Thối não – từ khoá của năm 2024

Thối não (brain rot) chính là từ khoá Oxford được bầu chọn của năm 2024. Thối não là sự suy giảm tinh thần và trí tuệ của một người do tiêu thụ quá mức các nội dung trực tuyến tầm thường và nhảm nhí.

Brain rot bắt đầu nổi lên cùng với thuật ngữ doom scrolling nghĩa là cuộn huỷ diệt, cuộn trong tuyệt vọng, ý chỉ việc không ngừng lướt các nội dung mạng xã hội tới khi tàn tạ tinh thần và thể xác.

Phải công nhận cộng đồng mạng nói tiếng Anh nghĩ ra những thuật ngữ quá bén, quá chuẩn. Hai từ này đã mô tả chính xác tình trạng tâm sinh lý của chúng ta khi bị các lãnh chúa thuật toán điều khiển và chi phối.

Bạn có bao giờ để ý hình như lâu lắm rồi mình không đọc sách? Thậm chí không xem một chương trình TV, hay một bộ phim dài cỡ 2 tiếng. Nhiều khi 1 tập Netflix cỡ chừng 45 phút cũng khá thử thách để tiêu hoá trọn vẹn và liên tục mà không phải đảo sang Zalo, FB một tí.

Đó chính là một biểu hiện nhỏ của thối não – sự mất tập trung.

Vì sao các mạng xã hội khiến chúng ta mất tập trung?

Tôi đã băn khoăn đặt câu hỏi này khi phát hiện ra tôi không đọc kỹ các status Facebook dài và chất lượng, mà chỉ toàn xem lướt.

Rõ ràng tôi vẫn có khả năng đọc sách hay tài liệu chuyên môn dài và nặng ký. Tại sao hiện tượng này lại chỉ xảy ra với các mạng xã hội?

Phải chăng môi trường mạng xã hội tạo ra các điều kiện thích hợp để chúng ta mất tập trung?

Bạn có nhớ cảm giác đi ăn cỗ ngày mùng 3 Tết không? Sau vài ngày đã ních đầy bụng là những bánh chưng, gà luộc, giò thủ với canh bóng, thì mâm cao cỗ đầy cách mấy cũng không làm cho bạn ngon miệng được. Ta cứ trộn trạo nhai nuốt thức ăn cho có lệ thôi, dăm miếng là đành xin gác đũa bỏ cuộc.

Ròi bạn có nhớ cảm giác khi đói liêu xiêu giữa đêm khuya mà lục mãi mới ra một gói mì Hảo Hảo chua cay không? Cảm giác ăn bát mì cay nóng giữa đêm đói đấy, sơn hào hải vị cũng khó mà sánh bằng.

Giờ ta lại quay trở lại với bữa tiệc Tết, hãy thử tượng tượng không những mâm cao cỗ đầy mà đồ ăn lại còn được chạy trên băng chuyền. Có một một trăm lẻ tám món ăn, mỗi món lướt qua mặt bạn đúng 10 giây. Bạn sẽ chỉ đủ thời gian gắp vào miệng, rồi nuốt ngay. Chưa kịp nếm thì món khác đã tới. Bạn có nghĩ rằng mình sẽ có đủ thời gian để nếm món ăn không?

Nghĩ tới là đã hãi nhỉ!

Mà Tiktok thì có khác gì? Thay vì phục vụ 1 món ăn (tinh thần) cho tử tế, nó giã cho mình một trăm cái clip hơn 30 giây trong một tiếng, mình không kiệt quệ sao mà được. Tê liệt hết cả linh hồn.

Facebook feed cũng vậy. Tại sao mình lướt mà không đọc kỹ được? Vì khi Facebook cho xem hàng trăm nội dung trước mặt, não sẽ từ chối đọc sâu mà chuyển sang cơ chế đọc lướt để nắm bắt được thông tin tổng thể nhanh nhất có thể để còn chuyển sang tin tiếp theo.

Đơn giản vậy thôi. Não không có vấn đề gì hết, format hiển thị và thời lượng hiển thị của mạng xã hội mới là kẻ thủ ác.

Thối não phá huỷ một thế hệ trẻ

Mất tập trung thực ra vẫn còn là vấn đề nhẹ, sửa chữa được. Nguy hiểm hơn, mạng xã hội và format video ngắn đang tàn phá não bộ thế hệ trẻ.

Ở trong tuổi chập chững biết nói, giao tiếp 2 chiều là vô cùng quan trọng. Khi nói chuyện với người thân và bạn bè, trẻ học cách hỏi vả trả lời thay vì chỉ nghe. Nhưng khi xem Youtube và Tiktok trẻ chỉ phải nghe, không cần nói.

Để tương tác với máy, trẻ học cách dùng điều khiển từ xa. Thời lượng tiếp xúc với máy nhiều hơn nhiều lần so với việc giao tiếp với bố mẹ, ông bà. Vậy nên trẻ không có thời gian và điều kiện để học nói. Đáng buồn hơn, thời điểm này lại là thời gian vàng cho vùng ngôn ngữ ở não phát triển. Sau 3 tuổi mới tập nói thì lại mất đi khoảng thời gian quý báu đó.

Ngoài việc chậm nói – khó nói, khi dùng các MXH video ngắn nhiều quá, não trẻ (và cả các thanh thiếu niên) bị quá tải bởi phải tiết ra dopamine liên tục. Ở mức độ nhẹ, các em dễ bị chán, trầm cảm, không còn sức sống khi dời xa thiết bị di động.

Nặng hơn, các em bị rối loạn khả năng giao tiếp trong cuộc sống, có xu hướng thu mình và sợ giao tiếp trực tiếp hoặc qua điện thoại. Các em chỉ tự tin với khung chat hoặc các bình luận trên MXH chứ không thoải mái thể hiện bản thân ngoài đời.

Tệ nhất, cấu trúc của não bị tổn thương nặng nề, các em có thể bị bệnh “Tic”. Dù rằng nguồn gốc chứng bệnh này chưa được khoa học nghiên cứu cụ thể, nhưng có một mối liên quan rõ rệt giữa việc sử dụng thiết bị điện tử và sự gia tăng của bệnh “Tic”.

Kết luận

Hiện tượng “thối não” không chỉ là một thuật ngữ thời thượng mà đã trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động. Sự tiêu thụ liên tục các nội dung ngắn, nông cạn trên mạng xã hội đang làm suy giảm khả năng tập trung, tư duy sâu và giao tiếp của chúng ta.

Đặc biệt nghiêm trọng là tác động lên thế hệ trẻ, từ việc chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn tâm lý đến những biến đổi trong cấu trúc não bộ. Nếu không nhận thức và có biện pháp kiểm soát, chúng ta đang đánh đổi sự phát triển lành mạnh của bản thân và con cái chỉ để đổi lấy những khoảnh khắc giải trí ngắn ngủi.

Đã đến lúc chúng ta cần tìm lại thói quen đọc sách, xem các nội dung chất lượng và đặc biệt là tăng cường giao tiếp trực tiếp. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bảo vệ não bộ khỏi hiện tượng “thối não” đang ngày càng phổ biến trong thời đại số.

Photo by Borna Hržina on Unsplash

https://lifechange.vn/thoi-nao/