Trong một công cuộc trường kỳ kháng chiến, những chiến thắng (nhỏ) luôn là những phần thưởng xứng đáng sau những nỗ lực không biết mệt mỏi. Đây cũng là những điểm dừng tạm thời cho phép chúng ta nghỉ ngơi đôi chút, sạc thêm năng lượng trước khi quay trở lại với cuộc chiến. Thế nhưng sẽ là rất tai hại nếu như chúng ta ngủ quên trên những chiến thắng này. Sau đây là một vài trường hợp ngủ quên phổ biến:
1. Đánh mất mục tiêu và con đường
Không phải chuyến đi nào cũng được vạch ra lộ trình rõ ràng. Giống như khi thành lập một công ty, rất ít khi các chủ doanh nghiệp trẻ tuổi có thời gian để suy nghĩ thấu đáo tiềm năng công ty xứng đáng đạt được những gì. Phần lớn họ bắt đầu khi “thời tới rồi, cản không được“. Nghĩa là một cơ hội làm ăn tốt đẩy họ vào con đường làm chủ, sau đó thì… hậu xét. Thành công sớm với những doanh nghiệp như vậy là dễ khiến họ lạc lối. Vì đằng nào cũng chẳng có con đường nào cả.
Một số doanh nghiệp thì bài bản hơn với các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn. Trước tiên khoan ta bàn tới việc đặt các mục tiêu lâu dài có thực sự cần thiết hay không. Việc có được các thành công đôi lúc bất ngờ và huy hoàng có thể khiến các doanh nghiệp đánh mất tầm nhìn về con đường đã được vạch ra.
Nghĩa là họ coi chiến thắng mới này như một chiến thắng tối hậu. Điều cần làm đã được làm, các kỹ năng đã được hoàn thiện. Hoàn hảo rồi! Tất cả những lý tưởng và tầm nhìn trước đây bỗng dưng bị dẹp sang một góc không thương tiếc.
2. Ảo tưởng về năng lực bản thân
Bên cạnh việc quên mất con đường, chiến thắng đem lại một sự nguy hiểm tiềm tàng. Đó là việc chúng ta tự đánh giá quá cao năng lực bản thân mình.
Khi các thành công tới nhanh và bất ngờ, chúng ta có xu hướng quên mất yếu tố may mắn. Trớ trêu thay nó thường là yếu tố lớn nhất của mọi thành công. Chúng ta cũng dễ dàng quên luôn sự trợ giúp của các nguồn lực xung quanh, và các nhược điểm bản thân vẫn chưa được khắc phục.
Thường biểu hiện của loại diễn biến này là các cá nhân sẽ là trở nên trịnh trọng, thích rao giảng dạy đời. Họ dông dài bày tỏ quan điểm cá nhân, ít lắng nghe và sẽ rất gay gắt nếu ai phản biện ý kiến của mình.
Theo tôi điều này nguy hiểm hơn cả trường hợp một (quên mất con đường).
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Nghĩ mình giỏi là chết. Bài đó sẽ bàn sâu hơn về chủ đề này.
3. Tha hóa về tư tưởng và chủ nghĩa hưởng thụ
Các thành công thường đem lại những lợi ích đi kèm như tiền bạc, danh vọng, quyền lực. Nếu ở hai trường hợp đầu, chúng ta mới chỉ có xu hướng quên mất những gì đã vạch ra và ảo tưởng sức mạnh. Trong trường hợp thứ ba này, chúng ta có thể chuyển sang chủ nghĩa hưởng thụ, lười lao động và có xu hướng tha hóa về lối sống và đạo đức.
Biểu hiện phổ biến thường thấy trong xã hội là với các quan chức hay chủ doanh nghiệp thành đạt. Họ bắt đầu tự thay đổi bản thân. Từ một con người cần kiệm chăm chỉ, họ dần thoái hóa biến chất. Họ bắt đầu học cách ăn chơi xa xỉ, nuôi bồ nhí, vung tiền mua siêu xe… bằng những đồng tiền mồ hôi xương máu của người khác.
Tới bước này, thường chỉ những thất bại ê chề may ra mới khiến họ tỉnh ngộ.
Điều này có tiêu cực và gay gắt quá hay không?
Rất đáng tiếc là tôi đã chứng kiến cả ba trường hợp này ở bản thân mình và những người xung quanh, dưới nhiều mức độ. Chính bản thân tôi đã từng đánh mất con đường, ảo tưởng sức mạnh và tha hóa hưởng thụ khi những thành công tới một cách chóng vánh.
Ở những trường hợp cá biệt hơn, tôi đã chứng kiến sự tha hóa biến chất lớn lao xảy ra ngay với những người bạn của mình. Một vài bạn chuyển sang tự yêu và sùng bái bản thân thái quá, hoặc lạm dụng chất kích thích. Rất đáng buồn.
Khi nói những điều này, tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ rồi mới viết lại, với hy vọng cảnh tỉnh các bạn. Thường các thất bại khiến cho chúng ta vấp ngã và trưởng thành. Nhưng mọi người lại ít nói về sự nguy hiểm của thành công mà chỉ coi nó như là đích đến, phần thưởng. Điều đó là một thiếu sót rất lớn.
Thái độ phù hợp với thành công
Hãy tự hào vì những thành công cho thấy những nỗ lực của bạn là đúng đắn, và bạn xứng đáng với phần thưởng này.
Hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi đôi chút nếu như bạn đã quá căng thẳng trong thời gian gần đây.
Hãy tự tin hơn vì chiến thắng này cho thấy bạn hoàn toàn có thể thành công với những gì mình đang có (tiềm năng).
Sau khi cơn say mê chiến thắng đã trôi qua, nên giống như một người huấn luyện viên bóng đá già dặn chậm rãi tua lại những đoạn băng phân tích cho học trò. Hãy tỉnh táo tìm hiểu nguyên nhân của chiến thắng. Trung thực nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu; thừa nhận yếu tố may mắn, và lên kế hoạch cho trận chiến tiếp theo.
Và cuối cùng, nếu bạn nghĩ bạn may mắn không giúp bạn thành công, thì bạn đang ảo tưởng sức mạnh đấy 🙂
https://lifechange.vn/nguy-hiem-cua-chien-thang/