Trong cuộc sống, dù là người khép kín nhất, chúng ta cũng sẽ có lúc gặp phải điều tiếng thị phi. Ở mức độ nhẹ nhất, đó là những lời khen chê, phán xét lệch lạc, không đúng với sự thật.
Nếu bạn không biết phải ứng xử như thế nào khi vô tình lâm vào hoàn cảnh này, hãy thử cùng tôi đọc một câu chuyện thiền ngắn dưới đây.
Thiền sư Nhật Bản Hakuin Ekaku (1686-1768) hay còn gọi là thiền sư Bạch Ẩn, là một vị sư đạo hạnh khiêm nhu, lối sống giản dị, thanh tịnh.
Cạnh thiền tự nơi ngài sinh sống có một gia đình làm nghề buôn bán. Một ngày nọ, gia nhân bất ngờ phát giác cô con gái trong nhà có thai mà không biết cha đứa trẻ là ai. Bị người nhà đánh đập dọa nạt, cô gái khai rằng đã tằng tịu với Sư Hakuin và cái thai này là con của ông. Gia đình vô cùng tức giận, lên chùa bắt Sư Hakuin phải chịu trách nhiệm với con gái mình. Nhà sư nghe xong câu chuyện chỉ nói hai từ: “Thế à!”
Cô gái sinh con xong, đứa bé sơ sinh liền được mang tới nhà chùa. Sư Hakuin ẵm đứa trẻ đi khắp nơi xin sữa, xin vật dụng áo quần từ các gia đình trong làng. Ông chăm sóc đứa bé tận tụy như một người mẹ chăm nom đứa con duy nhất. Lúc này, danh dự của nhà sư bị tổn hại nghiêm trọng nhưng trước những câu hỏi cạnh khóe, ngài chỉ trả lời bằng hai chữ: “Thế à!”
Càng lớn đứa trẻ nhìn càng không giống nhà sư, cả làng lúc này mới xì xào rằng hình như ông bị oan. Đến khi không thể giấu nổi sự việc nữa, cô gái khóc lóc quỳ lạy xin Sư Hakuin tha thứ và thú nhận đứa bé là con anh hàng cá ở ngoài chợ. Lúc này Thiền sư Hakuin chỉ đáp: “Thế à!”. Rồi ông trao lại đứa bé cho cô gái, quay lại thiền tự sống.
—
Câu chuyện này mới nhìn qua thì thấy thật ngắn ngủi và đơn giản. Thế nhưng nếu bạn thử đặt mình địa vị của sư Hakuin, phần nào bạn mới cảm nhận được đạo hạnh thâm sâu của ngài.
Là một vị thiền sư cao quý, việc tồi tệ nhất có thể xảy ra với danh tiếng của ngài là bị mang danh sư hổ mang. Từ một người được trọng vọng, gia đình cô gái biến ngài trở thành kẻ phá giới, đạo đức thấp kém. Hãy tưởng tượng bạn là một nhân viên chăm chỉ và toàn tâm toàn ý với công ty. Rồi một ngày sếp bạn thông báo với toàn thể nhân viên là bạn bị đuổi việc vì lười biếng và bán đứng các bí mật kinh doanh. Câu chuyện của sư Hakuin còn tệ hơn như vậy nhiều. Và ngài chỉ thản nhiên “Thế à!”, chấp nhận sự vu khống này.
Tiếp theo đó, việc cưu mang một em bé sơ sinh là một trách nhiệm vô cùng lớn lao cả về mặt vật chất và tinh thần. Nếu bạn đã có con, bạn sẽ hiểu việc nuôi một sinh linh lớn lên là khó khăn như thế nào. Đàn ông thì không thể có sữa. Do vậy ngài Hakuin phải lầm lũi mỗi ngày đi xin sữa cho em bé trong tiếng xì xào bàn tán của bia miệng người đời. Việc này đã là vô cùng khó khăn với người thường, huống chi là với một vị xuất gia. Ngày qua ngày ngài phải chịu đựng nỗi nhục nhã này và kham nhẫn những câu hỏi cạnh khóe của thiên hạ.
Cuối cùng, có lẽ không thể chịu nổi những sự vô lý nghiệt ngã này, cô gái đã quyết định giải oan cho sư Hakuin. Sự tuyệt vời nhất của sư chính là ở câu trả lời “Thế à!” đầy thản nhiên này, khi danh dự của sư được làm trong sạch trở lại. Nếu sư trách móc, khuyên giải, dạy dỗ hoặc có bất cứ động thái nào, điều ấy chứng tỏ nội tâm của sư có sự dao động. Nhưng được minh oan hay không với sư không quan trọng. Chúng không còn chạm được đến sư nữa.
Đức Phật có dạy rằng, có tám ngọn gió thế gian là: được, mất, vinh, nhục, khen, chê, sướng và khổ. Chúng đến và đi ngoài sự mong muốn của chúng ta, và đầy rẫy phiền não. Nếu dính mắc vào chúng, ta sẽ đánh mất sự bình yên của tâm hồn.
Khi mất, đừng buồn. Khi được, cũng đừng vui.
Nếu vui khi được, thì sẽ buồn khi mất.
Chỉ “Thế à!”, là đủ.