Muốn nhanh, đừng mắc lỗi

Tôi rất thích câu nói của Lincoln về việc chuẩn bị cho một công việc: Nếu cho tôi 6 giờ để chặt cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu. Không biết ông có nói câu này thật hay không, nhưng ý nghĩa của nó thì quá tuyệt. Thành quả tốt chỉ có thể đến từ sự chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng.

Sau nhiều năm tham gia sản xuất phần mềm, tôi học được nhiều điều về năng suất và chất lượng. Một trong những điều tôi tâm đắc nhất có thể bổ sung thêm cho câu nói của Lincoln, đó là “muốn nhanh đừng mắc lỗi“.

Nghe thì có vẻ nghịch lý nhỉ. Thường muốn nhanh ta phải mạnh dạn làm nhiều và sẵn sàng mắc lỗi. Sau đó sẽ quay lại đi vào chi tiết, và chỉnh sửa sau. Có phải như vậy sẽ tốt hơn?

Hiểu về lỗi

Đầu tiên bạn phải hiểu thế nào là lỗi. Lỗi có lỗi lớn và lỗi nhỏ. Lỗi nhỏ là lỗi vặt vãnh không gây ảnh hưởng nhiều đến kết quả công việc. Giống như nấu ăn xong mà quên rắc hành lá lên trên. Lỗi lớn là lỗi trọng yếu làm hỏng hoặc gây trì hoãn công việc. Giống như nấu cơm bị khê. Lỗi nhỏ sửa được ngay. Lỗi lớn khéo không sửa được, phải đập đi làm lại từ đầu.

Lỗi không đơn thuần chỉ là… lỗi. Phải hiểu lỗi là thất thoát (waste) vì vài lý do quan trọng sau đây:

  • Lỗi có thể khiến chuỗi công việc bị ngưng trệ. Nhiều công việc và cá nhân sẽ có thể bị ảnh hưởng, gây lãng phí nhân sự và tiền bạc. Giống như nấu cơm khê thì anh giao hàng cũng phải chờ cơm mới nấu lại thì mới đem giao cho khách được.
  • Lỗi sẽ mất thêm thời gian để khắc phục. Giống như hành thái to quá, thì phải thái nhỏ lại, một lần nữa.
  • Trong trường hợp xấu nhất, lỗi trầm trọng có thể gây ra thiệt hại rất lớn. Giống như ông đầu bếp gây hoả hoạn do bất cẩn.

Không mắc lỗi lớn

Đầu tiên phải như Lincoln nói, bạn không được lao vào chặt cây ngay, cần phải mài rìu trước đó. Nghĩa là phải tư duy về việc sẽ làm, vạch ra hết các khả năng, biết được ưu và nhược điểm. Sau đó mới bắt tay vào làm.

Nói cách khác, phải tiếp cận về vĩ mô trước để có cái nhìn tổng quan. Với mỗi lựa chọn phải hiểu rõ tại sao mình chọn đi theo hướng này và rủi ro của nó. Rồi ta mới đi vào chi tiết.

Làm như thế khó mắc lỗi lớn.

Không mắc lỗi nhỏ

Muốn không mắc lỗi nhỏ, phải cẩn thận. Người cẩn thận thường sẽ làm tử tế. Làm xong họ sẽ kiểm tra lại. Tới khi tự hài lòng họ mới coi là xong và bàn giao cho bộ phận khác.

Để ít sai, bạn không làm khác được. Vẫn phải làm cẩn thận chứ không có mẹo gì cả. Trước khi làm phải nghĩ là mình sẽ làm cẩn thận vì nếu không thì mình sẽ phải làm lại. Như thế thì càng mất thời gian. Việc càng ghét mình lại càng làm cẩn thận để đỡ phải làm hai lần. Tập nghĩ như thế nhiều thì tính dần sẽ đổi. Làm gì cũng thong thả hơn, nhưng thực tế lại tăng năng suất.

Bạn phải nhớ, người làm việc giỏi có chất lượng công việc cao và anh ta không mất nhiều thời gian để làm đi làm lại. Làm cẩn thận sẽ giải quyết cả 2 mặt: số lượng và chất lượng. Đừng nghĩ làm ẩu thì mới nhanh. Nhanh mà bị trả lại thì cũng vứt đi thôi.

Hơn nữa, người làm cẩn thận, đủ kỹ thì các suy nghĩ tối ưu hóa có cơ hội phát sinh. Anh ta sẽ luôn tìm ra cách làm thông minh hơn sau mỗi lần thực hiện công việc.

Cuối cùng, cẩn thận không phải là chi li. Hai khái niệm này khác nhau hoàn toàn. Cẩn thận nghĩa là thái hành lá với ý thức thái cho đều, độ dài vừa phải, phù hợp với món ăn. Chi li nghĩa là mong muốn từng cọng hành lá được thái dài đúng 2mm chẳng hạn. Điều đó không ổn. Bạn sẽ bị ám ảnh với sự hoàn hảo. Đừng trở nên như vậy. Điều đó chỉ làm khổ mình và người xung quanh.

https://lifechange.vn/dung-mac-loi/