Trong tuần vừa rồi có hai làn sóng thông tin mới vô tình ập qua cuộc đời rất đỗi nhàm chán của tôi. Thứ nhất là bộ phim đình đám từ trước Tết Tiệc Trăng Máu. Thứ hai là cuốn sách Thần Số Học. Vô tình hai sự kiện này cùng liên quan tới một chủ đề chung, đó là việc vén màn những bí mật.
Tiệc Trăng Máu là bộ phim làm lại từ nguyên bản bộ phim Perfect Strangers của Ý (2016). Kịch bản của bộ phim khá đơn giản. Một nhóm bạn lâu năm tụ họp lại và quyết định chơi một trò chơi tưởng chừng như rất đơn giản: công khai toàn bộ tin nhắn và cuộc gọi trong buổi tiệc đó. Chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi, tất cả những bí mật bị công khai đã dẫn tới những bi kịch không ai có thể lường tới. Từ giới tính thứ ba cho tới ngoại tình, nợ nần tiền bạc cho tới âm mưu tống bố mẹ vào nhà dưỡng lão; đủ hết drama xấu xí quanh một chiếc bàn ăn đã bị phơi bày.
Sau khi xem xong, đọng lại trong tôi là một câu hỏi lớn. Liệu chúng ta có nên đào sâu vào bí mật đời tư một con người? Hay hãy chấp nhận họ như những gì ta được biết công khai, và né tránh phần bí ẩn bên trong. Cái phần tăm tối này liệu có thể chứa đựng những con quái vật khủng khiếp, chỉ chực chờ xông ra nuốt chửng linh hồn của chúng ta?
Cùng thời điểm này, Thần Số Học (Numerology) là một cuốn sách đang bán rất chạy trên thị trường. Nó được marketing tốt với sự quảng bá của nhiều người nổi tiếng trong và ngoài nước. Về cơ bản, cuốn sách dựa trên quan điểm của những nhà tư tưởng lớn (tiêu biểu là ngài Pythagoras) về những con số. Bạn cộng ngày tháng năm sinh của mình theo quy luật nhất định cho tới khi ra được một con số có 1 chữ số. Dựa vào nó, bạn sẽ có một lượng thông tin riêng cho phép bạn hiểu hơn về cuộc đời đại diện bởi con số này. Nghe khá hấp dẫn phải không nào?
Cơ sở nào cho những lý thuyết này?
Tương tự như 12 cung Hoàng Đạo hay 12 con giáp, Thần Số Học là một nỗ lực tổng quan hóa và phân chia con người thành những nhóm tính cách lớn. Việc này giúp cho người đọc có thêm thông tin để đưa ra quyết định cho bản thân hay với người khác, hoặc chỉ đơn giản là có thể hiểu rõ hơn về con người họ.
Bạn có thể thấy các bộ môn này ngầm biểu lộ mong muốn nhìn thấu bản chất con người. Chúng hỗ trợ phán đoán xu hướng hành động chỉ với duy nhất một dữ liệu công khai là ngày (và giờ) sinh.
Tôi thích dùng một ví dụ như sau. Tôi nhận được một cái hộp quà. Các bộ môn tử vi lý số sẽ dựa vào hình dáng màu sắc hoặc thời gian nhận được cái hộp và tìm cách đoán xem món quà là gì, do ai gửi, tốt hay xấu…
Cá nhân tôi thấy việc phân chia con người thành một nhóm giới hạn tính cách và xu hướng không hẳn là chuyện sai nhưng có lẽ hơi chủ quan và chung chung. Tôi nghĩ tâm trí và tính cách loài người thì phức tạp hơn như thế nhiều.
Điều làm tôi thắc mắc hơn là: Lý thuyết nền của những bộ môn này là gì? Tại sao tôi phải tin những lý thuyết này?
Tại sao con người với con số đại diện là số 5 sẽ có tính cách ABC. Do thống kê xác suất? Hay do gen quy định? Ảnh hưởng từ trường của các tinh tú tại thời điểm sinh ra? Chứng minh điều này như thế nào?
Với tôi để một lý thuyết có thể ảnh hưởng và khiến mình bị thuyết phục, tôi rất mong muốn hiểu cặn kẽ cơ sở của chúng và tại sao lại đi tới kết luận như vậy. Nếu không được giải thích thỏa đáng thì rất khó để tôi tin tưởng.
Liệu chúng ta có nên đặt niềm tin vào những điều được nói ra cách đây hơn một ngàn năm mà không có một cơ sở lý luận nào làm nền tảng và không được chứng minh chặt chẽ? Như vậy có phải là mê tín (niềm tin mê muội) hay không.
Vậy còn năng lực đánh giá của bản thân?
Điều thứ hai tôi rất thắc mắc, đó là khi tin theo những bộ môn này thì chúng ta bỗng dưng coi nhẹ phán quyết của bản thân. Vô hình chung ta trao quyền quyết định của mình cho một lý thuyết tồn tại từ hàng thiên niên kỷ trước, mà không có sự kiểm định của lý trí.
Quay trở lại với ví dụ của cái hộp. Thay vì nhìn màu sắc và hình dáng của cái hộp, tôi có thể cẩm nó lên, cảm nhận trọng lượng của nó. Tôi có thể lắc nó, nghe nó, ngửi nó, nhìn tên người gửi và phán đoán xem người ấy thích tặng gì… Nghĩa là tôi sẽ thẩm tra toàn bộ cái hộp với trí tuệ và hiểu biết của bản thân để đưa ra một quyết định mà tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tương tự như thế, nếu như tôi muốn hiểu một con người, tôi sẽ quan sát cách anh ta làm việc, cách anh ta đối xử với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhịp sinh hoạt hàng ngày của anh ta. Hay đơn giản là cách anh ta cầm đũa, ăn cơm… Có quá nhiều dữ liệu thiết thực và gần gũi, giúp ta hiểu một con người hơn là ngày sinh của anh ấy.
Tin theo các bộ môn lý số thì rất thú vị khi chúng diễn ra đúng như “sách nói”. Nhưng tiếc thay bạn sẽ bào mòn mất khả năng tư duy ra quyết định, và đặc biệt là khả năng tự soi xét để hiểu về bản thân mình.
Tại sao chúng ta phải xem tử vi để biết mình là ai? Mình có những tính cách gì? Điều này có gì đó hơi vô lý khi việc duy nhất mà ta cần làm là quay lại nhìn vào bên trong bản thân mình 🙂
Quay trở lại với những bí mật “đáng sợ”
Phần lớn chúng ta là bất toàn. Một số ít không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và dần trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng họ cũng vẫn là những lữ khách đang tha phương trên hành trình của riêng mình. Những thiếu sót và sai lầm là điều đương nhiên đối với họ, cũng như với bất kỳ một ai khác trong chúng ta.
Với tôi, mọi cá nhân đều xứng đáng có những khoảng không gian riêng tư. Có thể đó là một điểm yếu chưa sẵn sàng công khai, hoặc một phần ký ức thiêng liêng không thể chia sẻ với người khác. Những điều đó cần được tôn trọng.
Nhưng những bí mật có tính phá hoại thì không. Sự lừa dối, tráo trở, những hành vi khuất tất, nếu có thể bạn hãy từ bỏ chúng càng sớm càng tốt.
Tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng trên đầu ba thước có thần linh. Nghĩa là những gì mình làm thì trời biết, đất biết, và bản thân mình biết.
Đừng làm sai, sẽ có quả báo!
https://lifechange.vn/bi-mat-than-so-hoc/