề nghị trả thay thì họ cất ví ngay, trong một tíc tắc; rất khó hợp tác với những người như vậy. Họ cần mình mà họ không chịu cho đi một chút, thì tới khi mình cần họ, mình sẽ phải làm gì?

Tôi có một vài lời khuyên về việc xuống tiền như sau:

Với các khoản chi nhỏ

Với các khoản chi như trà nước, ăn trưa, đừng ngần ngại, hãy xuống tiền nhanh và dứt khoát, nhất là với các đối tượng mình cần nhờ vả, nhỏ tuổi hơn, hết tuổi lao động, thu nhập thấp hơn bạn. Việc này vừa thể hiện sự hào phóng, vừa chặn đứng những mầm mống bủn xỉn ở bên trong bạn. Cái thiện chí bạn nhận được là hoàn toàn xứng đáng với số tiền bỏ ra. Tôi khẳng định điều đó.

Nhưng phải đúng đối tượng.

Nếu đối tượng được chi trả cho thấy việc bạn trả tiền trở thành mặc định, liên tiếp thì có lẽ người đó cũng là một ký sinh trùng có hạng, quen với việc được người khác bao trọn gói mọi lúc mọi nơi. Loại người như vậy không nên qua lại nhiều vì cuộc sống đặt trên nền tảng công bằng, có qua, có lại. Dây dưa với kiểu người này không sớm thì muộn bạn cũng thiệt thòi.

Với các khoản tiền lớn

Tôi không thích cho mọi người vay tiền để kinh doanh. Với tôi tiền sinh ra tiền. Nếu anh muốn vay để số tiền đó phát sinh thêm tiền, anh nên chia sẻ hoạt động kinh doanh dưới hình thức kêu gọi đầu tư, hoặc vay tiền với lãi suất tiết kiệm. Đó là tác phong cơ bản nên được nắm rõ khi ra đời.

Nếu là các khoản vay vì việc quan trọng như: xây nhà, bệnh tật… Rất nên cân nhắc cho vay. Đây là lúc người vay thực sự cần tiền. Bạn vẫn cần xác minh lại tính đúng đắn của câu chuyện trước khi cho vay. Nên rõ ràng có hợp đồng công chứng. Nếu bạn không dám làm điều này với bạn bè người thân, bạn chưa đủ công bằng với bản thân. Nếu người vay tiền ngần ngại, họ có lẽ có điều gì đó khuất tất hoặc chưa sẵn sàng chi trả khoản tiền này 🙂

Với các khoản tiền hợp tác đầu tư, cần có kế hoạch kinh doanh rõ ràng và đầy đủ pháp lý. Sẽ không thừa nếu bạn cần nhờ luật sư kiểm tra lại tính pháp lý. Mọi hoạt động kinh doanh cần đặt trên nền tảng minh bạch, rõ ràng và công bằng. Bạn hoàn toàn có quyền này. Chỉ những đối tác không minh bạch mới sợ hãi tính pháp lý của một hoạt động kinh doanh sắp triển khai.

Hãy lắng nghe bản thân

Đôi lúc bạn cảm thấy cần phải xuống tiền, hãy làm theo tiếng gọi bên trong. Đừng xuống hết tiền và đẩy mình vào hoàn cảnh khó. Ngoài điều đó ra, mỗi lần xuống tiền sai là một bài học vô giá. Mạnh dạn và có cơ sở thì thực hiện luôn.

Chúc bạn xuống tiền khôn ngoan.

https://lifechange.vn/thai-do-khi-xuong-tien/