Trân trọng những khó khăn

Trong cuộc đời chúng ta, ai rồi cũng sẽ phải trải qua những giây phút khó khăn thất bại. Các thử thách lớn có thể khiến người ta thay đổi toàn diện theo 2 thái cực, hoặc là trở nên thông thái hơn, hoặc là trở nên u uất chua chát, mang theo những cảm xúc tiêu cực trong một thời gian dài.

Có một sự thật, đó là tất cả những người thành đạt và thông thái, đều trải qua thử thách và thất bại, không có ngoại lệ. Người ưu việt nhất trong một lĩnh vực thì thường là người thất bại nhiều nhất tại lĩnh vực đó. Họ trở nên ưu tú vì họ không bỏ cuộc.

Không bỏ cuộc nói thì rất dễ, nhưng làm lại rất khó vì thường chúng ta không biết cách không bỏ cuộc. Cách thông thường khi nghĩ tới không bỏ cuộc, đó là hãy gồng lên vận hết công lực để chiến đấu. Tôi gọi đây là con đường sức mạnh của các chiến binh. Nó có thành tựu, nhưng nó chỉ phù hợp với những người có tố chất chiến binh.

Với những người hoà bình hơn, nhiều tình yêu hơn, có một con đường dễ thở hơn – đó là con đường của trí tuệ và sự mềm dẻo. Đó là con đường của sự thấu hiểu. Đôi lúc để không bỏ cuộc chúng ta chỉ cần hiểu được: trở ngại không phải hòn đá chặn đường mà là bậc thang để chúng ta bước lên cao hơn. Trở ngại là yếu tố thiết yếu để dẫn tới thành công. Cần trân trọng trở ngại vì gặp được trở ngại là một điều vô cùng may mắn không phải ai cũng có được. Bạn hãy bắt đầu thử với tâm thế đó xem sao. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng.

Tất nhiên đó là lý thuyết. Còn cách thực hành sẽ do bạn chọn vì chỉ bạn mới là người hiểu mình nhất.

Dưới đây tôi sẽ chia sẻ cách tôi tìm ra và thực hiện được chân lý này.

Vốn là người kiêu ngạo và nhiều năng lượng, tôi thích và luôn chọn con đường của chiến binh, nghĩa là luôn lao lên chiến đấu với “đời” tới khi nào thắng cho kỳ được mới thôi, bất chấp các khó khăn thử thách là gì.

Nếu cảm cúm tôi nhất định sẽ không uống thuốc mà phải đánh nhau với con virus tới cùng không cần trợ lực cho dù mệt tới mấy. Và tôi gần như không chấp nhận uống thuốc giảm đau. Với tôi nó là một sự sỉ nhục với sức chịu đựng của mình.

Đấy, tôi là cái thể loại cứng đầu như thế đấy.

Cho đến một ngày cuộc đời buộc tôi phải học con đường còn lại. Đó là khi tôi đã mệt nhoài cả thân lẫn tâm, chẳng vắt ra nổi một chút sinh lực nào để kháng cự. Tôi đã chiến đấu ngoan cường, bằng đủ mọi cách mà não bộ mình có thể nghĩ ra, nhưng cuộc đời liên tục vùi dập cho tới khi tôi thất bại ê chề. Tôi thẫn thờ và chỉ còn biết đi lang thang khắp phố phường theo quán tính như một thây ma.

Tôi vào một quán cafe, gọi nước và chỉ biết ngồi thừ ra. Và tôi cứ ngồi im như thế, chẳng thiết làm gì. Cứ ngồi im. Mãi.

Tôi cứ ngồi như vậy thật lâu. Chẳng biết từ khi nào tâm tôi lặng xuống dần. Lặng tới mức tôi bắt đầu nhìn thấy bóng đèn phản chiếu trong ly nước trước mặt. Và những gợn sóng làm bóng đèn tan biến mỗi khi có gió quạt thổi qua.

Chính trong thời điểm đó có cái gì đó nhen nhúm lên ở bên trong. Và tôi bắt đầu hiểu được con đường thứ hai. Lúc đó tự nhiên tôi biết cách trân trọng những khó khăn ở trước mắt mình. Đó chính là món quà tuyệt vời của tạo hoá dành cho tôi mà luôn hằn học chống cự lại.

Lúc đó, tôi hiểu.

Kể từ lần ấy, mỗi khi có khó khăn tôi lại nhớ tới hình ảnh bóng đèn ở trong ly nước và con đường thứ hai, ngay lập tức tôi thấy biết ơn cuộc đời vì đã ban cho tôi những khó khăn trước mắt.

Cám ơn cuộc đời đã cho tôi được vấp ngã, được sai, và được hiểu.

https://lifechange.vn/tran-trong-kho-khan/