Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu

Khiêm tốn là một đức hạnh vẫn hằng được ca tụng. Nhiều người nói về đức khiêm tốn nhưng ít người thực sự hiểu bản chất của đức hạnh này. Hiểu được bản chất của khiêm tốn, bạn sẽ hiểu tại sao các cụ lại có câu “một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu”.

Theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng, khiêm nghĩa là: “Kính trọng người khác — Nhún nhường, tự cho mình là kém cỏi”. Tốn cũng có nghĩa là nhún nhường, cung thuận. Khiêm và tốn đồng nghĩa, lặp lại hai lần dường như để nhấn mạnh thêm. Đứng riêng trong tiếng Hán hai từ này vẫn có nghĩa giống như từ ghép, không có nhiều sự khác biệt.

Kính trọng người khác

Khiêm tốn hay ở chỗ nó phải đủ 2 vế: (1) kính trọng người khác và (2) tự cho mình là kém cỏi. Vấn đề của chúng ta là chỉ “cố” khiêm tốn ở vế đầu: kính trọng người khác. Thậm chí chỉ kính trọng người khác ở bên ngoài. Đây là mấu chốt của sự việc.

Rất nhiều người ngoài xã hội bên ngoài thì nhã nhặn, nói lời tựa phun châu nhả ngọc, nhưng họ không thực suy nghĩ như vậy. Miệng lưỡi ngôn từ chỉ là công cụ để họ điều khiển cuộc trò chuyện nhằm đạt được mục đích. Đó là khiêm tốn bề ngoài. Tốt nước sơn, nhưng không thật tốt gỗ.

Vấn đề nằm ở chỗ cái tâm của mỗi người rất khó ẩn giấu. Một cái nhíu mày, cắn răng sẽ dễ bộc lộ suy nghĩ thật. Những người có chút nhạy cảm hoặc già dặn sự đời sẽ sớm nhận ra sự khiêm tốn giả tạo. Trường hợp này, các cụ đã thẳng thán phê phán và cho rằng khiêm tốn kiểu này thì bằng bốn lần tự kiêu.

Vì người tự kiêu ít ra còn sống thật với suy nghĩ của mình. Người như vậy đáng tin cậy hơn.

Vậy làm sao để khiêm tốn “thật”?

Tự cho mình là kém cỏi

Khiêm tốn thật bắt nguồn từ sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Ở trong ao làng thì mình luôn là nhất. Bước chân tới sông mới thấy sông sâu. Ra tới biển cả thì chẳng có bến bờ. Đã ra tới sông, tới biển, chú ếch nào dám ho he về cái bầu trời bằng miệng giếng của mình.

Khi bạn được gặp những môi trường phù hợp, rộng lớn, nhiều nhân tài; sự thật đầu tiên bạn nhận ra được là tài năng như mình… hoá ra đầy. Và nếu cơ duyên phù hợp, bạn sẽ gặp được rất rất nhiều người tài giỏi hơn mình. Đây là một điều may mắn giúp bạn thực sự mài giũa đức khiêm tốn và hình thành năng lực hợp tác với người giỏi – điều mà không phải ai cũng có, do thói quen thường tự hạn chế mình trong một môi trường nhỏ bé chi phối.

Nếu chưa có điều kiện cọ sát nhiều, bạn chỉ việc nhìn sang những lĩnh vực khác. Bạn có thể là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, nhưng bất cứ chuyên gia nào trong lĩnh vực của họ… đều giỏi hơn bạn trong lĩnh vực đó. Thảo luận với họ, bạn sẽ thấy con đường của họ chông gai không kém mình, và cũng thật thú vị.

Khi đã nhìn nhận được sự tồn tại của nhiều người xuất chúng, bạn bắt đầu biết kính trọng người khác. Và việc tự cho mình là kém cỏi trở nên thật tự nhiên, như là thở vậy.

Cái gì đạt được tự nhiên thì không cần gượng ép và nó trở thành phẩm chất thực sư. Sự gượng ép sẽ không đem lại kết quả tốt về lâu dài.

Khiêm tốn hay không, hãy tự tin

Nếu phải chọn giữa khiêm tốn “đểu” và tự kiêu. Tôi thà giao du với người tự kiêu vì họ trung thực hơn. Nhưng nếu có thể sửa một điều về những người này, tôi sẽ cố trở nên tự tin thay vì tự kiêu. Tự tin là thứ bạn cần duy trì dù có khiêm tốn “thật” hay không, và dù ở bất cứ môi trường nào, cho dù có nhiều người tài giỏi đến đâu. Bởi vì:

  • Bạn luôn có một thế mạnh đặc thù của rất riêng bạn mà những người giỏi khác không sở hữu.
  • Với sự tự tin, bạn có thể học kiến thức mới rất nhanh chóng
  • Người tự tin rất dễ gây thiện cảm và tạo ra những cơ hội mới. Ngược lại người không tự tin dễ đánh mất các cơ hội tiềm năng vì sự rụt rè của mình.

Trong thời đại mới này, khi các giá trị phương Đông và phương Tây trộn lẫn với nhau; giữa cái mớ bòng bong ấy, sự khiêm tốn giả tạo sẽ dần mất chỗ đứng. Tôi tin rằng bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng yêu thích một đôi mắt trong suốt tràn đầy tự tin và những khẳng định chắc nịch về năng lực bản thân hơn là vẻ khiêm tốn khách sáo giả tạo.

https://lifechange.vn/khiem-ton/