Chánh niệm tỉnh giác – sự hiện hữu có ý thức

Hôm nay tôi sẽ chia sẻ một bài viết về Thiền, là một phép thực hành rèn luyện tâm tôi theo đuổi được một thời gian. Hy vọng chia sẻ của tôi sẽ giúp ích cho các bạn mới học Thiền hoặc đang muốn tìm hiểu về Thiền.

Với những ai học Phật, chánh niệm tỉnh giác là một thuật ngữ rất quen thuộc, được lặp đi lặp lại trong các bài kinh Phật Giáo. Ví dụ như trích đoạn tiêu biểu sau đây trong Trung Bộ Kinh (107):

Hãy đến Tỳ-kheo, hãy thành tựu chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

MN 107, Kinh Ganaka Moggallana

Vậy chánh niệm tỉnh giác là gì?

Chánh niệm (Samma sati) nghĩa là niệm đúng đắn, sự ghi nhớ đúng đắn. Thường chánh niệm được dịch là mindfulness sang tiếng Anh, nghĩa có ý thức về hiện tại.

Chánh niệm tỉnh giác (Satisampajanna) kết hợp của hai từ SatiSampajañña. Từ sau có nghĩa là “clarity of consciousness”: sự trong trẻo của (ý) thức.

Như vậy chánh niệm tỉnh giác có thể hiểu là thường xuyên ghi nhớ về sự trong trẻo của thức. Khái niệm này nghe rất mơ hồ, nhưng với việc luyện tập, bạn sẽ hiểu chính xác và cảm thấy cách sử dụng từ như vậy là rất hợp lý.

Với các phong trào thiền Minh Sát (Vispassana) phát triển mạnh mẽ trên thế giới, việc sống có ý thức và luôn có mặt ở hiện tại đã trở thành một phương pháp hành thiền phổ biến và nhiều người biết tới. Với người mới hành thiền, đôi lúc sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt thuật ngữ hoặc trong khi thực tập. Hiểu cặn kẽ khái niệm tỉnh giác sẽ giúp thiền sinh biết khi nào mình làm đúng, khi nào làm sai, và duy trì cũng như tiến bộ trong việc thực hành thiền.

Tại sao lại là sự trong trẻo có ý thức? Khi có ý thức về hiện tại, về việc thân thể đang làm, về các luồng suy nghĩ trong trí óc, về các cảm xúc bên trong cơ thể, về trạng thái của tâm trí (nhẹ nhàng, nặng nề, buồn ngủ…) thì thiền giả sẽ cảm thấy rõ ràng sự trong trẻo, tươi sáng và chủ động trong tâm.

Người nắm giữ ý thức về hiện tại sẽ thấy rõ ràng là mình làm chủ được tâm mình, phía bên Thiền Tông (Zen) gọi là hiểu được ai là chủ, ai là khách. Chủ nhà là khi ý thức có mặt, ở bên trong, tỉnh táo, nhận định rõ ràng. Khách là các luồng tư duy bất chợt xuất hiện, các cảm xúc (ham muốn, nóng giận) nổi lên. Khách thì đến rồi đi, chủ nhà nên có mặt ở nhà.

Sự ghi nhớ (niệm) có tác dụng nhắc nhở, để khi chủ nhà đi vắng thì sực nhớ ra và quay trở về giữ nhà của mình để khách không trộm đồ hoặc gây náo loạn.

Chánh niệm tỉnh giác rất đơn giản chỉ là vậy, nhưng không dễ thực hành.

Bước đầu trong sự thực hành là thiết lập sự ghi nhớ, nhắc nhở (niệm) với tâm mình. Điều này giống như trước khi đi ngủ mà tự nhủ sâu sắc là sáng mai cần dậy lúc mấy giờ, tự nhiên buổi sáng không cần báo thức mà mình biết thức dậy. Khi đó là bạn đã thiết lập được một niệm thành công. Tương tự, hãy thiết lập niệm khi có thể, nhắc nhở bản thân luôn quay trở về nắm giữ ý thức về hiện tại.

Bước thứ hai là gìn giữ sự trong sáng của ý thức khi sống trong hiện tại. Đầu tiên phải biết phân biệt khi nào có ý thức, thấy rõ sự trong trẻo và làm chủ bản thân. Biểu hiện ra bên ngoài của việc này rất dễ nắm bắt. Khi có ý thức thì bạn sẽ bình tĩnh, ít mắc lỗi sai, các hành vi, lời nói, cử chỉ đều thanh thoát, chính xác, không mất sức. Bạn ý thức được nhiều hơn từng bước nhỏ vi tế của các hành động của mình, điều mà bấy lâu nay bạn không hề nhận ra. Các trí tuệ nhỏ về các hành động sẽ phát sinh, giúp bạn đạt được tối ưu trong công việc cũng như nhận ra đâu là trở ngại và cách khắc phục. Tất cả đều diễn ra rất tự nhiên.

Sau khi biết khi nào mình có ý thức, khi nào mình không, để duy trì sự có ý thức cần nhận biết mức độ năng lượng mình dành cho việc có ý thức. Nếu quá nỗ lực, sẽ khiến tâm bị mệt mỏi, nếu quá nhẹ nhàng, tâm sẽ yếu ớt và dễ bị các vị khách (tư tưởng, cảm xúc) xâm chiếm. Phải trao cho tâm một sự chú ý vừa phải, không quá căng, không quá chùng. Bao nhiêu là vừa phải? Sự thực tập của bạn sẽ dạy bạn điều đó.

Trong trường hợp bị các vị khách viếng thăm, thản nhiên chấp nhận và coi đây là cơ hội để tìm hiểu thêm về các vị khách. Bạn sẽ nhận ra các vị khách đến rồi đi, cách họ đến, nguyên nhân làm họ đến, cách họ đi, nguyên nhân làm họ đi. Càng hiểu các vị khách “của mình”, bạn càng làm chủ được và tiễn họ ra đi nhẹ nhàng, không mất sức.

Tìm hiểu thêm các nguyên nhân tiếp sức cho tâm, ví dụ như ăn uống điều độ và ít sẽ đem lại tỉnh táo, việc này rất có lợi cho hành thiền.

Tôi có thể chia sẻ nhiều hơn nhưng tôi nghĩ thế này là khá đầy đủ để bắt đầu. Việc quan trọng là bạn phải thực tập. Từ trong thực tập các hiểu biết tự thân sẽ phát sinh.

https://lifechange.vn/chanh-niem-tinh-giac/