4 kiểu làm sếp, bạn thuộc kiểu nào?

Kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý là một chủ đề khá nhiều tranh cãi. Nội việc kỹ năng này là bẩm sinh hay phải rèn luyện cũng đã chia đôi dư luận. Tất nhiên không có kết luận cuối cùng và mỗi bên đều có lý riêng của mình.

Tôi cũng mạnh dạn đưa ra một ý kiến cho chủ đề này. Tính tôi thích những gì đơn giản nên phương án của tôi cũng rất mộc mạc thôi.

Tôi nhìn vào cách xử lý con người để đưa ra tiêu chí đánh giá vì tôi nghĩ kỹ năng lãnh đạo (leadership) quan trọng nhất là kỹ năng làm việc với con người. Còn kỹ năng quản lý (management) thì rộng hơn có thể là với bản thân, với thời gian, công việc.

Theo cách nhìn đó, có 4 kiểu sếp. Tôi xếp theo trình tự từ “giỏi”, “có lợi” nhất cho tổ chức tới “yếu” hơn và “ít có lợi” nhất cho tổ chức.

  1. Thích nói thật, và khéo léo truyền tải thông điệp
  2. Thích nói thật, và không khéo truyền tải thông điệp
  3. Không thích nói thật, và khéo léo truyền tải thông điệp
  4. Không thích nói thật, và không khéo truyền tải thông điệp

Hơi lằng nhằng, hãy để tôi làm đơn giản lại.

  1. Thật và khéo
  2. Thật và thô
  3. Xạo và khéo
  4. Xạo và thô

Okay hơn nhỉ.

Khéo hơn thô thì ai cũng hiểu, vì khéo thì thể hiện kỹ năng lắng nghe, sự đồng cảm, hạn chế gây tổn thương tới người nghe.

Thật hơn xạo cũng dễ hiểu. Nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật nhé. Cái đó bữa khác bàn sau, không phải tiêu chí hôm nay.

Vấn đề chủ yếu nằm ở số 2 và số 3. Bạn chọn (2) Thật và thô hay (3) Xạo và khéo?

Tôi chọn (2) Thật và thô vì tôi ghét xạo và thảo mai và tôi tin rằng về lâu về dài khi không nói thật thì chúng ta chỉ xây lâu đài trên cát.

Một mối quan hệ tạo dựng bởi các sự hiểu biết sai lầm về kỳ vọng của nhau sẽ kết thúc trong rạn vỡ. Đó là điều rất khó tránh khỏi.

Khéo và xạo có thể giúp bạn một thời gian và đạt được lợi ích trước mắt và lợi ích cho bản thân. Nhưng cho tập thể, lâu dài sẽ có hại.

Thật và thô gây mất lòng trước mắt nhưng giúp người đối diện hiểu được mình đang đối mặt với ai và vấn đề gì. Nếu họ chấp nhận bây giờ, lâu dài họ cũng sẽ chấp nhận.

Chốt lại, muốn làm sếp tốt, cần trở thành một người trung thực.