Hôm trước trong lúc đang viết bài về những lá số Tử Vi xấu thì tôi bị tắc lại khi tới lá số bệnh tật. Tôi có nhiều suy nghĩ nhưng không thể cô đọng lại được thành ngôn từ vì vấn đề này quá đặc biệt. Chỉ những người trải qua bệnh nan y hoặc đối mặt với cái chết mới có thể hiểu được sự tàn nhẫn của bệnh tật.
Tôi không hiểu điều đó trọn vẹn vì tôi vẫn đang khoẻ mạnh. Nhưng tôi đã có trải nghiệm ở gần những người thân trong lúc họ sắp chết: bác tôi, bà nội và bố tôi.
Tình cờ hôm nay tôi có thời gian đọc hết cuốn sách “Khi hơi thở hoá thinh không” của bác sỹ Paul Kalanithi kể lại trải nghiệm cái chết của chính bản thân mình, tôi quyết định sẽ kể lại một câu chuyện về bệnh ung thư. Tôi sẽ mô tả lại cái chết của một vị thầy tâm linh mà tôi có cơ hội được đồng hành trong suốt một thời gian dài – bố của tôi.
Vào khoảng giữa tháng 1/2016, tôi nhận được một cú điện thoại của bố tôi, ông bảo có việc gấp, muốn gặp tôi ngay. Giọng ông trầm buồn không như thường thấy, khiến tôi linh cảm có gì không hay. Tôi nghĩ ngay tới vấn đề sức khoẻ của ông. Tôi gặng hỏi nhưng ông thản nhiên bảo tôi nếu gặp ông được thì cố sớm. Tôi đặt vé bay về gặp ông ngay ngày hôm sau.
Tôi gặp ông tại căn hộ chung cư nơi ông đang sinh sống. Ông vẫn có vẻ khoẻ mạnh nhưng trong ánh mắt ông có chút lợn cợn. Ông bảo muốn gặp tôi vì có việc quan trọng. Ông muốn dạy lại cho tôi một số kiến thức cần thiết vì ông sợ những kiến thức này sẽ không được lưu truyền. Có thể ông sẽ không sống được lâu. Ông không nói trắng ra vì tôi với ông vốn kiệm lời, nói ngắn gọn, đủ để hiểu là được.
Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không quá bất ngờ. Không phải vì bố tôi đã lớn tuổi, hay vì tôi vô tâm hoặc không ưa gì ông. Đơn giản là vì tôi cũng trăn trở với cái chết nhiều nên phần nào trong tôi chấp nhận cái chết như một đích đến hiển nhiên của mỗi con người – điều quan trọng là cách chúng ta đối mặt với cái chết, chứ còn cái chết thì chẳng có gì để bàn cãi.
Vì con đường tâm linh khác nhau, tôi ậm ừ nghe cho có những gì ông giảng dạy, không nhập tâm. Cũng là một sự đáng tiếc sau này – nhưng câu chuyện đó tôi sẽ đề cập ở những bài viết khác. Thời điểm đó tôi quan tâm tới việc đưa ông đi khám để biết chắc ông đang bị làm sao, hơn là nội dung bài giảng của ông. Tôi hiểu được sự gàn dở của các vị thầy tâm linh và sự bất tín nhiệm đối với hệ thống y khoa của họ. Và quả là một kỳ tích để tôi thuyết phục bố tôi đi khám bệnh. Kỳ tích đó mất cả tháng trời năn nỉ với vô số cú điện thoại đường dài Bắc Nam.
Bẵng đi 2 tháng, tình trạng sức khoẻ của ông xấu dần. Các bác sỹ thông báo ông bị ung thư dạ dày, chỉ định mổ. Ông không chịu mổ, tôi nói gì ông cũng không đồng ý. Ông bảo ông sẽ tự chữa. Vì đó là cơ thể ông, tôi tôn trọng quyết đinh của ông, kèm theo một điều kiện: nếu ông tự chữa mà vẫn xấu đi thì phải tin vào y học phương Tây, phải cho các bác sỹ làm phẫu thuật.
Cái gì phải đến cũng đến, cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2016 ông trải quan một cơn đại phẫu, cắt gần hết dạ dày. Sinh thiết cho ra kết quả ung thư ở giai đoạn 3B, là giai đoạn gần cuối. Nghĩa là tế bào ung thư đã di căn tới hạch rồi.
Khi vào viện thăm ông, tôi rất ngạc nhiên vì các bệnh nhân cùng phòng tỏ vẻ rất ngưỡng mộ và thán phục ông. Họ gọi ông là người hùng của phòng bệnh. Không hiểu ông đã làm gì với họ, hay điều đó xuất phát từ khả năng lãnh đạo của một sỹ quan trong quân đội? Tôi nghe phong phanh là mấy tay không biết điều, hay ồn ào và không chịu hoà đồng với tập thể bị ông trừng trị cho một trận. Giờ ngoan ngoãn hết. Và hình như mọi người thán phục khả năng chịu đựng cũng như sự ngoan cường của ông – cái tính cách mà tôi may mắn cũng được di truyền: sự lì lợm không đầu hàng trước số phận của một người lính.
Sau khi ông xuất viện, tôi quay trở lại với cuộc sống của mình, theo dõi ông từ xa qua Facebook và thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm. Chúng tôi vốn không có thói quen gọi điện cho nhau vì trên thực tế cả đời tôi và bố sống với nhau không tới 1 năm. Chúng tôi giống hai người bạn vong niên hơn là bố với con. Nhưng chúng tôi thích nói chuyện tâm linh với nhau, cãi nhau thì đúng hơn. Không phải nói là tranh luận trong hoà bình. Mà đôi lúc hơi gân cổ lên một tý, nhưng không ai đi quá giới hạn.
Tôi có ra gặp ông một lần vào tháng 10. Ông gầy rộc đi nhưng đôi mắt tinh anh, vẫn đi bộ được khá xa và chỉ ăn rau củ chứ thôi không ăn chế phẩm từ động vật. Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện hăng say về Mật Tông Tây Tạng và giáo lý Bát Nhã.
Tới tháng 12/2016, tôi nhận được tin ông phải nhập viện một lần nữa, lần này khá nặng. Có lẽ không qua khỏi. Tôi bay ra với ông trong tâm trạng khăn gói quả mướp, sẵn sàng trực chiến tới khi ông mất, vì trước đó tôi đã nói chuyện khá kỹ với bác sỹ đưa ông vào viện – người bạn chơi với tôi từ hồi tiểu học – và tôi biết ông không còn nhiều thời gian, có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Chúng tôi chia ca chăm sóc ông. Vì vợ ông phải đi làm nên tôi nhận ca sáng. Cô ấy là người Nga, nhanh nhẹn, nhiều năng lượng nhưng không biết nói tiếng Việt, ở đêm cũng bất tiện, nhất là về ngôn ngữ. Nhưng cũng không có nhiều sự lựa chọn vì nhà tôi neo người.
Bố tôi gầy đét lại như Đức Phật lúc khổ hạnh. Ông hay đùa là khác mỗi cái sẹo mổ phanh ở bụng chứ không ông giống như ông Thích Ca rồi. Da ông hơi vàng, có lẽ chức năng gan bắt đầu suy yếu. Phần lớn thời gian trong ngày của ông xoay quanh việc: ăn, ngủ, đi bộ và ngồi thiền. Nói tới ngồi thiền tôi buồn cười mãi không thôi. Một số người ngồi thiền khí cảm, sẽ bị lạnh mát sống lưng. Ông yếu rồi nên mỗi khi ngồi thiền là phải quấn chăn vào cho ấm. Một buổi sáng tôi vào viện thay ca thì thấy anh trai giường bên cạnh cũng quấn chăn ngồi y như bố tôi và chăm chú lắng nghe bố tôi dậy thiền, gương mặt thuần thành và pha chút tâm đắc lắm. Đúng kiểu chất phác được nghe đạo. Nhưng nhìn hai ông bệnh nhân ung thư ngồi quấn chăn dạy nhau thiền thì đúng là chết cười.
Tình trạng bệnh của ông xấu dần. Người nhà bắt đầu hỏi ướm tôi một cách khéo léo rằng liệu tôi có biết ý nguyện của ông về việc chôn cất hay tổ chức tang lễ như thế nào hay không. Tôi thản nhiên trả lời là chúng tôi đã bàn bạc với nhau rất kỹ. Ai cũng ngạc nhiên vì họ nghĩ là phải rất kiêng bàn chuyện chết với bệnh nhân. Họ đã đánh giá thấp ông, và cả tôi. Chúng tôi có thừa sự kiêu ngạo để cười vào cái chết, dù bên trong có lẽ cũng hơi buồn một chút. Ông chọn làm tang lễ ngay ở nhà tang lễ của bệnh viện thay vì ở Nhà Tang Lễ Bộ Quốc Phòng. Như thế thì quá phô trương và không hợp tính cách của ông. Ông cũng muốn được thiêu xác, tro rải ở núi và ở biển – một yêu cầu khá mới mẻ nhưng tôi cho là văn minh, lãng mạn, và rất tâm linh nữa.
Thời gian cuối ông bị nhiễm trùng máu, phải truyền máu liên tục, nhưng ông muốn được đưa về nhà – căn biệt thự Pháp cũ – nơi ông gắn bó cả tuổi thơ và thời thanh xuân. Bác sỹ bảo tôi nếu đưa về, thời gian ông sẽ tính bằng ngày, hoặc giờ, vì không có máu để thay thì sẽ đi nhanh lắm. Và cái chết sẽ không được tinh tươm, máu có thể trào ra từ các lỗ trong cơ thể. Thú thật tôi nghĩ tới viễn cảnh ấy cũng hơi ớn một chút nhưng bụng bảo dạ, kiểu gì cũng xử lý được ấy mà. Có tý máu chứ là gì đâu.
Ông ra viện trong sự chia tay bịn rịn của các bạn cùng phòng. Ông được mọi người quý mến. Những bệnh nhân ở những lần nhập viện trước vẫn giữ liên lạc với ông qua điện thoại. Sau khi về nhà, hình như ông lại khoẻ ra hơn. Chúng tôi nghĩ ông sẽ mất trong vòng 1-2 ngày nhưng không ngờ ông duy trì được khá lâu. Ông tự vệ sinh cá nhân và từ chối không cho chúng tôi trợ giúp như khi còn trong viện. Ông không muốn ai phải bận tâm vì ông. Bác sỹ bảo tôi chắc ông sẽ đau lắm, nên chúng tôi chuẩn bị Morphine để sẵn sàng tiêm cho ông mỗi khi đau đớn. Ông nghe được chuyện ấy có vẻ bực và từ chối phắt đi. Đêm đêm tôi còn thấy ông đứng dậy luyện khí công.
Tôi hơi sốt ruột. Tôi sợ nhất là ông bám vào sự sống khi nó không còn nữa, chỉ là chút tàn dư còn đọng lại, chút leo lét cuối cùng chứ không cách nào cháy bùng lên một lần nữa. Tôi vừa thương ông, nhưng lại vừa sợ nếu cứ níu kéo như thế, lúc chết lại không đi được. Với những người thực hành tâm linh, sự bình thản khi đón nhận cái chết là quan trọng nhất. Nhưng đồng thời tôi cũng hiểu những ràng buộc thế gian khi hai con ông còn quá nhỏ. Thật không dễ mà đón nhận cái chết với những trách nhiệm như thế. Một phần phi tâm linh hiếm hoi còn sót lại của ông, những cũng đã được ông dần loại bỏ.
Cuối cùng ông đã thực sự chấp nhận định mệnh của mình. Vào ngày 14/12/2016, ông đã ra đi trong vòng tay của tôi. Việc an ủi nhất với tôi là tôi đã ở bên ông trong giây phút trọng đại đó, thì thầm vào tai để trấn an ông là xong rồi, việc cần làm đã làm rồi, ông thanh thản ra đi thôi…
Và trái với suy nghĩ của bác sỹ, ông ra đi vô cùng sạch sẽ và gọn gàng. Một cái chết nhẹ nhàng của một vị thầy tâm linh chân chính.
Hôm nay khi đọc cuốn sách của bác sỹ Paul tôi có cơ hội để nhìn nhận hai con người đối mặt và thể hiện cách sống của mình với cái chết một các rất sâu sắc. Paul dành cả thời trai trẻ băn khoăn về cái chết, chọn nghề bác sỹ phẫu thuật thần kinh dù có bằng thạc sỹ văn học của trường đại học Stanford chỉ để được chứng kiến sự xoắn xuýt đan quyện giữa ý thức và vật chất (não bộ), đi giữa lằn ranh sinh tử để hiểu hơn về cái chết và sự sống. Khi biết tin về bệnh tật của chính bản thân mình, Paul không khỏi bàng hoàng, không tin vào sự thật đó. Anh mất một khoảng thời gian để chấp nhận và anh đã đối mặt với cái chết một cách trực diện thay vì né tránh nó. Một anh chàng can đảm và phi thường nghị lực. Câu chuyện của Paul do chính anh viết lại khi sức lực đã suy yếu cạn kiệt, nhưng chính là những kết tinh tư duy cuộc đời anh, và là món quà cuối cùng của anh gửi tới thế giới – cũng là tác phẩm văn học đầu tiên và duy nhất của anh.
Tôi không rõ về cuộc đời bố tôi lắm mà theo tôi nó cũng oanh liệt thăng trầm không kém Paul. Nhưng tôi đã được chứng kiến cách ông thản nhiên chấp nhận căn bệnh ung thư quái ác, đối đầu với nó trực diện, tự chọn hướng chữa trị cho mình và kiên trì với hướng chữa trị ấy trong gần 1 năm trời. Rồi cách ông kiên quyết từ chối hoá trị, và chấp nhận cái chết rất quả cảm. Hơn thế nữa tôi thấy được tầm ảnh hưởng của ông với tất cả những bệnh nhân xung quanh, với học trò ông và những người bạn – điều rất đặc biệt mà tôi chưa được thấy ở một người nào khác trong cuộc đời mình.
Tặng ông nhân ngày sinh nhật thứ 63
30/12/1955 – 30/12/2018