Chăm sóc sức khoẻ tinh thần

chăm sóc sức khoẻ tinh thần, giảm stress, cai nghiện mạng xã hội

Hầu hết ai cũng biết về sức khoẻ vật lý. Một người sức khoẻ kém là người gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động bình thường trong cuộc sống. Anh ta thở phì phò khi phải đi bộ, chóng mặt khi leo cầu thang, không thể mang vác nặng và dễ ốm vặt. Nếu không thay đổi lối sống và học cách chăm sóc sức khoẻ, các triệu chứng sẽ trở nên tệ hơn và dẫn tới bệnh tật, như mỡ máu, tiểu đường, đột quỵ…

Bệnh nghĩa là khi cơ thể không thể tự phục hồi lại trạng thái bình thường, mà cần có sự can thiệp về mặt y học. Ví dụ như người bị bệnh rối loạn chuyển hoá insulin thì phải dùng thuốc và kiêng khem đường, tinh bột. Bệnh nhẹ thì có thể phục hồi dần dần. Bệnh nặng có thể trở thành mãn tính. Bệnh nhân sẽ phải sống với căn bệnh đó trong một thời gian dài hoặc suốt đời. Như thoái hoá cột sống chẳng hạn.

Vì chúng ta có hiểu biết nhất định về sức khoẻ vật lý, chúng ta cũng biết thế nào là sống lành mạnh. Ai cũng hiểu mình cần ăn nhiều rau củ, hoa quả, ăn bớt tinh bột, đường, han chế chiên xào, tập thể dục, đi ngủ sớm, hạn chế dùng chất kích thích… Tất nhiên làm được hay không lại là chuyện khác, nhưng ít nhất chúng ta có ý thức về việc ấy.

Các bệnh về mặt vật lý có thể dễ dàng xác định bằng các xét nghiệm hoặc chẩn đoán lâm sàng. Trong khi đó, sức khoẻ tinh thần lại là một lĩnh vực trừu tượng và khó xác định hơn. Không có ranh giới rõ ràng để biết một người mắc bệnh tinh thần. Các bác sỹ tâm lý cần làm việc với anh ta trong thời gian dài để quyết định người ấy thực sự có mắc bệnh hay không.

Tôi không phải là một bác sỹ tâm lý. Tôi còn chẳng phải là một bác sỹ và không có một huấn luyện y khoa nào hết. Một anh IT vớ vẩn thôi. Nhưng tôi thích quan sát và chiêm nghiệm. Vậy kể từ đây bạn hãy đọc với tinh thần như vậy nhé. Một bài viết không chính thống và thuần tuý bày tỏ quan điểm cá nhân.

Đầu tiên, tôi mong muốn cảnh báo các bạn về một số vấn đề tinh thần mà chúng ta đang gặp phải trong cuộc sống hiện đại. Tôi nhấn mạnh ở chữ hiện đại vì các vấn đề này ít gặp hơn trước đây (tôi thấy và đoán thế.)

Chúng ta quá căng thẳng (stress)

Chúng ta có nhiều áp lực trong cuộc sống hơn cha ông. Cuộc sống hiện đại sung túc hơn, nhưng lại tạo ra nhiều ham muốn và mong đợi cho các cá nhân trong guồng quay mệt mỏi này.

Ngày xưa có ba việc lớn là xây nhà, tậu trâu và cưới vợ. Ngày nay mọi người cho rằng có một căn nhà là chưa đủ. Người thành đạt mong muốn có nhiều hơn một căn nhà, vì muốn có của để dành cho con và thu nhập thụ động từ tiền thuê nhà.

Xe cộ thì không ai hài lòng với chiếc xe máy nữa. Tài sản được xem là tiêu chuẩn vàng trong làng rể quý nay trở thành tài sản rất tầm thường, thậm chí chỉ là một món quà tặng khi đỗ đại học. Các gia đình nỗ lực để có nhiều xe máy và một chiếc xe bốn bánh che mưa nắng. Hợp lý thôi. Nhưng khổ hơn. Chưa kể vấn đề xe xịn, xe rởm, xe Nhật, xe Hàn, xe Đức.

Còn cưới vợ thì vẫn áp lực như thế. Nhưng rất nhiều cô dâu sẽ chần chừ làm đám cưới nếu (nhà) chồng không có sẵn một căn nhà riêng cho đôi uyên ương trẻ. Tiêu chuẩn cao hơn quá khứ khá là nhiều.

Các áp lực tài chính này dẫn tới những sự méo mó mà chúng ta chưa kịp thích ứng. Ví dụ như làm nhiều công việc, làm việc nhiều giờ, và làm việc tới chết. Vâng ở bên Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc việc các nhân viên văn phòng chết do làm việc quá nhiều phổ biến tới mức có danh từ riêng cho việc ấy. Bạn có thể Google thêm “karoshi” hay 996 để tìm hiểu thêm.

Tệ hơn nữa các áp lực này lan sang thế hệ chồi mầm của tương lai. Những đứa bé bị đưa vào hệ thống trường chuyên, lớp chọn, phải đọc viết thành thạo trước khi vào lớp một, bị học thêm nhồi nhét quá tải, và… tự tử vì áp lực này. Rất buồn.

Chúng ta quá nghiện ngập

Sự bùng nổ của thời đại dot com và mạng Internet đem tới những loại hình nghiện ngập chưa từng có trong lịch sử loài người. Từ khi mở mắt tới khi lên giường, chúng ta bị bỏ bom bởi các các loại hình thông tin. (Đọc thêm về cơ chế nghiện ngập.)

Mạng xã hội và báo lá cải gây nghiện. Phim người lớn gây nghiện. Game online gây nghiện. Các trang web thương mại điện tử mỗi tháng sale “lớn nhất năm” một lần gây nghiện. Cá cược online gây nghiện. Chạy đâu cho thoát khỏi cái lưới mạng này!!!

Cái thế giới điên rồ này chỉ có một mục đích duy nhất. Đó là khiến bạn lên mạng, tiêu thụ thông tin, và mua sắm. Đó là bức tranh tổng quan của xã hội hiện nay. Bạn cứ nghiệm mà xem, không sai đâu.

Chúng ta có quá ít thời gian cho những việc thực sự có ý nghĩa

Các nhà marketing đại tài không muốn bạn làm việc có ý nghĩa. Facebook không muốn bạn dành thời gian đi gặp bạn bè người thân ngoài đời. Bạn phải dùng Messenger và Facebook để giao lưu với họ. Nhiều tới mức tới một ngày bạn nhận ra bạn chẳng gặp những người này cả năm trời nhưng vẫn biết hết (có thật là hết không hay chỉ là những gì họ khoe?) về người ấy. Và khi thực gặp thì chán ngắt, cầm điện thoại lướt web còn sướng hơn.

Báo lá cải không muốn bạn có tư duy có chiều sâu. Họ muốn bạn nhảy từ tít này sang tít khác. Họ giật đã tay rồi, bạn đọc đã đời thôi. Đọc xong đừng suy nghĩ nhiều. Chúng tôi có mục tin liên quan hay lắm, mau nhảy sang một bài khác để tăng “view” cho báo chúng tôi, đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận từ quảng cáo. À nếu hay nữa thì hãy nhấn vào một cái banner đã khéo thiết kế để thu hút sự chú ý của bạn nhé.

Thương mại điện tử không muốn bạn trở thành người tiêu dùng khôn ngoan. Bạn càng ngu dốt, chạy theo khuyến mãi, mê mải với trào lưu mới nhất, với ngày Thứ Sáu U Ám (Black Friday) họ càng giàu. Bạn càng mua họ càng tặng nhiều voucher. Bạn lại phải mua tiếp. Mệt cũng phải mua, giảm sâu lắm rồi bồ tèo ơi.

Game online và web phim người lớn thì nhất thiết ngăn cản bạn tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh như là chơi thể thao chẳng hạn. (Xem thêm bài viết các thú tiêu khiển khi rảnh rỗi.)

Vậy tôi phải làm sao bây giờ?

Bạn có mong muốn con mình là nạn nhân cho tất cả những thứ ghê tởm đang diễn ra nói trên hay không? Tôi chắc chắn rằng bạn không muốn. Nhưng mong muốn thì không đủ bạn ạ. Bạn phải hành động. Bạn không thể cấm con chơi điện thoại bằng cách làm gương và cắm mặt vào điện thoại suốt cả ngày. Bạn phải cho con thấy có nhiều thứ hay và hấp dẫn hơn là cái màn hình chữ nhật ấy. Hãy lấy chính mình làm ví dụ cho con chứng kiến.

Hãy rèn luyện thể thao. Chọn một môn để chơi, môn nào cũng được. Nhưng phải cam kết bạn sẽ làm nó ít nhất sáu tháng nửa năm. Dần dần nó sẽ trở thành một thói quen tốt thay thế các hoạt động mạng.

Hãy nuôi dưỡng các thú vui tinh thần. Nghĩa là hãy đọc sách, nghe nhạc, xem tranh, thưởng thức những những bộ phim chất lượng, ăn (và nấu) những món ăn ngon.

Hãy học cách tận hưởng cuộc sống mà không cần có Internet. Thử tắt Internet trong những khung giờ nhất định. Học cách sống chậm và hạnh phúc với những điều rất đỗi nhỏ bé. Một cuộc tán gẫu ngoài giờ, một cuốn sách hay, một li trà ngon, một buổi đi dạo phố ngắm hoàng hôn.

Hãy hiểu được việc nghiện mua sắm cũng là một căn bệnh. Chúng ta cần ít hơn là chúng ta nghĩ rất nhiều. Trước khi mua hay tự hỏi mình có thật cần điều này hay không? Nếu mua về mình sẽ để thứ này ở đâu, và dùng nó mỗi ngày như thế nào? Hãy thử trì hoãn quyết định mua một tuần xem sau một tuần bạn có cần thứ đó hay không.

Hãy phát triển những kỹ năng thay vì sở hữu công cụ. Bạn không cần cái máy ảnh tối tân nhất hay chiếc đàn đỉnh của điểm. Cái bạn cần là chụp ảnh giỏi và chơi nhạc hay, điều ấy mới tạo nên giá trị của bạn. Sở hữu nhiều, trên thực tế là một cách làm giảm giá trị cốt lõi. Chỉ người phù phiếm yếu ớt mới cần đắp lên người hào quang của thương hiệu. Tôi nghĩ Warren Buffet, Bill Gates hay Steve Jobs sẽ đồng ý với điều đó.

Hãy nghĩ lại về các ưu tiên trong cuộc sống. Tôi thực sự hiểu vật chất rất quan trọng. Nhưng bạn làm việc để sống, không sống để làm việc. Nếu bạn đang làm việc quá nhiều, rất có thể bạn đang huỷ hoại rất nhiều tiền và hạnh phúc trong tương lai. Khi căng thẳng, cơ thể sản sinh ra rất nhiều chất độc và gây nên các bệnh mãn tính. Tiền chữa bệnh tốn kém hơn tiền bạn đang kiếm được rất nhiều. Bên cạnh đó, rất có thể bạn cũng đang lấy đi quỹ thời gian của người thân, việc này dẫn tới đổ vỡ gia đình hoặc làm hư hỏng những thế hệ kế tiếp. Cái giá đó quá lớn để trả bạn ạ.

Tôi hiểu những việc này đều không dễ. Giống như với sức khoẻ vật lý, thay đổi chế độ ăn lành mạnh nói thì nhanh, chứ làm thì vô cùng khó khăn và chậm chạp. Nhưng tôi hy vọng nói lên những điều này sẽ gióng một hồi chuông cảnh tỉnh.

Tất cả sẽ bắt đầu từ sự nhận thức đúng đắn. Với nhận thức này, chắc chắn bạn sẽ thay đổi được.

https://lifechange.vn/suc-khoe-tinh-than/