Thử bỏ đi những thứ thừa thãi, như là Facebook

Khi ai đó nói với bạn: “Hãy bỏ Facebook đi”. Viễn cảnh đó mới thật ghê gớm và đáng sợ làm sao. Không có Facebook thì làm sao cập nhật được tin tức bạn bè, làm sao có chỗ để mà đưa ảnh tường thuật các sự kiện đời mình lên, làm sao có chỗ lưu trữ thông tin và chia sẻ để mọi người cùng xem được. Không có Facebook thì làm sao mà sống được.

Có thật thế không?

Tôi là một người dùng Facebook vừa phải. Trung bình một hoặc hai tuần tôi mới đăng một dòng trạng thái. Tôi cũng thích và tương tác với các bài viết tôi cảm thấy thú vị và bổ ích, đôi khi để lại một vài lời bình luận ngắn gọn. Tôi tham gia một số nhóm liên quan và thi thoảng trao đổi trên đó giới hạn. Nhìn chung là không nhiều hoạt động, không quá lậm Facebook, có thể nói là khá bảo thủ với môi trường trực tuyến.

Dù ở mức hoạt động kém sôi nổi như thế, tôi phát hiện ra mình vẫn bị một thói quen tự động bật Facebook lên trong lúc không làm gì, nhiều lần trong ngày, thiếu kiểm soát. Kiểu như đi uống cafe không có gì làm, bật facebook lên lướt lướt chỉ để thấy những tin cũ mà mình mới xem tầm 20 phút trước.

Chắc bạn hiểu ý tôi. Chúng ta cứ vuốt ve cái điện thoại với hy vọng có một cái gì đấy mới sẽ nhảy ra, thu hút sự chú ý ngắn ngủi của chúng ta trong 30 giây, rồi lại quay trở lại trạng thái nô lệ chán nản và tiếp tục chờ đợi.

Ngẫm lại thì điều đó khá quái đản, thậm chí hơi kinh dị là đằng khác.

Nếu bạn có thời gian đi dạo quanh các quán cafe hay đi bộ ngoài đường nhìn người dân sinh hoạt, bạn sẽ thấy một sự thật khá rợn người. Toàn bộ xã hội đã bị cuốn vào cái màn hình chữ nhật nhỏ xíu gọi là điện thoại thông minh ấy từ khi nào không hay. Nó lấy trọn thời gian của mọi người trong ngày, dù những giây phút nghỉ ngơi quý báu giữa giờ làm việc.

Điều này không quá khó hiểu. Elon Musk đã từng mỉa mai các kỹ sư Facebook chỉ biết dành hết chất xám khiến người xem nhấn vào quảng cáo. Còn kinh khủng hơn thế nữa, các công nghệ thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn của Facebook chỉ được tạo ra với một mục đích duy nhất: giữ bạn ở lại Facebook càng lâu càng tốt. Nó sẽ đưa cho bạn những loại thông tin bạn thích tương tác nhất, cho bạn những công cụ để tương tác dễ dàng nhất, tự làm mới với những tính năng như tân kỳ nhất (Stories, Live Stream…) Tất cả chỉ để bạn tiết ra hormone Dopamine và nghiện Facebook như một con bạc lâu năm vậy.

Bạn bị kéo chìm vào vũng bùn này chậm rãi, từ từ tới mức bạn không hề nhận ra Facebook và Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu, đã trở thành ma túy cho cuộc sống của bạn, vợ hoặc chồng bạn, con cái bạn. Tới một ngày khi đã là con nghiện nặng, không có điện thoại thông minh khiến bạn bồn chồn, bứt rứt và thực sự không biết phải làm gì để thời gian trôi qua cả.

Liệu chúng ta có cần Facebook / MXH?

Ông bà của chúng ta không cần, thì có lẽ chúng ta cũng không cần lắm.

Suy đi nghĩ lại thì nó là thứ đáng sợ nhất của thời đại này. Không có một phát minh nào có thể thay đổi hành vi ứng xử của loài người nhanh như MXH. Đây là kênh khuếch trương cái tôi, và làm méo mó nhận thức cá nhân về thực tại mà chúng ta đang sống một cách kinh khủng nhất.

Tại sao lại khuếch trương cái tôi? Đã bao giờ bạn chứng kiến một người chụp hàng trăm tấm ảnh tự sướng hàng ngày và đăng tải chúng không biết mệt mỏi chỉ để người khác thán phục bản thân mình như thời đại ngày nay chưa? Ở mức “thâm thúy” hơn thì là những câu khoe mẽ tinh tế kiểu lợn cưới áo mới, nhưng đều nhằm mục đích thỏa mãn cái tôi cả. MXH là phương tiện và cũng là cứu cánh cho những hành vi này.

Còn việc làm méo mó nhận thức, đó là vì chúng ta không được chứng kiến những con người trọn vẹn trên MXH mà chỉ nhìn thấy cái khoảnh khắc họ muốn khoe lên. Điều đó khiến cái nhìn về cuộc sống bị méo mó và sai lầm. Chúng ta chỉ nhìn thấy những gì hào nhoáng phô trương mà không thấy những gì bị ẩn giấu hoặc mặt trái của câu chuyện. Rất nguy hiểm nếu cứ thế làm theo hoặc bị nó đầu độc tâm thức.

MXH có thể đáp ứng một số nhu cầu giao tiếp chia sẻ thông tin, nhưng không có nó chúng ta vẫn sống khỏe. Tôi mạnh dạn khẳng định, MXH là chất độc mà bạn nên hạn chế càng nhiều càng tốt.

Bỏ Facebook sẽ như thế nào?

He he, đơn giản là bạn sẽ được quay lại sống hơi giống với thời 15 năm trước. Nghĩa là vào khoảng những năm 2006 khi Facebook chưa phổ biến ở Việt Nam.

Yên tâm, bạn sẽ không chết đâu. Mà còn sống khỏe nữa là khác.

Đầu tiên bạn sẽ học lại được một kỹ năng mà ông cha ta rất thuần thục, đó là kỹ năng giết thời gian. Các thú vui để tiêu khiển trong tiếng Anh gọi là pastimes. Nghĩa là làm cho thời gian trôi đi. Bạn sẽ bắt đầu đọc sách, nấu ăn, trồng hoa, pha trà, tập thể thao và làm những thứ mà Facebook đã lấy mất của bạn.

Hoặc đơn giản hơn, bạn sẽ được NÓI CHUYỆN thật sự với người đối diện mình thay vì nhìn vào màn hình. Bạn sẽ hứng thú hơn khi gặp gỡ bạn bè vì bạn thực sự không biết được chút nào tình hình của họ. Thật là lý thú và có nhiều câu chuyện để hỏi han trao đổi, chứ không phải chỉ có một phiên bản cập nhật méo mó không trọn vẹn cuộc sống của nhau trên MXH.

Sau đó, bạn sẽ thấy là đầu óc bạn ít bị tiếp nhận thông tin vô bổ hơn, khả năng tập trung tốt hơn và bạn sẽ dần học được cách đào sâu vào các vấn đề thay vì chỉ lướt qua chúng. Facebook và MXH huấn luyện bạn cách xem thật nhiều thông tin, thật nhanh, và thật qua loa. Bỏ được chúng, bạn sẽ dần bỏ các thói quen xấu này; vốn là một vấn đề rất đau đầu với thế hệ Gen-Z mà các nhà tuyển dụng đang gặp phải (sự mất tập trung trong công việc).

Nếu kết hợp bỏ MXH với việc không dùng điện thoại trước khi ngủ, bạn sẽ cải thiện sức khỏe rất đáng kể vì thần kinh bạn đã đỡ căng thẳng rất nhiều do không bị quá tải thông tin. Giấc ngủ sẽ trở nên sâu hơn và khi thức dậy thì thật sảng khoái. Nội tạng của bạn được nghỉ ngơi đúng và đủ, giúp bạn tránh được các bệnh mãn tính sau này.

Quan trọng nhất, bạn đã dám có một quyết định rất mạnh dạn và đi ngược lại với số đông. Chúc mừng bạn, người như thế có nội tâm rất mạnh mẽ. Bạn thật đặc biệt!

Lộ trình bỏ Facebook

Đầu tiên bạn có thể tải các tài liệu có trên Facebook về máy để lưu trữ (hình ảnh, ghi chú).

Sau đó bạn nên Deactivate Facebook và giữ lại Messenger vì một số phần Chat vẫn còn nằm ở đây.

Khi dùng Messenger bạn có thể khuyến khích mọi người chuyển sang 1 kênh chat khác mà không liên quan nhiều tới MXH như Viber, Whatsapp, Telegram… rồi bỏ luôn Messenger.

Còn không bạn có thể cứ tiếp tục sử dụng Messenger và để Facebook trong trạng thái Deactivated.

Riêng với các ứng dụng Chat, hãy tắt bớt thông báo (Mute Notifications) đặc biệt ở các nhóm chat để không bị làm phiền không mong muốn.

Youtube theo tôi dùng để nghiên cứu hoặc học hỏi kiến thức thì rất hay, nhưng nên tránh sử dụng vì mục đích giải trí và nhất là trước khi đi ngủ, rất hại thần kinh, gây nghiện còn hơn cả Facebook.

Bạn nên đọc thêm bài Thay đổi một thói quen để học cách rèn luyện các thói quen tốt và bỏ đi các thói quen xấu. Đây là một phương pháp rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Với phương pháp này tôi đã bỏ được: bia rượu, thuốc lá, Facebook và Youtube.

https://lifechange.vn/bo-facebook/