
Khi nói tới sự nguy hiểm của AI, người ta hay nói về thất nghiệp trên diện rộng, sự gia tăng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo giữa giai cấp làm chủ AI và phần còn lại, hay viễn cảnh AI “làm cách mạng”, nổi dậy thống trị loài người.
Mình xôi thịt hơn, lại thấy có những thứ đang xảy ra hàng ngày, rất tinh tế và nguy hiểm.
Phải nói AI là lần đầu tiên con người có khả năng offload cognitive abilities đúng nghĩa. Trước đây ta có thể nhờ máy tính làm hộ phần “trâu bò” kiểu như tính toán, Excel… nhưng chưa bao giờ nhờ được máy nghĩ hộ, viết hộ.
Sau mấy năm vật nhau với “nó”, nhờ “nó” làm đủ thứ việc như viết email, proposal, soạn giáo án, chấm điểm, giao bài tập cho con, tư vấn tâm lý, xử lý hồ sơ giấy tờ, dịch thuật, buôn chuyện linh tinh, viết phần mềm… nói chung là đủ thứ; mình nhận thấy có một SỰ BÀO MÒN ÂM THẦM TRONG TƯ DUY.
- Trí nhớ và tư duy độc lập: Việc quá dễ dàng tra cứu thông tin khiến ta có xu hướng phó mặc nhận thức, ít tự mình ghi nhớ và suy nghĩ hơn.
- Giảm sút tư duy phản biện: Thói quen đọc tóm tắt nhanh của AI thay vì tự đọc và nghiền ngẫm khiến ta lười phân tích đúng sai, dễ chấp nhận thông tin một chiều (mặc định AI đúng).
- Mất tự tin vào bản thân: Dần dần, việc để AI gợi ý, từ giải trí đến tin tức, có thể làm suy giảm khả năng tự đánh giá, xa hơn làm sự tự tin vào chính kiến của bản thân (làm gì cũng nhờ AI trước, không có AI bị hoang mang nhẹ).
- Động lực sáng tạo: Khi AI tạo ra nội dung quá dễ, liệu cái niềm vui khi tự mình vật lộn để sáng tạo có bị thay thế bằng việc chỉ ra lệnh cho máy cho nó khoẻ?
Biết là dòng chảy thời đại là tất yếu và khó thay đổi, nhưng đôi lúc các trăn trở ngược dòng này xuất phát từ các câu hỏi hết sức ngớ ngẩn, kiểu như “sau này trẻ con có biết viết không nhỉ?”
Chuyện đang thực diễn ra: bây giờ ở các trường ĐH giáo viên dùng AI chấm bài, sinh viên dùng AI viết bài. Vậy là AI chấm AI. Ai học? Ai dạy? AI hay là ai?
Photo by Tingey Injury Law Firm on Unsplash
https://lifechange.vn/ai-cuoc-cach-mang-outsource-tu-duy/