Định luật Cây Tre, mạng xã hội và Abraham Lincoln

Mấy hôm nay trên mạng xã hội phổ biến một bài chia sẻ về định luật cây tre để lý giải cho thành công của bác Phạm Nhật Vượng (tài sản tăng trưởng 1 tỷ đô sau 10 ngày) như sau:

Tre mất 4 năm chỉ tăng thêm 3 cm. Nhưng từ năm thứ năm trở đi, nó sẽ phát triển mạnh mẽ với tốc độ 30 cm mỗi ngày và chỉ mất sáu tuần để phát triển lên 15 mét.

Trên thực tế, trong 4 năm đầu tiên, rễ tre kéo dài hàng trăm mét vuông trong đất. Làm người làm việc cũng tương tự như vậy. Đừng lo lắng những nỗ lực của bạn tại thời điểm này không được đền đáp, bởi vì những thứ bạn bỏ ra đang là nền tảng vững chắc cho bạn sau này, như rễ tre vậy. Đời người phải có tích lũy, có bao nhiêu người đã không thể kiên trì như tre chờ đến ngày có thể vượt qua 3 cm?

Mới đọc tôi thấy bài chia sẻ này rất hay và hữu ích. Thực tế chính tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã có một câu danh ngôn tương tự về việc chặt cây:

Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu

Abraham Lincoln

Thế nhưng tới phần bình luận thì tôi rất bỡ ngỡ. Rất nhiều bạn trẻ tranh cãi về việc câu chuyện này có đúng về mặt sinh học hay không, và phản biện về tốc độ tăng trưởng thực của cây tre.

Điều này không sai, nhưng lại sai về cách tiếp cận bài viết. Nếu bài học cần rút ra là việc xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển có chiều sâu trong tương lại, thì chúng ta lại tập trung vào… cây tre.

Cũng như trong ví dụ của Abraham Lincoln. Tôi không nghĩ ông là một tiều phu chuyên nghiệp, ông chỉ muốn bộc lộ cách tư duy thông qua một ví dụ về việc chặt cây. Với tư duy có chiều sâu, dù là việc nhỏ nếu có kế hoạch cụ thể sẽ đạt được hiệu quả tối ưu – đó là điều ông muốn nhấn mạnh, không phải là việc chặt cây, hay việc mài rìu, hay nên mua rìu có thương hiệu gì, hoặc nên chặt cây với góc bao nhiêu độ 🙂

Người phương Tây có một châm ngôn là: “read between the lines” – đọc ở giữa những dòng chữ. Cái gì nằm ở giữa những dòng chữ? Có phải là khoảng cách dãn dòng do các bạn thiết kế làm không? Không phải bạn ạ, mà là ý nghĩa thông điệp được truyền tải.

Phương Ta thì có câu: “Ý tại ngôn ngoại” – ý nằm ngoài lời nói. Vậy nên khi đọc hãy cố gắng hiểu thông điệp, tư duy, thẩm thấu và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Đó mới là cách tiếp cận kiến thức khôn ngoan.

Chúc một năm 2019 mới đầy trí tuệ.

https://lifechange.vn/dinh-luat-cay-tre-mang-xa-hoi-va-abraham-lincoln/