Những đứa trẻ không chịu lớn

Trái ngược với giáo dục phương Tây, giáo dục ở Việt Nam có khá nhiều vấn đề nổi cộm, đặc biệt là sự thất bại trong việc rèn luyện ra những cá nhân độc lập tự chủ.

Có thể do thời kỳ chiến tranh quá cực khổ, sau khi hết thời bao cấp, các bậc phụ huynh thích chăm bẵm con em mình thái quá. Ở một gia đình trung lưu điển hình của Việt Nam, trẻ em không cần rửa bát, nấu cơm, giặt giũ, thậm chí không dọn giường của mình. Bố mẹ hoặc giúp việc sẽ đảm nhận phần này. Các em chỉ việc ăn và học. Học giỏi lớn lên đi làm kiếm nhiều tiền là thành công mỹ mãn.

Ở trường học, việc giáo dục mang tính một chiều, đàn áp. Các bộ môn khoa học tự nhiên có đáp án thì không nói, các bộ môn có tính nghệ thuật như văn học cũng có một barem chấm điểm. Học sinh cần học thuộc cách phân tích và bình luận một bài văn – cách tiếp cận y như học thuộc các công thức hoá học hay vật lý. Cảm thụ cá nhân, phê bình góp ý không phải là những ký năng được đánh giá cao. Thậm chí còn bị gọi là láobướngkhông nghe lời, nhẹ thì là có cá tính. Còn việc phản biện lại giáo viên, quên đi!

Hệ quả là khi lớn lên các em:

Không biết tự lo cho bản thân

Việc giáo dục gia đình lệch lạc dẫn tới khi trưởng thành các em không biết tự lo cho bản thân. Không biết làm việc nhà thường dẫn tới lối sống cẩu thả, bừa bãi, ăn cơm hàng cháo chợ, không có ý thức về sức khoẻ do thiếu kỹ năng sống; sau đó là lười lao động chân tay, ít năng lượng trong cuộc sống và phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình. Khi kết hôn phải ra ở riêng thì rất dễ phát sinh mâu thuẫn với vợ/chồng của mình.

Các bậc phụ huynh cần nhớ: chính các tính cách tốt sẽ dẫn tới một sự nghiệp tốt và sự yêu quý của những người xung quanh. Điều này quan trọng hơn cả kỹ năng chuyên môn. Việc giáo dục các em làm việc nhà và chịu trách nhiệm cho các hành vi của mình từ khi nhỏ là một việc hết sức quan trọng. Bất cứ một người trưởng thành nào cũng cần trang bị đủ kỹ năng chăm lo bản thân như biết tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, ngoại hình tươm tất và có sức khoẻ tốt.

Sẽ có bạn phản biện rằng có tiền sẽ giải quyết hết. Có tiền sẽ thuê được giúp việc, ăn nhà hàng hay outsource khâu giặt là quần áo ra bên ngoài. Làm việc nhà mất thời gian và ảnh hưởng tới công việc chính. Thời gian để làm việc nhà thì kiếm ra được ối tiền.

Câu trả lời của tôi là: lao động cần được coi là một hình thức kỷ luật bản thân. Khi có trách nhiệm với bản thân và biết cách quản lý bản thân, ta mới biết quản lý gia đình và các nhân viên cũng như các mối quan hệ xã hội. Các em học sinh sinh viên cũng chưa quá bận rộn và nên trang bị những kiến thức này sớm, khi chưa phải đương đầu với cơm áo gạo tiền. Người lớn đã trưởng thành cũng nên nấu ăn hoặc tự chăm sóc bản thân để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất cho cả gia đình.

Không biết xử lý các vấn đề giao tiếp cá nhân

Kỹ năng thiếu sót thứ hai của thế hệ trẻ đó là khả năng xử lý các vấn đề giao tiếp cá nhân. Hoặc tuyệt đối phục tùng, hoặc la làng lên cãi lại. Đó là hai giải pháp phổ biến của các em. Rất ít em được trang bị kỹ năng thuyết phục hoặc đàm phán.

Nghe thì đao to búa lớn, trên thực tế nó chỉ đơn giản là nói ra điều mình muốn và giải thích cho người đối diện hiểu, thay vì chấp nhận một điều mình không thích, hoặc phản ứng thái quá khi không hài lòng.

Dỗi. Đó là thứ tôi không mong muốn nhưng lại gặp rất nhiều trong công việc. Nó là sự bất đồng âm ỉ, thụ động không được phát ra thành lời mà hiển hiện trong những cái đóng cửa sầm sập, nhưng tiếng gõ phím bực bội và các khuôn mặt cau có. Dỗi có khi còn khó chịu hơn là tranh luận, thậm chí cãi nhau. Điều đó thực sự cần điều chỉnh. Chúng ta chỉ có thể trưởng thành khi dám nói ra và đấu tranh vì những gì mình nghĩ là đúng. Dỗi đồng nghĩa với việc không đủ dũng cảm để lên tiếng.

Đùn đẩy cho sếp xử lý các mâu thuẫn cá nhân cũng là một điều thường thấy. Đúng là sếp có vai trò phân xử khi các mâu thuẫn nội bộ được đẩy lên đỉnh cao, nhưng các nhân viên cần tự giải quyết các vấn đề cá nhân nhỏ. Việc hở ra là gọi sếp, nhắn tin riêng, bất bình chỉ cho sếp thấy các em đã thiếu năng lực dàn xếp cuộc sống và các mối quan hệ của mình. Một người nhân viên tốt luôn nỗ lực đóng góp khiến công ty trở nên tốt đẹp hơn chứ không nên gây ra nhiều phiền toái.

Viết Facebook bực tức vu vơ không chỉ đích danh, đây cũng là một phương pháp giải toả rất trẻ con. Hành động này khiến tất cả mọi người có cảm giác “có phải nó nói mình không nhỉ?” và sẽ đánh giá thấp người đăng bài. Nếu bài viết có một đối tượng cụ thể, việc cần làm là liên hệ trực tiếp và giải quyết riêng, chứ không phải các dòng trạng thái không người nhận đầy bực bội và tiêu cực.

Không biết hoạch định cuộc đời

Môi trường giáo dục mang tính đàn áp, không rèn luyện khả năng phản biện và tư duy độc lập dẫn tới các em sinh viên ra trường rất thụ động. Rất nhiều em không có khả năng vạch ra các hướng đi cho cuộc đời của mình.

Việc hoạch địch cuộc sống nghe thì to tát, nhưng nó chỉ đơn giản là việc trả lời những câu hỏi như:

  • Bạn muốn trở thành người như thế nào?
  • Làm thế nào để đi tới đó?
  • Các bước hiện tại cần làm là gì?
  • Có rủi ro gì khi thực hiện các điều này không? Cách khắc phục?

Ai cũng có thể trả lời được những câu hỏi nếu nghiêm túc nhìn lại cuộc đời, phân tích điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Nhưng rất ít người làm mà thường buông xuôi cho dòng đời xô đẩy.

https://lifechange.vn/nhung-dua-tre-khong-chiu-lon/