“Bố yếu lắm rồi. Gọi lại cho anh ngay.” Vừa bước ra khỏi cuộc họp, Lâm mở điện thoại lên thì thấy tin nhắn và hai cuộc gọi nhỡ. Lâm lập tức gọi điện lại cho anh trai mình.
“Alo, Lâm à. Về nhà ngay bố yếu lắm rồi,” giọng Hải vang lên phía bên kia đầu dây.
“Bố bị sao hả anh?”
“Tối qua bố nhiễm trùng máu, may mà nhà mình đưa đi cấp cứu kịp. Nhưng bác sỹ bảo cụ như ngọn đèn trước gió rồi. Người nhà nên về với cụ trước khi quá muộn.”
“Để em đặt vé bay về luôn.”
“Vé của chú đã được đặt rồi. Cu Long đã check-in online cho chú luôn. Nó gửi hết thông tin vé vào Zalo. Chú chỉ việc ra sân bay. Xách tay thôi để lên máy bay luôn, đừng ký gửi hành lý.”
“Vâng, cám ơn anh. Em đi luôn đây.”
Sau cuộc điện thoại, Lâm vẫn chưa bình tĩnh ngay được trở lại. Đã hai cái tết rồi anh chưa về nhà. Năm ngoái anh nhận tin ông cụ bị ung thư dạ dày, giai đoạn 3B. Nhưng sau đó phẫu thuật tốt nên có dấu hiệu khoẻ lại. Vì lúc đó chạy tiến độ dự án, Lâm không có điều kiện về nhà.
Thi thoảng anh cũng gọi điện hỏi thăm bố nhưng hai bố con khắc khẩu. Ông già muốn Lâm nối nghiệp kinh doanh của gia đình. Lâm thì lại thích theo đuổi đam mê nghệ thuật và làm hoạ sỹ. Từ khi bố bệnh Lâm càng ngại gọi cho bố vì sợ bố dùng bệnh tật ép mình về nhà.
Lâm mở Zalo lên thì đã thấy vé và mã QR check-in. Anh Hải vẫn luôn chu đáo như thế. Lính của anh ấy tác phong cũng y hệt. Nói năng lễ phép nhưng ngắn gọn, chính xác.
Chuyến bay cất cánh vào lúc 12:30. Bây giờ là 10:46, vẫn còn đủ thời gian. Không để lãng phí một giây phút, Lâm gửi tin nhắn cho sếp xin nghỉ mấy ngày rồi bắt taxi ra sân bay luôn.
* * *
“Bố ơi, bố sao rồi?” Hải mở cửa phòng, bước lại gần ông cụ và dịu dàng hỏi thăm.
“Bố đỡ rồi,” ông Viên nói. Trông ông rất mệt mỏi, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, đôi mắt tròn, nhỏ và sáng. “Con gọi Lâm về nhà nhé”.
“Vâng, con đã đặt vé cho em về rồi. Chiều là em về tới nhà bố ạ.”
“Con làm thủ tục cho bố xuất viện. Chiều nay ba bố con mình cần hàn huyên với nhau. Bố không còn nhiều thời gian con ạ.”
“Nhưng bác sỹ bảo bố nên nghỉ ở viện một tuần rồi hẵng về. Chẳng may có chuyện gì thì họ còn kịp chăm sóc cho bố.”
“Hải nghe bố. Bố quyết rồi. Bố biết mình cần làm gì. Hải giúp bố nhé,” ông Viên chậm rãi nói đều đều nhưng rất có lực. Mặc dù đã như ngọn đèn cạn dầu, âm thanh của ông vẫn rành rọt và có một sự uy nghiêm khiến người nghe phải tuân theo, không cãi lại được.
“Vâng để con lo. Bố nghỉ ngơi đi,” Hải khẽ thở dài, anh quá hiểu tính ông. Khi ông đã gọi tên các con, nghĩa là ông rất nghiêm túc. Không thể nào lay chuyển được.
* * *
Hải và Lâm bước vào phòng. Ông cụ đang ngồi tĩnh tâm trên ghế tràng kỷ. Dường như không khí ở nhà làm ông Viên khoẻ hơn. Thần sắc ông tốt hơn lúc ở viện rất nhiều.
Thấy hai con tới, ông mở mắt ra nói, “Hai đứa ngồi xuống đi.”
“Sao bố không nằm mà lại ra ghế ngồi thế này?” Hải lo âu hỏi.
“Không sao, bố nằm nhiều mỏi người, ngồi một tý lại thấy dễ chịu hơn.”
“Con chào bố. Bố thấy thế nào rồi ạ?” Lâm rụt rè lên tiếng.
Ông Viên quay sang nhìn Lâm. Khuôn mặt nghiêm nghị của ông giãn ra một chút. Thằng con trai này lúc nào cũng làm ông bực nhưng nó rất ngoan. Ông rất yêu nó. Tiếc một cái, nó chẳng bao giờ nghe lời ông. Mà nghĩ lại thì là đàn ông, có thằng nào chịu nghe theo lời bố đâu. Chính ông cũng đã không nghe theo lời bố mình mà bỏ quê hương đi lập nghiệp, rồi mới có cơ đồ như ngày hôm nay.
“Lâm à, con đã về rồi à,” ông Viên trìu mến nói, “bố không khoẻ lắm nhưng bố ổn. Bố không còn nhiều thời gian nên muốn gặp các con lần cuối.”
“Bố đừng nói thế. Bố sẽ còn sống lâu mà,” Lâm trào nước mắt nghẹn ngào nói.
“Bố cũng muốn nghĩ như thế lắm. Nhưng mình nên đối mặt với sự thực thay vì lảng tránh nó, con ạ,” ông Viên cười rồi nói tiếp, “mà ai chẳng chết một lần. Có gì mà phải sợ hả con?”
Ông cụ quay sang Hải và bảo, “Hải nói chị giúp việc pha một ấm trà ngon nhé. Bố con ta sẽ hàn huyên một chút.”
Ba bố con ngồi ôn lại những chuyện từ hồi còn bé thơ. Thi thoảng ba người lại cười khúc khích. Hai anh em rất may mắn vì có một tuổi thơ đầy đặn. Dù mẹ mất sớm nhưng ông Viên không đi bước nữa, mà dành hết thời gian cho gia đình nhỏ của mình. Thế nên Hải và Lâm rất hiếm khi cảm thấy buồn tủi. Và họ rất yêu bố.
Ông Viên tuyệt nhiên không đề cập tới việc công ty. Ông chỉ hỏi thăm hoàn cảnh sống của Lâm và bày tỏ sự quan tâm. Sau gần hai tiếng trò chuyện, ông chợt nói, “Hải có nhìn thấy cái đĩa gốm trên kệ không con?”
“Cái đĩa men ngọc có hình hoa sen ấy hả bố?”
“Đúng rồi con ạ. Con lấy xuống cho bố. Cẩn thận nhé.”
Hải lấy cái đĩa xuống và đặt lên bàn. Ông Viên nói, “Con thấy cái đĩa này thế nào.”
“Chắc là đồ cổ hả bố?” Hải hỏi, “con thấy cũng bình thường, nước men hiện đại đẹp hơn nhiều, độ cứng và sắc nét trong hoạ tiết cũng hơn xa. Ngày xưa hình như khó đạt được nhiệt độ nung như ngày nay nên gốm không đẹp bằng.”
“Con có biết cái đĩa này trị giá bao nhiêu không?” ông Viên trầm ngâm hỏi.
“Con chịu. Cỡ mấy chục triệu không bố?”
“Chú Tám Sang trong Sài Gòn xin đổi một căn chung cư cao cấp lấy cái đĩa này mà bố không chịu đấy,” ông Viên phì cười.
“Trời ơi. Cái đĩa này sao đắt thế hả bố?” Hải ngơ ngác. Cậu không bao giờ nghĩ cái đĩa đục ngầu tầm thường này lại đắt đến như vậy.
“Đĩa này là đỉnh cao của đồ gốm thời nhà Lý. Nó là một trong những cổ vật gốm sứ hiếm hoi ở thời này mà được bảo quản ở tình trạng hoàn hảo con ạ. Nó không như các sản phẩm vô hồn thời nay đâu. Men thoáng nhìn thì rất đục nhưng thực ra rất trong, thành gốm dày nặng nhưng cảm giác rất mỏng nhẹ, hoa văn chìm nhưng nhìn rất nổi và tiếng gõ nghe trong trẻo như tiếng ngọc.”
Ông Viên cẩn thận cầm chiếc đĩa lên, dùng các ngón tay ve vuốt nó đầy trìu mến, sau đó ông nói tiếp, “Người ta thử phục chế gốm thời Lý Trần nhưng các tác phẩm phục chế còn thô dại lắm. Họ có thể tiếp cận từ phía khoa học như con nói: nhiệt độ nung, hàm lượng oxit sắt hay đồng cho men gốm… Nhưng họ không bao giờ tiệm cận đến được cái sự thô phác cao nhã đầy chất thiền của gốm thời Lý Trần.”
Ông Viên nhấp một ngụm trà, đưa cái đĩa cho Hải rồi nói, “Giờ con nhìn lại một lần nữa xem cái đĩa này có đẹp không?”
Hải cầm chiếc đĩa lên và bắt đầu nhìn kỹ. Sau khi nghe ông Viên nói, anh bắt đầu mới để ý thấy sự kỳ diệu của chiếc đĩa này. Đúng là men đĩa thoáng nhìn thì rất đục nhưng nhìn kỹ thì vô cùng trong trẻo. Cái đĩa trông thì nặng nề mà cầm lên hết sức nhẹ nhàng tinh tế. Hoa văn điêu khắc chìm, trông thì ngây ngô nhưng lại đạt đến một sự hài hoà không diễn tả được bằng lời. Hải không thể rời mắt khỏi chiếc đĩa mà cứ mân mê nó mãi. Lần đầu tiên trong đời anh hiểu được cái thú của người chơi đồ cổ. Thảo nào có những người táng gia bại sản vì những món đồ như thế này.
“Nó là đồ phục chế, Hải ạ,” ông Viên nói.
“Hả? Cái gì? Nó là đồ giả hả bố?” Hải giật mình.
Ông Viên nhìn khuôn mặt ngơ ngác của Hải phá lên cười. Ông hấp háy đôi mắt trí tuệ và hỏi, “Thế con nghĩ một món đồ quý giá đến vậy mà bố có thể để tơ hơ như thế này à?”
“Bố lại đùa con thế. Làm con mê mẩn cái đĩa này từ nãy tới giờ.”
“Ha ha. Thế giờ con nhìn lại xem nó như thế nào?”
Hải nhìn lại cái đĩa và bỗng dưng phát hiện ra những điểm bất toàn của nó. Đúng là vụng thật, ai mà lại đi làm như thế này. Các hoạ tiết nhìn như trẻ con vẽ nguệch ngoạc lên. Khéo cu Bi vẽ cũng được.
“Không còn thấy đẹp nữa đúng không?” ông Viên cười.
“Dạ vâng ạ.”
“Đây là bài học cuối cùng bố dành cho Hải nhé,” ông Viên từ tốn nói, “mình làm kinh doanh, cái mình bán không phải là một món đồ con ạ. Mình bán một câu chuyện đi kèm với nó. Chẳng ai bỏ tiền tỷ để mua một cái đĩa. Người ta bỏ tiền tỷ để mua thăng trầm của cái đĩa ấy. Tương tự như thế, sau này con cần tạo ra những câu chuyện, những huyền thoại cho các sản phẩm của mình. Hoặc là mượn những huyền thoại ấy để nâng tầm nó lên. Chỉ có như vậy con mới bán được giá cao. Thậm chí là giá cao ngất ngưởng. Nhưng không được lừa đảo con nhé,” ông Viên nghiêm giọng.
“Con hiểu rồi bố ạ,” Hải đặt chiếc đĩa xuống và gật đầu.
Rồi ông Viên quay sang Lâm.
“Lâm nghĩ sao về cái đĩa này?”
Lâm cầm cái đĩa lên ngắm nghía. Không như Hải, anh thấy trân trọng món đồ này. Dù chỉ là sản phẩm phục chế, nhưng Lâm thấy nó rất đẹp. Các nét vẽ không ngô nghê chút nào mà đầy ý tứ. Là người được đào tạo mỹ thuật bài bản, Lâm cảm nhận được sự chất phác và tự nhiên trong các hoạ tiết này. Anh thấy người phục chế đích thực là một nghệ sỹ chân chính. Anh ta đã dùng cả tâm hồn để phục dựng chiếc đĩa cổ.
“Con thấy chiếc đĩa này tuyệt vời lắm. Người làm ra nó là một nghệ sỹ rất tài năng. Nếu là con, con chẳng thể vẽ được những nét vẽ này bố ạ.”
“Lâm giỏi lắm,” ông Viên gật đầu nói, “chiếc đĩa này được làm cực kỳ tài tình,” ông uống thêm một hớp trà rồi trầm ngâm một lúc. Sau đó ông nói tiếp, “Lâm ạ, cái đĩa này rốt cuộc con coi nó là cái gì?”
“Với con nó là một tác phẩm nghệ thuật chân chính,” Lâm nói ngay không cần suy nghĩ.
“Nó chỉ là cái đĩa gốm thôi Lâm ạ. Chỉ có con người chúng ta mới vẽ vời thêm các giá trị tinh thần cho chiếc đĩa này,” ông Viên nhấn mạnh, “nó chỉ là một cái đĩa bằng đất được nung lên thôi con ạ.”
“Con không đồng ý lắm,” Lâm cắn môi nói, “có nhiều cái đĩa đất nung, đây là một cái đĩa đất nung rất đặc biệt mà người tạo ra nó đã dành rất nhiều tình cảm và thời gian để làm nên.”
“Con nói không sai. Nhưng cuối cùng thì nó cũng chỉ là một cái đĩa đất nung đúng không con?” ông Viên nói và nhìn thẳng vào mắt con trai. Đôi mắt ông trong veo và đầy tình thương. Trong một giây phút, Lâm cảm thấy khuôn mặt ông như mờ ảo như sương và chỉ còn đôi mắt sáng rực lên. Cũng trong khoảnh khắc ấy dường như Lâm hiểu ra được một điều gì đó. Anh chạm đến một cái gì đó mơ hồ ở bên trong mà anh không diễn tả được.
Đúng là nó chỉ là một cái đĩa đất nung. Tất cả những giá trị mà loài người tô vẽ thêm chỉ là cách mà giống linh trưởng này vẫn luôn làm, tưởng tượng ra và đi thuyết phục người khác tin vào trí tưởng tượng của mình. Rốt cục thì nó cũng chỉ là vài nét vẽ nguệch ngoạc trên một cái đĩa đất. Chúng ta có thể dành hàng năm trời để tán dương vẻ đẹp của nó, nhưng sự thật là: đây chỉ là một cái đĩa đất.
“Con hiểu ý bố. Nhưng con chưa hoàn toàn chấp nhận được sự thực ấy,” Lâm trả lời.
“Con hãy mang hình ảnh cái đĩa đất nung ấy theo hành trình của đời mình nhé. Đó là bài học cuối cùng bố tặng con,” ông Viên dừng lại một chút rồi nói tiếp, “và bố cũng muốn xin lỗi vì đã luôn bắt con phải làm việc mà con không thích. Hai năm nay bố cũng đã hiểu ra, cái công ty nhà mình nó cũng như cái đĩa đất nung này thôi. Nó chỉ là một công việc. Ai thích thì làm, không thích thì thôi.”
Khoé mắt Lâm đỏ hoe. Anh nắm tay bố và bảo, “Bố không có lỗi gì hết. Là do con bướng bỉnh, con chẳng bao giờ nghe lời bố. Chỉ có điều đây là tương lai của con, con không muốn làm một anh thủ quỹ bố ạ. Bố hiểu cho con nhé.”
“Con hạnh phúc là bố vui rồi Lâm ạ,” ông Viên cười hiền hoà.
Rồi ông cầm cái đĩa lên, ông nâng niu nó tha thiết như thể đang nắm tay một người bạn tri kỷ. Ông nói, “Nãy là bố muốn dạy cho các con, nên bố đùa với tâm trí của các con một chút. Cái đĩa này đúng thật là cổ vật từ thời Lý các con ạ, không phải đồ phục chế.”
Ông Viên im lặng một lúc lâu rồi nói tiếp, “Và đây là bài học cuối cùng dành cho bố.”
Nói rồi ông thả tay ra, chiếc đĩa rơi xuống đất, vỡ tan thành từng mảnh.
https://lifechange.vn/chiec-dia-gom-co/