Cái loa

Phương là tổng giám đốc một công ty truyền thông khá có tiếng ở Hà Nội. Dịch Covid kéo dài hơn một năm rưỡi đã ảnh hưởng ghê gớm tới công ty anh. Các công ty đối tác đều ở trong trạng thái leo lét sinh tồn, chẳng còn ngân sách mà làm truyền thông. Khách hàng nào cũng xin bên anh hỗ trợ thực hiện công việc trước, rồi khi có điều kiện sẽ thanh toán công nợ sau. Nói chung, việc kinh doanh tiêu điều lắm.

Khi dịch hơi vãn được một chút, anh cũng cố mở ra những cơ hội mới. Anh tham gia hội thảo, làm diễn giả, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số. Anh cũng tổ chức các lớp học trực tuyến giúp doanh nghiệp tái hoà nhập hậu Covid. Làm nhiều nhưng không đem lại kết quả tài chính. Chủ yếu là để giúp anh “stay relevant“. Làm truyền thông, việc luôn được người ta nhớ tới là rất quan trọng, đây là một bí quyết anh luôn khắc ghi và tuân thủ tuyệt đối.

Facebook vốn là chỗ để anh chia sẻ những thông tin kinh doanh tích cực, hiện giờ ngoài những khoá học online, toàn là tin liên quan đến Covid. Hai tuần trở lại đây số ca nhiễm ở Hà Nội tăng chóng mặt, nhưng thành phố không thực hiện cho F1 cách ly tại nhà mà vẫn bắt cách ly tập trung. Thế này không khác gì TP.HCM đợt trước. Điều này làm Phương lo lắng vô cùng. Quen thói, lại giãn cách một lần nữa thì chịu gì cho thấu.

Bức xúc, anh đăng một bài viết dài. Bài viết phân tích cặn kẽ tại sao Hà Nội không nên lặp lại vết xe đổ của TP.HCM. Và nhất định nên cho cách ly F1 tại nhà. Anh đọc đi đọc lại ba bốn lần, soát lỗi kỹ càng từng dấu chấm phẩy, rồi mới đăng. Đăng lên xong, anh lại đọc thêm một lần nữa cho yên tâm. Rồi anh mới rời bàn phím đi pha một cốc trà nóng.

Phương thư thái hưởng thụ mùi hương trà sen ủ ngan ngát khắp văn phòng. Tiếng ting ting của thông báo Facebook bắt đầu đều đặn vang lên. Anh không bao giờ thấy phiền vì những âm thanh này. Chúng như những tràng vỗ tay khen ngợi hoặc những tiếng la ó của công chúng. Khen hay chê gì đều có nghĩa là họ quan tâm. Người làm truyền thông, viết ra những thứ tranh cãi thì mới dễ được biết đến. Nhưng tất nhiên phải viết cho chuẩn, cho chặt chẽ. Có bắt bẻ còn biết đường mà xử lý.

Thong thả nhấp từng ngụm trà, anh bắt đầu vào “duyệt còm”. Bài này ai cũng thả “like” và “tim”, không có một cái “haha”. Đây là một dấu hiệu tốt. Hầu hết các còm đều khen và phản hồi tích cực. Bỗng dưng có một cái còm lù lù xuất hiện, “Anh thì biết gì. Anh có làm ngành y ngày nào đâu mà nói như đúng rồi thế?”.

Một cơn máu nóng tràn lên. Phương có thể nghe rõ cả âm thanh mạch máu ở thái dương đập pực pực. “Bình tĩnh lại. Bình tĩnh lại. Chỉ là một còm láo thôi. Mình còn lạ gì các phê bình ác ý nữa,” Phương tự nhủ.

Anh nhấp tiếp li trà rồi xem kỹ các phản hồi của còm này. Điên thật, có hơn một chục người thích còm này. Nghĩa là vẫn có người nghĩ rằng Phương chỉ là thằng “chém gió”. Đã lác đác một vài phản hồi bảo vệ anh. Phương đọc thấy ấm lòng hơn. Vẫn có những bạn đọc sáng suốt biết phân biệt đúng sai đấy chứ.

Anh bắt đầu từ tốn gõ trả lời. Anh đọc đi đọc lại, rồi sửa câu chữ mấy lần cho lịch sự nhưng không kém phần cứng rắn, rồi mới đăng, “Tôi nói dựa trên bài học thực tiễn ở TP.HCM cũng như ở các nước đã bị bùng dịch. Trên báo đầy, chỉ cần biết đọc biết viết là có đủ thông tin.”

Một lúc sau, tên còm láo đã trả lời lại. Một còm còn láo hơn thế nữa, “Các anh truyền thông có ưu điểm là nghĩ mình hiểu nhiều biết nhiều. Khi hành nghề các anh lại mắc thêm bệnh rao giảng cái sự biết ấy thật rộng ra. Cái kiểu bệnh nghề nghiệp ý. Tôi cũng đọc báo, cũng xem thời sự, tôi còn ngủ chung giường với 1 chuyên gia chống dịch… mà còn chả hiểu gì các anh ạ.”

“Ôi thằng mất dạy,” Phương đọc mà sôi cả máu. Đúng lúc đấy tiếng chuông điện thoại vang lên làm cắt mạch cung đấu Facebook của anh.

Cô trợ lý thông báo anh có một cuộc họp đột xuất với đối tác quảng cáo ở nước ngoài. “Giờ này thì còn nước ngoài với nước trong gì nữa. Chắc chủ yếu là gặp gỡ để đỡ quên nhau thôi,” Phương thầm nghĩ.

Như thường lệ các bạn da trắng rất vui vẻ và nhiều lời. Đúng như Phương đã đoán, các bạn ý chỉ giới thiệu một số sản phẩm quảng cáo mới trên các kênh mạng xã hội và mong muốn sẽ sớm áp dụng với thị trường Việt Nam. Họ cũng hiểu tình hình hiện tại nên gửi tới công ty Phương những lời chúc tốt đẹp nhất.

Thú thực là phân nửa thời gian Phương để ngoài tai những gì anh bạn Tây kia nói. Những lời còm ác ý vẫn văng vẳng trong đầu Phương. Hắn nói rõ là láo toẹt thực, nhưng Phương không biết bắt bẻ lại bằng cách nào. Đúng là anh viết có hay mấy, logic mấy, mượt mà mấy, thì anh cũng là thằng tay ngang. Anh chưa từng học hay hành nghề y một ngày nào cả. Ai mà hỏi sâu hơn về các khái niệm y tế cộng đồng thì anh cũng bó tay chấm com.

“Nhưng chẳng phải bản chất truyền thông là thế ư? Chúng ta nhờ vào ngọn bút sắc bén mà phá tan lớp vỏ xù xì của mớ kiến thức chuyên môn khô khan, rồi bôi lên một lớp dầu thơm ngát óng ả để cái nhân tri thức ngọt ngào lan toả tới bạn đọc một cách trọn vẹn nhất,” Phương tự an ủi bản thân.

Ting ting! Tiếng nhắn tin của Facebook Messenger vang lên.

“Phương Loà chiều nay ra sân lúc 17:30 nhé. Tao đặt sân rồi,” thằng Chiến bạn thân từ hồi phổ thông nhắn tin rủ đi đá bóng.

“Mẹ kiếp, đã bảo không gọi bằng cái biệt danh cúng cơm ấy mà,” Phương buột miệng chửi.

Phương mở lại Facebook của tay còm láo. Anh phân vân một chút, rồi bặm môi bấm dứt khoát, “Block mày nhé! Khoá mõm vĩnh viễn”.

https://lifechange.vn/cai-loa/