Sự hồi tưởng

Vậy là năm Covid thứ hai sắp khép lại. Thời điểm cuối năm luôn là thời gian phù hợp để nhìn lại những gì đã làm trong một năm vừa qua. Hôm nay tôi muốn chia sẻ về việc “nhìn lại” này.

Trong việc phát triển phần mềm, chúng tôi có một phương pháp phát triển nhanh, gọi là Agile Methodology. Về cơ bản, phương pháp này cho phép nhóm lập trình bắt tay vào việc sớm, vừa làm vừa điều chỉnh theo phản hồi của khách hàng hoặc thị trường.

Agile tin rằng việc lên kế hoạch tỉ mỉ ban đầu là không cần thiết. Một thiết kế hoàn chỉnh trước khi bắt tay thực làm sẽ bị lỗi thời và xa rời thực tế. Trong quá trình phát triển, các yêu cầu cũng như tiêu chí sẽ thay đổi khi phần mềm dần hoàn thiện. Do tính thiết thực và đúng đắn về mặt phương pháp luận, phương pháp này ngày càng được áp dụng nhiều trên thế giới.

Chính vì việc phát triển “nhanh” và giảm bớt kế hoạch ban đầu, có một giai đoạn (sprint) rất quan trọng mà phương pháp Agile này nhấn mạnh. Đó là “Retrospective Sprint”, nghĩa là giai đoạn hồi tưởng, suy nghĩ lại.

Hoạt động chính của giai đoạn này bao gồm:

  • Liệt kê những gì đã làm tốt
  • Liệt kê những gì chưa làm tốt
  • Đề ra các cải tiến để làm tốt hơn
  • Lên kế hoạch áp dụng một số cải tiến cho giai đoạn sau

Tôi nghĩ rằng vô hình chung bất cứ khi nào chúng ta có thời gian hồi tưởng, chúng ta cũng đều áp dụng mô hình tư duy này. Tiếc rằng chúng ta hay bỏ lỡ cơ hội quý báu để có cái nhìn tổng quan như vậy.

Trên thực tế giai đoạn này chỉ kéo dài cỡ một buổi họp, nếu làm nhanh thì gói gọn trong một giờ đồng hồ. Nhưng không nhiều nhóm phát triển hay công ty thực sự coi trọng giai đoạn này. Thường những người thích đi vào chi tiết quá sớm thì dễ coi nhẹ nó. Đó là điều rất đáng tiếc vì giai đoạn này sẽ cung cấp định hướng vĩ mô chính xác cho các giai đoạn sau. Những điều chỉnh có tính chiến lược thường đem lại hiệu quả rất lớn.

Theo tôi, sự hồi tưởng là nền tảng cốt lõi để làm việc thông minh hơn.

Ở khía cạnh cá nhân, hồi tưởng cũng là khoảng thời gian quý báu cho phép ta nhìn nhận lại mình đang ở đâu, và cần thay đổi những gì. Đôi khi những câu hỏi tưởng chừng như rất dễ dàng, sẽ khiến bạn phải vắt óc suy nghĩ để trả lời.

Để tôi thử hỏi bạn vài câu nhé:

  • Điểm mạnh thực sự của bạn là gì?
  • Điểm yếu thực sự của bạn là gì?
  • Năm vừa qua, điểm mạnh này đã thể hiện như thế nào trong cuộc sống?
  • Năm vừa qua, điểm yếu này đã bộc lộ thiếu sót như thế nào trong cuộc sống?
  • Năm tới, bạn sẽ làm gì để phát huy điểm mạnh này?
  • Năm tới, bạn sẽ làm gì để khắc phục điểm yếu này?

Cũng không đơn giản lắm nhỉ? Còn mấy câu khù khoằm hơn, nhưng mà tôi sẽ để dành một dịp khác với một bài viết phù hợp.

Chúc bạn có một cái nhìn sáng suốt về 2021 và những sự chuẩn bị cần thiết cho năm Covid thứ ba.

https://lifechange.vn/su-hoi-tuong/