Người Nhật với Kaizen, Wabi Sabi và Ikigai

Người Nhật có một sự tự hào dân tộc và khả năng chinh phục văn hoá đáng kinh ngạc. Mặc dù là một ngôn ngữ không phổ biến như tiếng Anh, Tây Ban Nha hay Trung Quốc; rất nhiều thuật ngữ của người Nhật được sử dụng phổ biến và thậm chí còn được dùng để thay thế từ bản xứ, pha chút tự hào của chính người nói khi thể hiện kiến thức liên quan tới những thuật ngữ này.

Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu 3 khái niệm này:

Kaizen – không ngừng cải tiến

Kaizen là một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ 改 (“kai”) có nghĩa là thay đổi và từ 善 (“zen”) có nghĩa là tốt hơn, tức là thay đổi để tốt hơn hoặc cải tiến liên tục. Tại Nhật Bản, Kaizen đã có lịch sử hơn 50 năm và Toyota là công ty đầu tiên triển khai Kaizen. Trước kia, Kaizen chủ yếu được áp dụng trong các công ty sản xuất như Toyota, Canon, Honda… Sau đó, Kaizen được áp dụng rộng rãi trong mọi công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và hiện nay, hầu hết các công ty của Nhật đều đang thực hiện Kaizen. Triết lý này không chỉ giới hạn trong ngành sản xuất mà còn có thể áp dụng được trong ngành dịch vụ, kinh doanh bán lẻ hay giáo dục.  Triết lý này cũng đặc biệt thích hợp khi áp dụng vào sự phát triển bản thân.

Wabi Sabi – vẻ đẹp không hoàn hảo

Có nguồn gốc từ Phật giáo, Wabi Sabi (侘び寂び) là cảm quan về cuộc sống, đồng thời là một quan điểm mỹ học chi phối tư tưởng của nhiều loại hình nghệ thuật của người Nhật. Đây là một cụm từ không khó để giải nghĩa, nhưng để thấu hiểu và thấm nhuần tư tưởng nó thể hiện thì ngay cả người Nhật cũng cần nhiều thời gian.

Wabi (侘), từ Hán Việt đọc là , được định nghĩa là ý thức tìm kiếm cảm giác đủ đầy về tâm hồn trong sự túng thiếu, nghèo khổ. Từ này bắt nguồn từ động từ Wabu (侘ぶ) bao gồm các nghĩa là thất vọng, buồn phiền, đau khổ, sống cuộc sống nghèo nàn, tận hưởng sự tĩnh lặng, tha thứ…

Sabi (寂), từ Hán Việt đọc là Tịch, được định nghĩa là vẻ đẹp toát ra từ sự điềm nhiên, tĩnh lặng. Bắt nguồn từ động từ Sabu (寂ぶ) có nghĩa là sự hư hỏng dần theo thời gian.

Trải qua nhiều định nghĩa, thay đổi và được hoàn thiện bởi Matsuo Basho, quan điểm mỹ học Wabi Sabi ngày nay có thể hiểu là sự cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảokhông vĩnh viễn và không trọn vẹn, vốn là ba tính chất hiển nhiên của cuộc sống.

Thời gian trôi đi, vạn vật tuy tàn phai, hao mòn nhưng lại tích lũy khí chất, đó là vẻ đẹp cốt lõi của sự sống, của thời gian và là vẻ đẹp không gì có thể sánh bằng.

Vì lẽ đó, sống theo tinh thần Wabi Sabi cũng có nghĩa là hiểu trên đời không có thứ gì hoàn hảo, để từ những khiếm khuyết mà tìm ra điều tốt đẹp. Wabi Sabi giúp bạn tối giản hóa cuộc sống bởi thay vì đau khổ với những nỗi bất hạnh, bạn sẽ biết trân trọng những thứ được sinh ra từ bất hạnh ấy. Cũng giống như nghệ thuật dùng vàng để hàn gắn đồ gốm đã vỡ – Kintsugi, người Nhật quan niệm chính nhờ sự đổ vỡ này mà món gốm đã trở nên đặc biệt hơn với những vết nứt cá tính, chỉ riêng nó mới sở hữu.

Ikigai – lẽ sống

Ikigai là một quan niệm sống của người Nhật, nghĩa đen là lẽ sống. Tìm kiếm Ikigai là hành trình tự nhận thức bản thân. Theo người Nhật, cuộc sống có Ikigai sẽ mang lại sự hài lòng và ý nghĩa cho mỗi người.

Ikigai chính là lý do bạn thức dậy mỗi sáng và tận hưởng cuộc sống. Cụm từ Ikigai chỉ giá trị sống của mỗi đời người cũng như tinh thần làm việc không phải vì lợi ích kinh tế hay địa vị xã hội. Trong cuốn sách “Bàn về lẽ sống” (Ikigai ni tsuite) xuất bản năm 1966, nhà tâm lý học Mieko Kamiya giải thích:

“Ikigai rất giống với hạnh phúc nhưng có một sự khác biệt tinh vi về sắc thái. Hạnh phúc là cảm giác nhất thời nhưng Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại”.

Người Nhật tin rằng việc tìm thấy và tận hưởng những niềm vui nhỏ thường ngày sẽ giúp bạn có cả cuộc đời trọn vẹn. Thậm chí ngay cả khi đang ở trong một tình cảnh khó khăn nhưng một người có mục tiêu để phấn đấu sẽ cảm nhận được Ikigai. Những việc làm khiến họ cảm nhận được Ikigai không phải những việc mà họ bị bắt buộc phải làm mà chính là hành động tự giác xuất phát từ nhu cầu của bản thân.

Vì sao những thuật ngữ này được biết tới rộng rãi?

Rõ ràng 3 thuật ngữ trên dùng để miêu tả những khái niệm hết sức tích cực, nhân văn và đẹp đẽ. Tuy nhiên những thuật ngữ này cũng không quá khó để dịch sang các ngôn ngữ khác. Với tiếng Việt thì tôi đã dịch ở trên mỗi tiêu đề; nếu là tiếng Anh, Kaizen có thể dịch là continuous improvements, Wabi Sabi là imperfection hoặc impermanence, Ikigai là life purpose.

Vậy tại sao những thuật ngữ này lại được mọi người thích sử dụng trực tiếp mà không dịch sang ngôn ngữ của mình?

Cá nhân tôi thấy lý do nằm ở chỗ người Nhật đã biến những thuật ngữ trên thành những lối sống đích thực, đầy đam mê và có sức ảnh hưởng lớn lao. Họ có một sự cam kết nghiêm túc với những lý tưởng sống này và giúp chúng bộc lộ vẻ đẹp trọn vẹn nhất thông qua cách sống của mình. Họ đào sâu và tìm ra những khái niệm mới lạ và đặc sắc, phát triển chúng thành những hệ tư tưởng có khả năng thay đổi một tập đoàn, hay thậm chí cả một quốc gia. Họ khiến bạn bè quốc tế phải tìm hiểu, phải làm theo thử và rồi say mê những lý tưởng này từ khi nào không hay.

Tôi rất ấn tượng một chương trình truyền hình thực tế ở bên Nhật. Mỗi kỳ của chương trình này sẽ giới thiệu một nhân vật xuất sắc trong lĩnh vực của mình. Một kỳ có thể là về anh thợ mộc, một kỳ khác là về chú giao báo hay chị bán tạp hoá. Điều đặc biệt là tất cả mọi người đều được giới thiệu bình đẳng và được tôn trọng như nhau, không phân biệt sang hèn. Các nhân vật sẽ lần lượt giới thiệu về nghề của mình và chia sẻ cách họ tư duy để hoàn thành công việc thật xuất sắc, ngày hôm sau tốt hơn ngày hôm trước.

Điều đáng nhớ nhất là mọi người vô cùng tự hào khi nói về công việc của mình. Đôi mắt họ luôn long lanh rực sáng và giọng nói sang sảng tràn đầy năng lượng. Đó là những con người thực sự hạnh phúc.

Tôi nghĩ đó là cách người Nhật quảng bá văn hoá của họ: bằng sự chân thành, niềm đam mê, tình yêu lao động, sự trân trọng những giá trị cá nhân, và luôn hiện thực hoá bằng hành động. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ những điều này.

Nguồn tham khảo:

http://www.kilala.vn/emagazine/3-triet-ly-song-kinh-dien-cua-nguoi-nhat-ban.html
http://hirayamavietnam.com.vn/kaizen-su-cai-tien-lien-tuc-cua-nguoi-nhat/

https://lifechange.vn/kaizen-wabisabi-ikigai/