Nhờ Covid, tôi thấy gần đây phong trào thể dục thể thao ở Việt Nam có vẻ tốt lên. Nhiều người chạy bộ hơn hẳn. Chiều nay ngồi ngắm đường, tôi để ý thấy người già không chạy mấy mà hay đi bộ. Chủ yếu người trẻ chạy là chính. Rất tuyệt.
Nhưng tôi lại quan ngại một thứ, đó là cái băng gối.
Băng gối là đai bảo vệ đầu gối, thường làm bằng chất liệu đàn hồi, nhằm cố định đầu gối, giảm nguy cơ chấn thương. Nhẽ thế thì nó phải tốt chứ nhỉ?
Nhưng không hẳn. Để từ từ tôi sẽ giải thích tại sao.
Đầu tiên, hầu hết các bạn còn trẻ quá. Tuổi ấy tôi đá bóng một tuần mấy buổi mà không sao. Đau thì ngủ một giấc là hết. Vậy mà nhiều bạn đã phải băng gối. Như thế không ổn.
Tôi quan sát kỹ hơn và tạm rút ra vài lý do.
Một số bạn hơi… thừa cân. Do vậy đầu gối tải không nổi trọng lượng cơ thể, nên chấn thương. Khi nói đầu gối tôi bao hàm luôn khớp, dây chẳng và những thứ hầm bà lằng ở chỗ đó nhé.
Một số bạn chạy lâu quá, và chăm quá. Nghĩa là ngày nào cũng chạy với số lượng quá nhiều. Lặp đi lặp lại như thế, nên chấn thương.
Một số bạn hồi trẻ ít chơi thể thao, gân cơ xương chưa khoẻ. Nhưng do tim phổi tốt, chạy không mệt nên cũng cứ chạy mãi. Thành ra cũng chấn thương.
Thực ra tôi cũng đã bị đau dây chằng gối do chạy, có lần dai dẳng tái đi tái lại vài năm, nên tôi cũng có một ít kinh nghiệm. Nhưng tôi không phải bác sỹ, và cũng không chuyên chạy bộ, nên là đây là dăm ba cái giả thuyết nói ra cho vui thôi. Bạn cứ bỏ qua mà tập trung vào chủ đề chính sau đây nhé.
Đó là cơn đau.
Đau thực ra rất cần thiết. Khi mình đau nghĩa là mình làm sai. Mình phải sửa đi cho hết đau. Nếu làm tiếp mà vẫn còn đau thì vẫn còn sai. Phải tiếp tục sửa.
Nếu cơ thể nặng quá, phải giảm cân rồi mới chạy dài. Khi đang béo thì chỉ nên chạy ngắn kết hợp đi bộ. Phải siết phần ăn uống. Việc đó cần thiết hơn.
Nếu chạy nhiều quá thì phải thay đổi cường độ và hình thức vận động. Nên bớt chạy lại và bổ sung các bài tập sức mạnh. Hoặc vẫn tập cardio nhưng bổ sung thêm bơi lội, đạp xe.
Nếu mới tập thì phải kiên nhẫn, chờ cho cơ khớp bắt kịp tim phổi. Tăng lượng tập đều và tuần tự chứ không phải vì phổi khoẻ mà chạy cự li quá dài.
Và trong khi đang sửa sai, hãy dùng chính cơn đau làm thước đo. Phải lấy cơn đau làm thầy.
Đừng uống glucosamine để bôi trơn khớp, đừng uống thuốc giảm đau, đừng băng gối, đừng làm gì cả. Đấy là chữa ngọn. Phải chữa tận gốc.
Mở rộng ra, hãy thử áp dụng tư duy “lấy đau làm thầy” vào những lĩnh vực khác trong cuộc sống nhé. Có thể bạn sẽ phát hiện ra khá nhiều thứ hay ho đấy.
https://lifechange.vn/bang-goi/