Năm ngoái, tôi có một thời gian ngồi làm việc tại một văn phòng chia sẻ (co-working space) ở Thảo Điền, quận 2. Tôi làm việc chung với Dave và Phil, hai người bạn quốc tịch Anh. Khoảng thời gian đó Dave hơi bận bịu, nên tôi ngồi ở văn phòng với Phil là chính.
Phil giống tôi, là tuýp người ít nói, thích tập trung làm việc, nên chúng tôi rất hân thưởng sự yên tĩnh của người kia. Làm việc cùng phòng với Phil thì cũng gần như được làm việc một mình. Ngoại trừ tiếng lách tách gõ bàn phím và tiếng máy lạnh thở phì phò, chúng tôi được hưởng thụ sự tĩnh lặng hiếm hoi giữa Sài Gòn náo động. Không tán gẫu, không mượn đồ, không làm phiền. Nếu có điện thoại, chúng tôi ra phòng họp bên ngoài để trả lời. Tính ra trong 8 tiếng làm việc, chúng tôi nói chuyện với nhau không quá 15 phút. Thường là tôi hoặc Phil mời nhau một ly cafe. Hoặc Phil hỏi tôi một vài câu tiếng Việt khi cậu ấy gặp khó khăn do tự học trực tuyến. Hoặc tôi hỏi Phil cách hành văn tiếng Anh sao cho chuẩn hơn. Nói chung đó là một giai đoạn đặc biệt êm đềm và dễ chịu.
Bên cạnh vài câu thăm hỏi ấy, thường cuối ngày trước khi về chúng tôi có thảo luận với nhau những chủ đề lớn lao hơn một chút. Chúng tôi nói về sự khác biệt của phương Đông và phương Tây, tâm lý học Carl Jung và Sigmund Freud, nghệ thuật NFT, hay học hỏi thêm về văn hoá của nhau. Tôi mạn phép đặt tên cho Phil tiếng Việt là Phiêu. Nghe cũng hay đấy nhỉ.
Gần Giáng Sinh năm ngoái, tôi hỏi Phiêu một câu, “Tại sao lại có ông già Noel (Santa Claus) và ông ta liên quan gì tới việc Chúa ra đời?” Đây là một câu hỏi hơi oái oăm. Ở chỗ là có nhiều sự việc có vẻ khá hiển nhiên. Do chúng xuất hiện khắp nơi nên chúng ta đôi lúc quên mất thắc mắc về nguồn gốc của chúng. Giáng sinh và ông già Noel là một sự kiện như vậy. Ai cũng biết đây là ngày chúa giáng sinh, và ông già Noel ở Bắc cực tặng quà cho trẻ con ngoan ngoãn bằng cách lẻn vào nhà qua đường ống khói. Nhưng chúng thì liên quan gì tới nhau nhỉ?
Nhiều bạn Tây đã không trả lời được tôi. Phiêu thì khác. Phiêu đã từng và vẫn đang là một người Thiên Chúa Giáo thuần thành. Bạn ấy sâu sắc, thích đọc và có nhiều kiến thức. Bạn ấy lý giải về thánh Nicholas (hay tên Hà Lan Sinter Klaas) và nguồn gốc xa xôi hơn của ông già Tuyết từ văn hoá dân gian phía Bắc châu Âu. Phiêu luôn làm giàu kho kiến thức của tôi như thế. Cách kể chuyện của bạn ấy từ tốn, chính xác và nhiều điểm nhấn ở những chi tiết thú vị.
Lan man thế nào, chúng tôi lại quay sang chủ đề tôn giáo. Tôi hỏi Phiêu tại sao bạn ấy lại theo Thiên Chúa Giáo. Phiêu nói, đó là một câu hỏi bạn ấy đã thắc mắc trong suốt những năm tháng thời trai trẻ. Bạn ấy thú thực, bạn ấy không thể chứng minh được kinh Thánh là đúng đắn. Có lẽ chẳng ai làm được. Và suy xét cho cùng, bạn ấy đã phải lựa chọn giữa tin hay không tin. Đây là một sự lựa chọn của trái tim, và không thể dùng lý trí để làm công cụ trợ giúp.
Sau nhiều trăn trở, Phiêu quyết định chọn đức tin, và không bao giờ thắc mắc về việc này nữa. Bạn ấy nói bạn ấy không hối hận về quyết định đó, thậm chỉ cảm thấy quyết định này giúp bạn ấy trở thành một con người như hiện tại. Một quyết định sáng suốt.
Đôi lúc trong cuộc sống khi gặp các vấn đề nan giải, tôi nghĩ chúng ta có thể học theo Phiêu. Hãy cân nhắc kỹ và nghe theo tiếng gọi của con tim. Một vấn đề có thể không có đúng sai, mà quan trọng hơn là hướng đi ta chọn sẽ thay đổi chúng ta như thế nào. Khi đã chọn rồi, hãy theo tới cùng. Cho tới khi không thể theo được nữa, và chúng ta biết chắc là tại sao.
Đừng đi nước đôi và sống ba phải. Việc ấy dễ làm hỏng tính cách.
Chúc các bạn một dịp Giáng Sinh an lành.
https://lifechange.vn/santa-claus-va-chua-jesus/