Bạn có nhớ hồi bé (hay ngay cả bây giờ) chúng ta hay lấy cái màng quấn bong bóng để vận chuyển đồ dễ vỡ ra bấm lách tách cho vui không? Ban đầu chỉ lỡ bấm một cái, rồi thành ra ngồi bấm say mê nửa tiếng đồng hồ. Pop Its là trò chơi bấm bóng nhưng được làm từ cao su, và bóng sẽ không vỡ. Bạn bấm hết rồi lật ngược mặt kia, bấm lại từ đầu. Bạn có thể bấm mãi, bấm mãi. Bấm tới chán thì thôi.
Pop Its bắt đầu viral (phát tán rộng rãi) từ trong dịch Covid, đặc biệt thông qua mạng xã hội TikTok. Trong năm 2019, FoxMind – công ty đầu tiên tạo ra Pop Its – đã bán được 700.000 sản phẩm. Trong giai đoạn 2020-2021, FoxMind bán được 7 triệu sản phẩm, thành công được David Capon, chủ tịch của FoxMind, ví như một vụ nổ hạt nhân.
Từ năm 2017, các fidget toy (trò chơi giết thời gian cho người mắc chứng hồi hộp, bồn chồn) bắt đầu trở nên thời thượng, khởi đầu từ con quay fidget spinner.
Hồi bé, tôi cũng trải qua các giai đoạn chơi trào lưu như là chơi bi, ném ảnh, bắn chun, chơi quay, súng bắn đạn nhựa… Nên tôi rất hiểu sự hấp dẫn và sức ảnh hưởng của các đợt “mốt” ngắn hạn rộ lên này. Cứ tự nhiên chúng xuất hiện khắp nơi rồi vài tháng sau chúng lại biến mất, nhường chỗ cho một món mới. Mình mà không chơi thì rất nhà quê, không cập nhật. Thế nên nhìn lũ trẻ phát rồ vì Pop Its, tôi thấy cũng bình thường. Hết Pop Its rồi sẽ tới Pop This hay Pop That thôi. Không có gì lạ cả.
Thành công của Pop Its cho thấy một ý tưởng cho dù mới nghe rất ngớ ngẩn, nhưng nếu gặp đúng thời điểm (như game Flappy Bird ngày xưa) thì vẫn có thể thành công rực rỡ.
Vấn đề bắt đầu nảy lên từ chỗ, trong bài báo này viết về Pop Its, có hai cô bé 11 tuổi được nêu tên, Madison và Sage. Madison sở hữu 145 món fidget toy và nói Pop Its giúp cô “giảm stress”. Còn Sage thì nói rằng Pop Its giúp cô bé “tập trung hơn”.
Với tôi, việc một đứa bé sở hữu 145 món đồ chơi có phần ngớ ngẩn này là không bình thường chút nào cả. Và nếu dùng Pop Its để tập trung hơn thì điều này thực sự có vấn đề.
Tôi nghĩ bấm lách tách có thể giúp một đứa bé hai, ba tuổi bị tăng động tập trung, chứ một thiếu niên 11 tuổi nên học vẽ, đánh cờ hay đọc sách để rèn tính tập trung. Nếu là chơi thì có thể chơi Lego, Rubik hay Yoyo, một cái gì đó hấp dẫn, thử thách và xứng đáng với thời gian bỏ ra hơn.
Nhưng thôi, tôi không phải là một nhà giáo dục chuyên nghiệp. Tôi chỉ nêu lên để mọi người lưu tâm hơn về con mình. Trẻ con thì có sự ngốc nghếch của trẻ con, điều ấy đôi lúc cũng rất đỗi bình thường.
Tôi quay lại với người lớn.
Liệu việc dành hàng giờ đồng hồ lướt TikTok, Facebook, Instagram, Youtube, chơi game, nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, chat chit cả ngày, có phải là một Pop Its của người lớn?
Chúng cũng vô bổ, chẳng chứa đựng bài học gì, thậm chí còn rút đi sinh lực và đam mê cuộc sống. Buồn thay chúng ta vẫn cứ đắm chìm vào chúng mãi, hoặc do bị Dopamine điều khiển, hoặc vì thế giới bên ngoài quá buồn chán và ta cần một chỗ trú ẩn?
Cuộc sống rất ngắn ngủi. Chớp mắt một cái là đã sang nửa bên kia sườn dốc của cuộc đời. Điều đáng sợ nhất là khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta nhận ra mình đã không làm được gì.
Đừng để phải hối tiếc sau này.
Không có giấc mơ nào là quá lớn để theo đuổi. Hãy theo đuổi những gì lớn lao, vĩ đại, có ý nghĩa, tràn đầy khát khao và mục đích sống. Những gì khiến bạn sởn gai ốc khi nghĩ tới. Những gì khiến bạn phải ngồi bật dậy mỗi sáng để lao vào thực hiện. Những gì khiến bạn trăn trở hằng đêm.
Sống như thế mới đáng sống.
Đừng để cuộc sống của mình toàn những “Pop Its”.
Đừng để phải hối tiếc một lần nào nữa, vì bạn xứng đáng với những điều kỳ diệu hơn.
https://lifechange.vn/pop-its/