
Trong một buổi nói chuyện thẳng thắn tại Đại học New York (NYU), Giáo sư Scott Galloway đã đưa ra những góc nhìn sắc bén và có phần đi ngược lại đám đông về định hướng sự nghiệp cho giới trẻ.
Thay vì những lời khuyên sáo rỗng, ông nhấn mạnh vào tính thực dụng và chiến lược để đạt được thành công, đặc biệt là về mặt tài chính và lý do tại sao chúng ta không nên theo đuổi đam mê của mình.
Cạm bẫy mang tên “theo đuổi đam mê”
Một trong những luận điểm gây chú ý nhất của Galloway là lời cảnh báo về lời khuyên phổ biến “hãy theo đuổi đam mê của bạn”.
“Ở trường NYU, chúng tôi mời 2 kiểu diễn giả. Một là những người thành tích cực kỳ ấn tượng, hai là các tỷ phú. Và họ luôn kết thúc buổi diễn thuyết với một lời khuyên tệ hại nhất có thể: hãy theo đuổi đam mê của bạn. Tất cả những người nói như vậy đều đã rất giàu có. Và chính họ là những người đã phất lên nhờ luyện quặng sắt.”
Theo ông, lời khuyên này trở nên nguy hiểm khi nó khiến người trẻ bỏ qua yếu tố quan trọng là xây dựng kỹ năng và tìm kiếm cơ hội trong những lĩnh vực có nhu cầu thực sự cao trên thị trường lao động.
Việc cố gắng biến đam mê thành sự nghiệp trong các ngành siêu cạnh tranh như nghệ thuật, giải trí, thời trang, thể thao… thường có tỷ lệ thành công cực kỳ thấp và đầy rẫy sự bấp bênh.
Ông đưa thêm con số về ngành giải trí sáng tạo (creative industry). Theo ông, bạn phải là top 1% thậm chí 0.1% để thực sự có được cuộc sống như ý ở trong lĩnh vực này. 83% nhân sự ngành sáng tạo đã không đáp ứng mức thu nhập tối thiểu $23,000 để nhận bảo hiểm sức khoẻ, và tỷ lệ thất nghiệp của ngành này là 80%.
Giải pháp thực tế: điểm mạnh và cơ hội
Vậy đâu là con đường thực tế hơn? Scott Galloway khuyên rằng:
Khi còn trẻ, bạn nên tìm ra điểm mạnh của mình và những gì bạn có thể giỏi, lý tưởng nhất là trong một ngành có tỷ lệ việc làm trên 90%.
Ông lấy ví dụ về ngành luật thuế, một lĩnh vực nghe có vẻ khô khan và không hề “sexy”. Tuy nhiên, thực tế là “mọi luật sư thuế đều có việc làm”, và 10% luật sư giỏi nhất có thể kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm. Thông điệp ở đây rất rõ ràng: hãy tìm lĩnh vực mà bạn có khả năng trở nên xuất sắc và nơi đó thực sự cần bạn. Galloway còn nhấn mạnh: “Ngành càng ít hấp dẫn thì lợi tức trên vốn của bạn càng lớn.”
Quan điểm của tôi
Tôi sẽ tiếp cận vấn đề theo một cách khách. Tôi sẽ khiến bạn hoài nghi chính đam mê của mình.
Hãy thử trả lời các câu hỏi sau thật trung thực nhé. Hãy dành cho mỗi câu hỏi ít nhất 1 phút để suy nghĩ cho kỹ rồi hẵng trả lời.
- Hãy kể cho tôi về đam mê của bạn (nấu ăn, thể thao, wellness, chữa lành, thủ công…)
- Đam mê này kéo dài hơn 5 năm chưa? (hay là chúng mới được 1 thời gian)
- Bạn đã bao giờ dành 8 tiếng để thực hiện đam mê trong một khoảng thời gian cỡ 3 tháng chưa?
- Nếu bạn làm như vậy, bạn nghĩ rằng bạn còn duy trì được đam mê đó hay không?
- Nếu bạn theo đuổi đam mê, khả năng cao bạn sẽ tự kinh doanh hoặc hướng đến đích tự kinh doanh. Bạn đã nghĩ tới các công việc như: đăng ký kinh doanh, kiểm soát tài chính, khai báo thuế, sản xuất nội dung đều dặn, làm việc với (nhiều) khách hàng một lúc, trực kênh MXH hay giải quyết sự cố khi khách phàn nàn chưa?
- Bạn sẽ làm gì nếu trong vòng 6 tháng tới 1 năm không có thu nhập như hiện tại?
Nếu bạn (trung thực) trả lời được tất cả các câu hỏi ở trên mà vẫn tiếp tục giữ được đam mê của mình, tôi nghĩ bạn đã vượt qua bài kiểm tra đầu tiên.
Bạn có thể cân nhắc bắt đầu đam mê như nghề tay trái, đừng bỏ việc. Khi nào tay trái thu nhập nhiều hơn tay phải, ta bỏ cũng không muộn, bạn nhỉ.
https://lifechange.vn/dung-mu-quang-theo-duoi-dam-me/