Lem nhem và hối hả

Khi cuộc sống ngày càng nhanh hơn và chạy theo lợi nhuận, một trong những giá trị mà tôi cảm thấy chúng ta đang đánh mất rất nhiều: đó là sự tận tâm với chất lượng. Đằng sau vẻ ngoài hoà nhoáng của các thương hiệu là những sản phẩm lem nhem và hối hả.

Lem nhem – giảm chất lượng vì lợi nhuận

Công nghiệp hoá đồng nghĩa với việc: nhanh hơn, năng suất cao hơn, lợi nhuận lớn hơn. Các sản phẩm phải được làm ra nhiều nhất và rẻ nhất có thể. Chất lượng phũ phàng bị dẹp sang một bên. Ngân sách doanh nghiệp chi phần lớn cho quảng cáo và xây dựng thương hiệu.

Lấy ví dụ từ những nhu yếu phẩm gần gũi chúng ta nhất: nước mắm thực ra là nước chấm hoá học, sữa tươi dùng bột hoà tan, thịt động vật thì dư lượng kháng sinh và hormones tăng trưởng, rau xanh sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật… Những ví dụ kiểu như thế này nhiều không đếm xuể. Thậm chí ngay tại nơi bạn đang đọc bài viết này, hãy nhìn quanh. Li bạn uống nước khả năng cao là thuỷ tinh kém chất lượng. Ống hút nhựa bẩn. Đá có hoá chất chống tan…

Bỏ qua thức ăn vật chất, hãy chuyển sang thức ăn tinh thần. Các chương trình TV và các bài báo chúng ta xem được đánh giá dựa trên lượt xem (views). Nghĩa là lượt xem ít thì chương trình sẽ bị xoá sổ. Vậy là báo lá cải giật tít thống trị, truyền thông nhan nhản các tin cướp, hiếp, giết. Cứ như thế, quả trứng – con vịt, truyền thông rẻ tiền lên ngôi, hệ luỵ là việc sản sinh ra một thế hệ trẻ không biết thưởng thức các giá trị nhân văn, sâu sắc. Các Lệ Rơi, Khá Bảnh trở thành thần tượng trong sự ngỡ ngàng của các thế hệ 6x, 7x, 8x.

Và hài hước làm sao, nhãn mác của những sản phẩm, thiết kế của các ấn phẩm truyền thông kể trên thì ngày càng đẹp và bắt mắt hơn. Có cả một ngành học về tâm lý người tiêu dùng chỉ để khiến người mua quyết định nhanh chóng mà không kịp cân nhắc, suy nghĩ. Các nhà quảng cáo hiểu sự vận hành của tiềm thức của bạn hơn cả chính bản thân bạn, và lợi dụng nó để bán hàng sinh lợi.

Hối hả – một xã hội đầy căng thẳng và chỉ tiêu

“Anh cần cái này nhanh, chiều nay nhé?”
“Không cần tốt quá, cứ làm vừa vừa là được. Miễn là rẻ.”
“Mai không xong thì em không cần đi làm nữa”

Bạn nghe thấy quen không?
Khách hàng ép sếp tổng. Sếp tổng ép sếp lớn. Sếp lớp ép sếp trung. Sếp trung ép sếp nhỏ. Sếp nhỏ ép nhân viên. Stress như một căn bệnh lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác. “Deadline” treo trên đầu tất cả mọi người.

Rất hiếm khi chúng ta có được những lời động viên nhân văn như là:

“Khách hàng là trên hết em ạ, quan trọng là uy tín của mình, không phải lợi nhuận không.”
“Em dành thời gian làm cho tốt, cho kỹ giúp anh. Chất lượng quan trọng nhất em nhé.”

Tôi hiểu thói quen lao động người Việt, nhìn chung là năng suất thấp hơn nhiều so với thế giới, thành ra “pháp trị” và “ép chỉ tiêu” là phương pháp được nhiều nhà quản lý tin dùng và áp dụng lâu dài. Tuy nhiên uy tín và chất lượng có lẽ cần được đề cao hơn, song song với việc tối ưu hoá năng suất và lợi nhuận.

Vậy chúng ta cần làm gì?

Trong công việc, tôi cho rằng bạn suy nghĩ sâu sắc hơn về chất lượng và thời gian. Thường hai yếu tố đó tỷ lệ nghịch và bạn cần tìm ra được điểm hoàn hảo để đề xuất cho cấp trên hoặc khách hàng. Đôi lúc công việc cần tốc độ hơn là chất lượng, đôi lúc ngược lại. Đừng để mình cuốn vào vòng xoáy đó và đưa ra những lời hứa không thể thực hiện, hoặc kéo nhân viên căng như dây đàn.

Tương tự như vậy, cái gì cũng có giá của nó. Ngon bổ thì không thể rẻ. Bạn cần thuyết phục đối tác hiểu được chất lượng và giá thành sẽ tỷ lệ thuận với nhau. Mạnh dạn xa rời các đối tác không có sự cảm thông vì khó đi đường dài với những đối tác như vậy.

Về lâu dài, hãy cố hướng tới những sản phẩm có giá trị thực sự. Dồn chi phí vào việc nâng cao chất lượng của sản phẩm, thay vì chỉ phân bổ ngân sách cho quảng cáo. Hữu xạ tự nhiên hương. Chính sự hài lòng của khách hàng là công cụ marketing tốt nhất cho một doanh nghiệp trung thực.

Với vai trò khách hàng, đừng ép giá, ép tiến độ với những đối tác tốt. Làm vậy, bạn sẽ bắt đầu khởi phát một chuỗi stress mới cho xã hội.

Với vai trò là người mua, hãy là người thông minh sáng suốt và ủng hộ những người bán đạo đức, có lý tưởng và trách nhiệm. Nếu ngân sách cho phép, hãy mua những sản phẩm thủ công, sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nội địa, sản phẩm tốt và trau chuốt. Đó là cách bạn quản lý luồng tiền cá nhân và hướng nguồn lực này vào nhưng mục đích tốt đẹp. Đừng tham rẻ mà ủng hộ những sản phẩm nhái, kém chất lượng, cẩu thả. Hãy mua ít, và mua đồ tốt. Trên thực tế làm vậy khéo lại tiết kiệm hơn.

Với vai trò là người tiêu thụ truyền thông, hãy xa lánh những thông tin xấu xí, lá cải, giật tít mua vui, không đem lại lợi ích văn hoá hoặc tinh thần. Dành thời gian tiêu thụ những văn hoá tinh có tính thẩm mỹ cao và ủng hộ những dự án này. Không có sự ủng hộ của xã hội, rất có thể sau này con cháu chúng ta chỉ được xem những sản phẩm truyền thông rác rến rẻ tiền.

https://lifechange.vn/lem-nhem-va-hoi-ha/