Làm sao để trở nên kỷ luật hơn

Làm sao để trở nên kỷ luật hơn

Tôi đã nói qua về kỷ luật, nhưng đó chỉ là một bài viết ngắn truyền cảm hứng. Trong bài viết này tôi sẽ nói chi tiết về cách phát triển sự kỷ luật bản thân.

1. Biết “điều gì quan trọng hơn”?

Thất bại lớn nhất tôi thường thấy trong nỗ lực đạt được kỷ luật tự giác của mọi người là họ thiếu tầm nhìn về việc họ muốn trở thành ai, họ muốn làm được gì và tại sao họ đang làm công việc hiện tại. Đầu năm mới ai cũng khai bút và đặt ra New Year resolutions của riêng mình, thường rất hoành tráng. Nhưng chẳng mấy chốc họ lại nhanh chóng quay về với những thói quen xấu. Nguyên nhân là do mọi người không dứt khoát vạch ra được một đường thẳng giữa việc nên làm, và việc không nên làm để đạt được mục tiêu của mình.

Thật không dễ để nghĩ, “Tôi sẽ ngừng ăn đồ ngọt.” Nhưng nó dễ dàng hơn nhiều nếu bạn nghĩ rằng, “Tôi sẽ không ăn đồ ngọt ngày hôm nay bởi vì tôi cần giảm 5kg”.

Bạn phải luôn ghi nhớ tại sao bạn lại ép mình vào những thói quen mới đầy khó chịu này. Trong từng khoảnh khắc, hãy tự hỏi mình, “Điều gì quan trọng hơn?” Ngủ hoặc dậy sớm tập thể dục. Ăn bánh ngọt hay ăn hoa quả. Uống thêm một li bia nữa hay về nhà. Làm cho xong việc hay lướt facebook.

2. Bạn có sự lựa chọn

Vẫn tiếp tục câu chuyện ở trên, trong một ví dụ khác:

Tôi đang ngồi trên ghế sa-lông. Chồng bát đĩa vẫn chưa được rửa. Tôi khá là muốn bếp núc gọn gàng nhưng vẫn chây ì không đứng dậy được. Ngoảnh đi ngoảnh lại tôi nhìn thấy cái điều khiển TV ở bên cạnh. “Thôi bật lên xem năm phút rồi rửa bát cũng được”, tôi tự nhủ. Vậy là tôi bật TV lên xem. Veo một cái, ba mươi phút trôi qua. Tôi vẫn thẫn thờ trước màn hình TV và chồng bát đĩa vẫn ê chề trong chậu, nhếch mép nhìn tôi cười ngạo nghễ.

Một câu chuyện rất quen thuộc phải không nào? Chúng ta luôn có sự lựa chọn: giữa lười biếng và chăm chỉ, giữa hành động và trì hoãn, giữa kỷ luật và dễ duôi buông bỏ. Cho dù bạn có lựa chọn không tốt, bạn phải nhớ đó chính là quyết định của riêng bạn và bạn chịu hoàn toàn trách nhiệm cho quyết định đó.

Kỷ luật không gì khác hơn là nhận thức về sức mạnh của sự lựa chọn cá nhân và nỗ lực đưa ra mọi quyết định nhỏ một cách đúng đắn. Chính những quyết định nhỏ cộng dồn lại giúp bạn hoàn thành mục tiêu lớn hơn. Và đó cũng là cách duy nhất để đi tới thành công. Mỗi lần thất bại trong lựa chọn là một lần bạn đi xa mục tiêu hơn, và ngược lại. Hãy ghi nhớ điều đó.

3. Đọc, xem, học

Bạn sẽ trở nên tự kỷ luật khi bạn quyết định sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để có được sự tự giác. Hãy đọc những cuốn sách, xem các video truyền cảm hứng trên YouTube. Khi bạn bắt đầu thực hành, hãy giữ cho sự nhận thức về việc thực hành kỷ luật được sắc bén. Điều này có thể có được nhờ những ví dụ mạnh mẽ vì ví dụ thì có tính hình ảnh cao và bộ não chúng ta thích ghi nhớ những câu chuyện như vậy. “Mài sắt nên kim” là một câu chuyện dễ ghi nhớ và phù hợp với trẻ em, người trưởng thành có thể sẽ cần những câu chuyện phức tạp hoặc cảm động hơn.

Nếu bạn luôn ghi nhớ về việc mình đang thực hành kỷ luật, việc tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

4. Hãy trung thực với bản thân

Kỷ luật tự giác, bản chất cuối cùng thực ra là về sự trung thực. Kỷ luật nghĩa là có một cái nhìn chính xác, sắc bén, kỹ càng về việc bạn là ai, bạn làm gì và bạn dành thời gian như thế nào. Đó chính là kỷ luật.

Kỷ luật không phải là trạng thái mơ ước bên ngoài, thanh tao, có tính giác ngộ hay bất cứ tính từ cao đẹp nào mà người ta thích ban cho nó. Nó đơn thuần là sự thành thật với chính mình trong khoảnh khắc tâm trí bạn lên tiếng, kiểu như, “Bạn biết gì không? Bản thân tôi biết tôi thực sự muốn ngồi ở đây và uống rượu đến 4 giờ sáng. Nhưng tôi cũng biết rằng mình nên ngưng lại, đi về nhà đánh một giấc thật đẫy và bắt đầu một ngày mới đầy sinh lực để kết thúc cái dự án chết tiệt này.”

5. Một vài ví dụ cá nhân

Ví dụ 1: Tôi có thói quen lên kế hoach làm việc và lưu trữ các kế hoạch này từ khi bắt đầu đi làm. Mỗi năm tôi tạo ra một file Excel, trong file đó mỗi tháng là một sheet. Trong mỗi sheet, ngoài cột đầu tiên ghi thời gian (thứ, ngày, tháng), là một cột ghi các công việc cần làm trong ngày theo trình tự quan trọng từ trên xuống dưới, cột bên cạnh là lịch họp nếu có. Tôi duy trì thói quen này được gần 15 năm và tôi có thể quay trở lại xem bất cứ một ngày nào và biết tôi đã làm gì, hoặc đã không hoàn thành việc gì. Tôi luôn bắt đầu ngày mới với việc lên kế hoạch cho ngày hôm đó, và có thể vài ngày tới nữa. Đó là một sự tự giác tôi rèn luyện được sau khi ra trường. Việc này tôi sẽ duy trì tới khi không đủ minh mẫn để làm nữa.

Ví dụ 2: Khi còn học cấp hai, tôi đã thi tốt nghiệp khá tệ. Tôi suýt trượt nguyện vọng một và phải học một trường cấp ba hạng bét ở Hà Nội. Nhờ vào sự may mắn, tôi vẫn đỗ được vào một ngôi trường chuyên, nhưng đó thực sự chỉ là sự may mắn. Đề thi toán có câu số học khá phức tạp và tôi lại giỏi số học hơn đại số. Trời vẫn còn thương.

Cũng trong năm đó tôi có thi học sinh giỏi Hoá và hoàn thành bài thi sớm 45 phút. Kết quả tôi chỉ được 12/20 điểm, tay trắng ra về. Cô chủ nhiệm còn tặng tôi thêm vài lời đá xéo mà tới giờ tôi vẫn còn ấm ức khi nghĩ lại. Tất cả đều do tính cẩu thả và tâm lý thi cử yếu ớt của một cậu bé 15 tuổi.

Tôi đã rút kinh nghiệm sâu sắc. Thi cử không phải chuyện đùa, ngoài kiến thức, thần kinh thép là một yếu tố hết sức quan trọng. Học tài thi phận là thứ dành cho các thành phần AQ thích tự an ủi phỉnh phờ trước sự thất bại của mình. Học phải là để thi, chỉ có thi là lần duy nhất được dùng để đánh giá kết quả của việc học. Xã hội này vận hành như thế và bạn cần tôn trọng điều đó.

Trong năm lớp 12, để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, cứ mỗi tuần tôi thức trắng một đêm để học bài, và ngày hôm sau tôi vẫn đi học như bình thường. Tôi tự hứa phải giữ thần kinh thật sắc bén cho dù cơ thể hết sức mệt mỏi. Cực đoan và trẻ con quá thể, thế nhưng kể từ đó, tất cả các kỳ thi (cho đến tận kỳ thi bằng lái xe B2 sau này hoặc kỳ thi tốt nghiệp khoá bắn cung cách đây vài năm), tôi vẫn luôn đạt thành tích gần như tuyệt đối. Tôi từ chối sai sót và sẵn sàng chuẩn bị tâm lý, thể lực, kỹ năng tới mức viên mãn nhất trước bất cứ một cuộc thi nào. Tôi tin vào định luật của Murphy: điều gì có thể gây ra sai sót, chắc chắn sẽ xảy ra. Vậy nên đừng cho phép sai sót có mặt, trong khả năng của mình.

Fact Vui: bọn tôi gọi cách dồn toàn lực để học trong một thời gian ngắn, chuẩn bị thật tốt và kỹ lưỡng như thế là đúc. Khi chúng tôi, dân trường chuyên đã quyết định đúc, không có chỗ cho sai lầm. VD như nếu phải thi TOEFL, tôi sẽ mua toàn bộ sách đề thi TOEFL ở phố Lý Thường Kiệt (hồi đó sách giáo dục ngoại văn hay bán khu vực đó) và giải đi giải lại cho tới khi thuộc hết tất các mẹo thi. Tương tự với thi đại học. Tất cả các dạng toán trong tất cả các cuốn bộ đề sẽ được giải hết. Thế cho nhanh. Thi đỡ phải nghĩ nhiều.

https://lifechange.vn/lam-sao-de-ky-luat/