Suy nghĩ tích cực: positive thinking là một từ khoá được tìm kiếm nhiều và nhắc đến thường xuyên. Quan điểm phổ biến được hiểu là: suy nghĩ tích cực sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Điều này đúng, nhưng không đủ, có lẽ chỉ đúng 30%.
Hãy thử xem xét ví dụ sau.
Bạn đọc được một ý tưởng mới cực kỳ hấp dẫn, có thể là dậy sớm từ lúc 5 giờ sáng, phương pháp ăn kiêng keto, hay giải pháp tài chính cá nhân đơn giản mà hiệu quả. Bạn cực kỳ thích thú và hăng hái áp dụng. Bạn thành công và nhận thấy thành quả sau 1 tuần áp dụng. Tuyệt vời!
Và rồi sau đó bạn dần xao lãng, quay trở lại với nhịp sinh hoạt trước khi áp dụng ý tưởng mới mà mình học được. 3 tuần sau, ý tưởng lại quay trở về với mức ý tưởng, và bạn có thể khá huênh hoang cho rằng mình đã trải nghiệm ý tưởng đó. Nó rất hay nhưng vẫn có một vài hạn chế abc…
Bạn thấy quen không? Tôi cũng trải qua vô số lần thất bại như vậy, cho tới một ngày tôi phát ngán với các phương pháp này. Tôi cảm thấy “good mindset” là không đủ để thay đổi một thói quen lâu năm. Phải có một cái gì đó khác hơn, sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn để tạo ra những sự biến chuyển toàn diện.
Sức mạnh của cảm xúc và tiềm thức
Sau khi tìm đọc nhiều tài liệu kết hợp tự soi xét lại bản thân, tôi tìm ra một sự thật đó là các quyết định của chúng ta bao gồm hai yếu tố lớn: tư duy và cảm xúc, hay còn gọi là logic và trực giác. Khi bạn đọc và thay đổi cách tư duy (mindset), bạn mới làm việc với phần logic, phần lý trí của mình. Còn một mảng lớn bị bỏ trống, đó chính là phần cảm xúc của bạn. Với những cá thể tư duy logic mạnh, yếu tố cảm xúc dường như còn ẩn giấu sâu hơn, khó chạm đến hơn và phản ứng chậm hơn với những thay đổi.
Trừu tượng quá đúng không? Tôi sẽ làm rõ điều này hơn với ví dụ dậy sớm. Về lý trí, rõ ràng bạn có thể rất hiểu tác dụng của việc dậy sớm như: có thêm thời gian tập thể thao hoặc làm việc mình ưa thích, có một đề-pa tốt khởi đầu ngày mới, bớt việc chơi điện thoại trước khi đi ngủ… Đó là lớp rất trực tiếp và nông. Ở sâu bên trong tiềm thức của bạn là những cảm xúc chất chứa được hình thành trong suốt cuộc đời.
Rất có thể trong quá khứ, việc thức dậy của bạn luôn là bắt buộc. Tôi phải dậy sớm đi học. Tôi phải dậy sớm đi làm. Tôi phải dậy sớm đi họp. Dậy sớm chưa bao giờ là vui vẻ đối với tiềm thức của bạn vì hành động đó luôn đi kèm với những cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, sau một thời gian gồng nỗ lực, bạn bắt đầu vô thức lảng tránh việc dậy sớm. Giọng nói trong tâm sẽ bắt đầu xuất hiện. Ngủ thêm đi, dậy muộn hơn 15 phút cũng không sao. Cứ như vậy 15 phút thành 30 phút, 1 giờ. Và bạn trở lại đúng lịch sinh hoạt như trước khi áp dụng thói quen dậy sớm.
Như vậy làm sao để thay đổi quan điểm của tiềm thức với việc dậy sớm? Theo kinh nghiệm làm việc với tiềm thức của tôi, chỉ có thể thay thế các cảm xúc tiêu cực bằng cảm xúc tích cực. Sau khi thức dậy hay dành một chút thời gian hít thở không khí trong lành và tự nhủ không khí sáng tinh mơ mới tuyệt vời làm sao. Hãy hưởng thụ sư yên tĩnh thong thả và đừng quên nhắc bản thân về điều tuyệt vời này. Hãy để lợi ích và sự tích cực của việc dậy sớm lắng đọng lại vào tâm thức để có sự thay đổi toàn diện.
Vai trò của sự nỗ lực
Nếu lý trí và cảm xúc là hai bệ phóng rất tuyệt vời thì chúng ta cũng không thể coi nhẹ vai trò của sự nỗ lực. Có thể ví lý trí và cảm xúc như hai bánh của một chiếc xe. Nỗ lực giống như xăng – là năng lượng giúp chiếc xe tiếp tục lăn bánh và hoàn thành hành trình.
Sự nỗ lực cần được thường xuyên rèn luyện và nuôi dưỡng. Khi bắt đầu chúng ta luôn có quá nhiều năng lượng và sự hăng hái, điều này cần được điều tiết và kiểm soát tốt vì càng hăng hái bao nhiêu thì khả năng đánh mất nguồn năng lượng này càng cao bấy nhiêu.
Một điều may mắn là nỗ lực, cũng như xăng, là một dạng năng lượng. Xăng có thể dùng để làm ra điện, để nghe nhạc, sạc pin, chạy máy nổ v.v… Tương tự như vậy sự nỗ lực một khi đã được rèn luyện tốt có thể được áp dụng cho mọi mục tiêu, không phân biệt.
Cũng vì lý do đó, bạn có thể rèn luyện sự nỗ lực trong tất cả các hoạt động thường ngày. Bạn có thể hít đất thêm 2-3 cái khi đã rất mệt. Bạn có thể ăn ít đi một chút. Bạn có thể làm việc lâu hơn một chút. Cứ mỗi cái một chút đó sẽ kỷ luật bản thân và khiến bạn trở thành một con người kiên định hơn.
https://lifechange.vn/good-mindset-la-khong-du/