Dịch Covid đã dạy cho chúng ta nhiều bài học, đặc biệt là bài học về sự thay đổi bất ngờ. Những gì ta cứ ngỡ là lâu dài, vĩnh viễn có thể sẽ biến mất chỉ trong một tích tắc. Khi thế giới đang hân hoan chuẩn bị cho một 2020 rực rỡ, bóng ma khủng hoảng 2008 cuối cùng cũng lùi sâu vào sau ánh đèn sân khấu, thì anh chàng Covid xuất hiện tặng cho chúng ta một cái tát như trời giáng.
Ngoại trừ các loại hàng hoá thiết yếu, hầu hết các loại hình kinh doanh truyền thống đều bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là nhóm ngành sản xuất, du lịch, nhà hàng khách sạn, kéo theo đó là các dịch vụ đi kèm như truyền thông, quảng cáo, sự kiện…
Như đã nói ở nhiều bài trước, thế giới không bao giờ ngưng thay đổi và chúng ta cần chấp nhận thực tại này khi đương đầu với nó. Để có thể thích nghi tốt, mỗi cá nhân cần trang bị một loại vũ khí hạng nặng: đó chính là tri thức.
Thông tin phổ biến
Dạng bình dân học vụ nhất của tri thức đó chính là thông tin – thông tin chất lượng, phản ảnh đúng xu thế văn hoá, xã hội, công nghệ, thị trường. Loại thông tin này cho chúng ta có được cái nhìn nhanh, tổng quan về thế giới ngày hôm nay và rất dễ dàng thu thập từ thói quen đọc báo hàng ngày.
Nhưng đọc báo thì dễ sa đà vào tin lá cải giật tít câu view. Hãy tập thói quen đọc các chuyên mục quan trọng hơn như: Thời sự, Xã luận, Kinh doanh, Tài chính… để có được các thông tin quan trọng hơn.
Trong Tam Tài của người Trung Quốc cổ đại: Thiên, Địa và Nhân thì Thiên (thời) đứng đầu. Hiểu cho đơn giản, vào đúng thời điểm thị trường tốt, bạn mua bất động sản, vàng hoặc cổ phiếu, dù không có kiến thức chuyên sâu vẫn có thể làm giàu dễ dàng với một chút may mắn. Đó là do đầu tư đúng thời điểm.
Thông tin chuyên môn
Loại tri thức thứ hai khó tiếp cận hơn là thông tin chuyên môn, thông tin từ chuyên gia hoặc các nhóm thảo luận trong một lĩnh vực. Loại thông tin này dành cho những người muốn tìm hiểu sâu hơn và có hứng thú với một lĩnh vực cụ thể.
Vì loại thông tin này mang tính cá nhân cao (quan điểm) nên cần tham khảo nhiều nguồn để có cái nhìn rộng và khách quan hơn. Nếu bạn mạnh dạn tham gia các diễn đàn, thảo luận với các chuyên gia đầu ngành thì sẽ có được những cái biết sâu và tốt hơn rất nhiều so với việc đọc báo thuần tuý, giúp cho các quyết định trở nên sáng suốt hơn.
Việc tiếp cận các nguồn thông tin này cũng không qua khó với việc nở rộ của Internet và mạng xã hội. Hãy sử dụng chúng một cách thông minh.
Tri thức chuyên sâu – hiểu được bản chất vấn đề
Loại tri thức thứ 3 là tri thức thật, giúp bạn hiểu trực tiếp bản chất vấn đề. Loại tri thức này đòi hỏi tìm tòi kỹ càng, đọc nhiều tài liệu chuyên môn, tạp chí khoa học, sách chuyên môn… Loại tri thức này mất rất nhiều thời gian tìm hiểu nên chỉ phù hợp khi bạn quyết tâm đào sâu một lĩnh vực. Không nên mó tới loại tri thức này với tâm thái cưỡi ngựa xem hoa.
Khi tìm hiểu được tới lớp lõi này, bạn có thể tự coi mình là một chuyên gia, có thể đưa ra nhận đinh cá nhân, bảo vệ được các nhân định này với lý luận sắc sảo và có cái nhìn riêng độc đáo. Khi đó bạn đã có một lợi thế cạnh tranh đặc biệt mà người khác không dễ có được, và nếu khéo tận dụng tri thức này sẽ là một thế mạnh lớn trong thời kỳ nhiều biến đổi như hiện tại.
Lưu ý: việc quan trọng nhất khi học một tri thức mới là tìm cách trả lời câu hỏi “tại sao” để hiểu bản chất vấn đề. Cách thực hiện nó cũng quan trọng không kém nhưng thường chìa khoá cho câu hỏi tại sao là bước đột phá tư duy chủ yếu nhất.
Có một điểm yếu của việc sở hữu tri thức này đó là chúng mất khá nhiều thời gian để tiếp cận và rất có thể sẽ hết “đát” mau chóng. Nhưng có một thứ không bao giờ biến mất, đó là khả năng nghiên cứu và tìm hiểu những kiến thức mới mà bạn đã sở đắc khi thu thập tri thức chuyên sâu trong một lĩnh vực. Một nghệ đã tinh thì bách nghệ sẽ thông.
Rèn luyện năng lực nghiên cứu
Việc sở hữu các lớp sâu thẳm của tri thức đòi hỏi bạn phải có một năng lực nghiên cứu rất mạnh. Mỗi người thường có một cách học khác nhau, dưới đây là một vài gợi ý của cá nhân tôi:
- Chọn nguồn tốt: đọc review các cuốn sách thật kỹ, đọc hết các lời bình của Youtube hay reddit hoặc bất cứ diễn đàn nào bạn tìm được về nguồn thông tin mình muốn tìm hiểu. Thường thì phần này thể hiện khá nhiều ý kiến của những người đã đọc hết tác phẩm và rất cụ thể, nhưng chủ quan. Sau khi đọc hết, hãy quyết định có nên tiếp tục hay.
- Đọc thật kỹ: mạnh dạn bỏ qua những phần khó hiểu và ít hứng thú, nhưng với phần bạn thực sự hứng thú hãy đọc thật kỹ. Đọc đi đọc lại cho tới khi hiểu được ý đồ của tác giả.
- Ghi chú cẩn thận: hãy đọc trên bàn làm việc với một cây bút bên cạnh, ghi chép lại những hiểu biết của mình, lưu lại những thắc mắc (để hỏi chuyên gia khi có cơ hội), mô hình hoá kiến thức dưới dạng mind-map, flow-chart khi có thể. Đừng đọc cho vui, chỉ mất thời gian.
- Biết rằng sẽ khó: không kiến thức nào tới miễn phí. Kiến thức càng giá trị thì càng khó học và mất thời gian để thẩm thấu. Nếu không thì chúng đã không giá trị. Đừng nản khi bạn không thể hiểu được tác giả muốn nói gì, hãy quay trở bước 2 nếu bị tắc.
Với nhiều người, học bằng cách nghe hoặc xem sẽ dễ hơn đọc. Với trường hợp này nên học từ Youtube hoặc các khoá học online có Video. Cách tiếp cận cũng giống như trên, bạn cần ghi chú cẩn thận và đúc rút lại các bài học quý báu.
Một vài ví dụ
Để bài viết đỡ lý thuyết suông, tôi sẽ nêu ra một vài ví dụ thiết thực để gợi ý hoặc truyền cảm hứng cho bạn về những tri thức hay để bạn tìm hiểu khi có thời gian:
- Quản lý tài chính cá nhân
- Marketing (nhất là với các bạn là chủ doanh nghiệp)
- Đầu tư (cổ phiếu, bất động sản, tiền mã hoá)
- Sửa đồ đạc trong nhà
- Một ngành nghề mới (nếu nghề của bạn bị Covid ảnh hưởng): thiết kế, làm nội dung, chụp ảnh…
- Một môn thể thao mà bạn thích
- Nấu ăn & dinh dưỡng
- Thiền & Tôn giáo / Tâm linh
Bạn có thể thấy tri thức không nhất thiết chỉ phục vụ công việc. Nếu bạn có tri thức về sức khoẻ, bạn đã tiết kiệm rất nhiều tiền khám chữa bệnh sau này và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình một cách đáng kể.
Đừng coi thường tri thức
Trong trường hợp thuộc tuýp người “thực hành” và không thích “lý thuyết”, đừng coi thường tri thức. Tri thức tất nhiên luôn tới từ việc thực hành nhưng tri thức từ việc học / đọc cũng quan trọng không kém vì một vài lý do sau:
- Tri thức từ trải nghiệm cá nhân bạn thường bó hẹp trong phạm vi tiếp xúc (của bạn). Tri thức của cộng đồng, của những cá nhân kiệt xuất thì rộng lớn và phong phú hơn nhiều.
- Tri thức trong sách thường có tính hệ thống cao giúp bạn am hiểu rộng và bài bản. Những gì bạn nói ra dễ chuẩn chỉnh, dễ tiếp thu và sẽ “đẳng cấp” hơn.
- Học từ các nguồn khác việc mình thường phải làm cho bạn thấy giới hạn bản thân, giúp tu dưỡng rèn luyện đức khiêm tốn.