Bạn nghĩ rằng bạn vẫn còn trẻ và đột quỵ là chuyện xa vời? Đừng chủ quan. Đột quỵ không chỉ còn là mối lo của người lớn tuổi. Ngày này đột quỵ đang xảy ra ngày càng nhiều với những bệnh nhân ở độ tuổi dưới 45.
Đột quỵ là một tổn thương não xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não thiếu ô-xy và dinh dưỡng khiến các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Đột quỵ là một bệnh lý thường gặp với hậu quả có thể rất nặng nề.
Chính vì tâm lý lơ chủ quan, nhiều người trẻ tuổi đã không quan tâm tới những dấu hiệu đột quỵ để sớm phòng ngừa. Tôi có trao đổi với bác sỹ Nguyễn Anh Quân, hiện đang công tác tại Viện Tim Mạch Trung Ương, để tìm hiểu thêm về đột quỵ và xin chia sẻ lại với các bạn.
Người trẻ tuổi có thể bị đột quỵ hay không?
Tuyệt đối có thể. Trên thực tế, có khoảng 10% các ca đột quỵ diễn ra với bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Rất ít người “tự nhiên” bị đột quỵ mà đều có bệnh lý nền tiềm ẩn chưa được phát hiện. Đột quỵ thường xảy ra ở người trẻ tuối do các yếu tố di truyền, hoặc lối sống không lành mạnh.
Các yếu tố di truyền góp phần gây đột quỵ bao gồm: phình động mạch não, bệnh tim mạch, các bệnh lý về máu, các bệnh lý chuyển hoá (như tăng Cholesterol máu có tính chất gia đình…)
Ngoài các yếu tố di truyền, sau đây là danh sách yếu tố nguy cơ không kiểm soát có khả năng gây đột quỵ theo thứ tự giảm dần:
- Hút thuốc lá / lào hay sử dụng chất ma tuý
- Nghiện rượu
- Thừa cân / béo phì
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Rối loạn mỡ máu
- Tiền sử đột quỵ trong quá khứ
- Lối sống ít vận động, không kiểm soát stress
- Thuốc uống tránh thai (tăng nguy cơ cho phụ nữ gấp 2-5 lần)
Các triệu chứng đột quỵ cần lưu ý
Để dễ nhớ, bạn có thể tự kiểm tra với nguyên tắc FAST như sau:
- F (Face): Biến đổi ở mặt, có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi. Biểu hiện rõ khi cười, nhe răng.
- A (Arm): Yếu liệt tay chân. Không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó khăn.
- S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
- T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Khung thời gian vàng cấp cứu những ca đột quỵ là trong vòng 3-6 giờ. Muộn hơn có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế.
Thay đổi lối sống để phòng tránh đột quỵ
Nếu bạn còn trẻ, khả năng phục hồi sau đột quỵ sẽ cao hơn người lớn tuổi đáng kể. Nhưng ở một số trường hợp đáng tiếc vẫn để lại tổn thương vĩnh viễn, thậm chí khiến bệnh nhân không thể quay trở lại sinh hoạt như trước đó.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, sau đây là một số điều chỉnh cần thiết trong lối sống để phòng tránh đột quỵ.
Bỏ hút thuốc. Nếu không bỏ được, giảm hút thuốc cũng làm giảm nguy cơ đột quỵ. Một nghiên cứu khoa học xuất bản năm 2018 trên tạp chí Stroke đã cho thấy mối liên quan tỷ lệ thuận giữa số lượng thuốc hút và nguy cơ đột quỵ. Tôi sẽ chia sẻ phương pháp bỏ hoặc giảm hút thuốc ở một bài viết trong tương lai gần.
Tập thể dục. Chỉ cần tập ba mươi phút mỗi ngày sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ. Tập thể dục đem lại sức khoẻ, niềm vui trong cuộc sống và tăng khả năng tập trung và làm việc. Nếu bạn còn trẻ, hãy hình thành thói quen tập thể dục.
Chế độ ăn lành mạnh. Giảm ăn mặn. Đồ ăn nhanh và đồ hộp chứa quá nhiều muối. Hãy ưu tiên thực phẩm tươi sống và cố tự nấu ăn nếu có thể. Ngoài ra khi ăn đồ nước như phở, hủ tíu, bún bò, đừng húp hết nước dùng vì chúng được nêm rất nhiều muối.
Khám sức khoẻ định kỳ. Người trẻ tuổi nên khám 3-6 tháng / lần là tối ưu, không thì nên khám hàng năm. Nếu bạn ngần ngại đi khám, bạn chính là đối tượng cần đi khám nhất.
Nếu có triệu chứng nghi ngờ, cần khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh, làm các thăm dò chẩn đoán (siêu âm động mạch cảnh, cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ não – mạch não…) để phát hiện sớm các bất thường (nếu có).
Hãy trân trọng và bảo vệ sức khoẻ bản thân. Đó là trách nhiệm của một người trưởng thành với chính mình và nhưng người xung quanh.
https://lifechange.vn/dot-quy-nguoi-tre-tuoi/