Cỏ nhà hàng xóm lúc nào cũng xanh hơn

Vải thiều sang xịn mịn

Đợt này vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang Nhật và Châu Âu bán được giá. Nghe đâu 12 quả vải bán được hơn một triệu đồng. Dân mình ăn vải thì tính bằng cân, nghe 12 quả cứ mắt tròn mắt dẹt tưởng nghe chuyện đùa. Có bạn lên mạng trêu là sẽ ăn cho bằng hết 100 triệu tiền vải cho sướng mồm.

Nhưng mà ở mình thì thực tế cũng đua nhau đi mua cherry về biếu làm quà cho sang. Một vỉ cherry bé tý cũng năm sáu trăm nghìn, không khác câu chuyện trên là mấy. Ngớ ngẩn như nhau cả.

Việc này làm tôi nhớ đến một câu ngạn ngữ của phương Tây. The grass is always greener on the other side. Câu này nghĩa là cỏ nhà hàng xóm lúc nào cũng xanh hơn cỏ nhà mình. Ở Việt Nam cũng có những câu tương tự như: một cái lạ bằng tạ cái quen. Đại khái là cái gì không phải của mình thì lúc nào dường như cũng long lanh hơn.

Khổ cái nó lại là cỏ nhà hàng xóm. Không sang bứt về trồng được, mà sang bứt về thì nó lại thành cỏ nhà mình, được dăm bữa nó lại… úa hơn cỏ ở bển. Gay nhỉ.

Siêu thực phẩm

Quay trở lại với câu chuyện ăn uống. Ở bên này người ta thần tượng quả cherry (anh đào), quả blueberry (việt quất), kiwi. Rồi bắt chước bên kia ăn sạch. Xay cần tây uống với cải Kale. Ăn súp lơ xanh với ức gà. Người ta gọi đấy là các “siêu thực phẩm” (superfood). Ăn thế nó mới sang, văn minh, bớt Á Đông u tối.

Trong khi đó, tôi có một người bạn Úc, thích tập thể hình. Anh ta bảo tôi bảo sang đây (Việt Nam) đúng là thiên đường, tha hồ ăn khoai lang. Tôi cười bảo khoai lang bên Úc đắt lắm à? Ở đây ngày xưa bọn tao chê, không thèm ăn. Ăn cơm với khoai bị bảo là nhà nghèo mới phải ăn độn.

Ngọc quý trong nhà

Nhân tiện tôi bảo, siêu thực phẩm của Việt Nam mình cũng nhiều lắm. Ổi rất nhiều Vitamin C. Hàu thì nhiều kẽm. Rau muống nhiều sắt. Khoai chuối với hoa quả thì muôn trùng ối làng nước ơi. Ngay cái quả chanh (lime) của mình cũng có tiếng trên bản đồ ẩm thực hơn là quả chanh vàng (lemon).

Ăn chế độ thuần Việt bản chất đã là ăn sạch rồi (e hèm hashtag #EatCleanByDefault). Nhìn chung là tốt hơn chế độ bơ sữa, đặc biệt là với gene Á Đông mình. Biết thế rồi thì giữ nếp ăn như các cụ mới thực là văn minh.

Nhân tiện lần nữa, văn minh có chữ “minh” nghĩa là sáng. Hiểu biết cho nó thấu đáo và không chạy theo xu hướng thì mới sáng được. Chứ hiểu biết sơ sài, chụp giật và với mục đích khoe mẽ thì tối lắm.

Nhân tiện lần cuối, các cụ ngày xưa ăn uống tinh lắm. Mùa gì ăn gì, bữa nào ăn gì, và ăn cái gì phối với cái gì, các cụ dạy hết. VD như: sáng ra ăn xôi cho chắc dạ. Trưa nóng làm bát bún chả cho nhẹ bụng. Chiều thì ăn cơm nhà vừa đầy đủ dinh dưỡng vừa đỡ bị vợ chửi. Gà nên ăn với lá chanh, thịt lợn củ hành, thịt chó riềng mẻ mắm tôm. Vừa ngon lại vừa tốt cho sức khỏe. Không đùa với việc ăn uống của dân tộc này được đâu. Rất là tỉ mỉ và nhiều tri thức ở bên trong.

Cụ Trần Nhân Tông có câu: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch“. Nhà có của báu, tìm đâu nữa? Với trường hợp này, đúng quá còn gì, hi hi.

Quý tộc

Mình hay dùng từ ngữ quý tộc vô tội vạ. Đôi khi còn cho thêm chữ “sờ” vào nữa. Quý sờ tộc. Mỉa mai nhưng dùng vẫn sai.

Quý tộc nghĩa đen là dòng tộc cao quý. Ý chỉ “hậu duệ”. Ngày xưa khai quốc công thần hay họ hàng với vua thì được cắt đất phong tước. Tước ở đây là công hầu bá tử nam. Từ đấy, dòng dõi của họ sẽ được nhiều ân điển. Con cháu họ được sở hữu các mảnh đất và làm chủ, có người làm thuê và an hưởng lợi tức trên những điền sản này. Nói tóm lại là ăn lộc tổ tiên. Để trở thành quý tộc, yếu tố may mắn và di truyền đòi hỏi rất cao.

Quý tộc theo ý ta hay hiểu là những gì cao quý, cao đẹp. Hành vi thì tao nhã, hiểu biết thì sâu sắc và tâm hồn thì cao thượng. Thực ra đấy là người có văn hóa và được giáo dục tử tế. Chứ quý tộc thì phải gặp may, đẻ ra đúng dòng dõi mới tính là quý tộc.

Quý tộc là một sản phẩm của chế độ phong kiến. Đến một thời điểm thì khái niệm này trở nên lạc hậu và bị đào thải. Thay thế bằng những giá trị mới văn minh hơn, như là tự do, bình đẳng, bác ái vân vân và mây mây.

Nếu đã văn minh thì cần hiểu cho rõ quý tộc là gì. Để mình thấy không cần phải cho cái đó vào người. Mà nên xùy nó ra. Sống cho đơn giản và thực chất, biết đủ, thì đẹp đẽ hơn là màu mè hoa lá cành nhiều.

Cứ là mình thôi

Từ vải thiều, sang siêu thực phẩm và tới quý tộc. Bài này luyên thuyên gớm. Tôi thực ra muốn nhấn mạnh một việc, đó là hãy là chính mình. Đừng chạy theo số đông, đừng hóng hớt trào lưu và đừng thỏa hiệp với tính nguyên bản. Hãy lắng nghe trái tim mình, hiểu được những gì phù hợp với bản thân, và chỉ làm theo những lựa chọn hợp lý.

Với những giá trị vật chất, luôn có hấp lực nhất định nhưng niềm vui chúng đem lại là ngắn ngủi và đôi lúc cợt nhả. Chưa có thì mong, mới cầm lên tay đã chán.

Kiếp nhân sinh này chỉ để chạy theo thỏa mãn các giác quan thôi ư?

https://lifechange.vn/co-nha-hang-xom/