Sáng tạo

Lý Tiểu Long đã từng nói: với ông võ thuật là cách ông biểu lộ bản thân mình. Nó không phải là ngọn đá, cú đấm, mà là một phương tiện để ông thể hiện với thế giới bản thể của ông. Cũng như vậy, những thi sỹ, nhạc sỹ, nhà điêu khắc, người thợ xây – tất cả đều đang tham gia tạo tác, xây dựng thế giới và để lại những giá trị của riêng mình.

Bản chất của việc sáng tạo hoà nhịp với vận động không ngừng của vũ trụ. Khi bạn sáng tạo thực sự, bạn đồng điệu tiểu ngã với đại ngã. Khi hai ý thức này hoà nhịp vận động, các tác phẩm vĩ đại sẽ ra đời.

Nhà soạn nhạc vĩ đại Handel (1685 – 1759) từng nói:

Not from me… but from Heaven… comes all

George Frideric Handel

Với ông, dường như các giai điệu được chuyển tới ông từ thiên đường, ông chỉ là phương tiện truyền tải. Eckhart Tolle cũng có quan điểm tương đồng và ngộ nghĩnh kể lại quá trình cuốn sách best-seller “Power of Now” được viết ra: “Khi tôi viết cuốn sách này, cuốn sách muốn được xuất bản. Tôi có thể cảm nhận sâu sắc sự mong muốn được tạo ra của cuốn sách. Cuốn sách không xuất phát từ ham muốn của tôi”. Nói cách khác ông đơn thuần chỉ là người thực hiện “nguyên vọng” của cuốn sách.

Sự đồng điệu sâu sắc nhất khi sáng tạo có biểu hiện bên ngoài là những trạng thái ngất ngây mà nhiều nghệ sĩ đã sai lầm tìm đến thông qua các chất kích thích. Trong trạng thái này, các khái niệm về thời gian bị rơi rớt, bạn đạt được sự tập trung cao nhất và một tâm trí minh mẫn đến kỳ lạ. Các ý tưởng tự dâng lên và như được rót vào nhận thức của bạn. Trạng thái này không phải là trạng thái dễ đạt đến và không xuất hiện thường xuyên, thường chỉ có sau khi đã được khởi động và xuất phát từ một không gian và tâm hồn đủ định tĩnh.

Khi bắt nguồn từ cái tôi ích kỷ và nhiều ham muốn, sự sáng tạo sẽ hạn chế hơn, sản phẩm cũng ít có tính đột phá. Tương tự như vậy nếu bạn cần sáng tạo trong một “khung thời gian” hữu hạn (các “deadline”) hoặc phục vụ đối tượng nhất định (“khách hàng”), sự sáng tạo sẽ yếu ớt hơn nhiều. Đó là lý do vì sao các nghệ sỹ khi chuyển sang làm thương mại, họ thường chết dính ở một phong cách định hình và khó có những đột phá mới. Đơn giản, họ đã giết chết sự sáng tạo để lặp đi lặp lại những gì đã được chứng minh là “có hiệu quả”, vì lợi nhuận hoặc vì sự tiện lợi.

Quá trình sáng tạo có thể coi là một phương pháp thiền độc đáo. Chính những thiền sư Nhật Bản đã phát hiện ra không phải chỉ trong tư thế bắt chân kiết già và trạng thái tĩnh cái “trí” mới chậm lại để cái “tâm” được hiển lộ. Trong thời kỳ vàng son, các thiền sư đã áp dụng thiền trong đời sống và họ tìm thấy đạo ở những công việc đơn giản hàng ngày như: rót trà, vẽ tranh, cắm hoa, nấu ăn, bắn cung… Các vị ấy hiểu sâu sắc buông bỏ bản ngã chính là thiền. Phương tiện nào đem lại được việc này, đều là “pháp”.

Tôi xin mượn lời bài thơ Cư Trần Lạc Đạo của Trần Nhân Tông để minh hoạ cho ý trên, đặc biệt là câu cuối. Bạn hãy đọc và cảm nhận ý của câu kệ này nhé:

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

TRẦN NHÂN TÔNG

Nếu Mark đem lại cho thế giới Facebook, thì bạn cũng có thể để lại những dấu ấn bản thân. Không phải bằng cách làm ra một mạng xã hội thứ hai, mà từ những việc rất đơn giản, như pha một li cafe ngon hay chụp một bức ảnh. Chính những rung động tốt đẹp trong quá trình sáng tạo đã góp phần thay đổi thế giới. Bắt đầu với những sáng tạo nhỏ để học cách buông dần “cái tôi” nhỏ bé mà hoà vào khao khát sáng tạo của vũ trụ, bạn sẽ dần nắm bắt được nghệ thuật thiền trong sáng tạo. Hãy thả lỏng, và quan sát dòng nhận thức để kiến thức được tự nhiên tuôn chảy như một dòng sông. Hãy quan sát lúc nó nhỏ giọt như li cafe, và đắm vào khi nó ồ ạt như dòng nước lũ.

Rồi sự tĩnh lặng e ấp trong tâm hồn bạn sẽ gõ cửa.

https://lifechange.vn/sang-tao/