Về cơ bản, cuộc sống này hình thành được nhờ những sự hiện hữu. Có hiện hữu thì sẽ có bám lấy, yêu thích, cho là mình, là của mình. Cái gì của mình, mình thích mà mất thì đau buồn, không toại nguyện, không như ý. Các vật mình yêu nhiều khi mất thì càng đau nhiều.
Đó là lý do nhà Phật gọi Dukkha (bất toại nguyện) là một trong 3 tính chất cơ bản của cuộc sống này. Dukkha mà dịch là khổ thì hơi khó hiểu hơn một chút. (Đời là bể khổ?). Nhưng nếu dịch là bất toại nguyện thì có lẽ sẽ rất liên quan với nhiều người, và dễ chấp nhận hơn.
Bất toại nguyện xảy ra ở những tầng mức rất hiển nhiên và thô, cho tới những suy nghĩ, vướng mắc rất tinh vi và bé nhỏ.
Ở lớp thô nhất, tất cả chúng ta đều luôn không mãn nguyện với cuộc sống của mình. Nếu có xe máy thì muốn mua ô tô. Có ô tô lại muốn mua du thuyền. Mỗi lần thêm một sở hữu thì đem lại được chừng một tuần vui sướng. Sau đó nhìn lại những tài sản mình có, chúng ta lại không hài lòng. Đôi lúc chỉ nhìn sang anh hàng xóm, nghèo hơn nhưng bình an hơn thì ta lại ao ước giá mà mình bớt tích luỹ tài sản để đổi lấy sự an yên kia. Không bao giờ chúng ta chấm dứt cuộc chạy đua điên rồ này cả.
Khi vất vả lao nhọc thì chúng ta mong muốn được nhàn rỗi. Khi nhàn rỗi thì lại không biết làm gì, lao đầu đi tìm việc để làm hoặc lên mạng ca thán về việc không có gì để làm.
Buồn vì đánh mất thứ mình thích, uất ức khi phải chung đụng với những gì mình ghét – đó là một vòng lặp đau khổ bất tận mà ai cũng phải trải nghiệm.
Ở lớp vi tế hơn, bất toại nguyện biểu hiện trong những suy nghĩ tinh vi. Nhìn một người ăn mặc lem nhem tự nhiên chúng ta cảm thấy khó chịu (dù người đó không liên quan tới mình). Xem tình hình chính trị ở một nước lạ thì ấm ức và phải lên mạng giãi bày tâm sự. Như vậy sự việc dù rất xa vời không dính líu trực tiếp vẫn có thể gây nên cảm giác bất toại nguyện.
Trái ngược với bất toại nguyện, chúng ta có cảm giác sung sướng (gọi là sukha trong Đạo Phật). Đáng buồn thay sung sướng thì lại thường ngắn ngủi không kéo dài. Hơn thế nữa, khi trải nghiệm những sung sướng có điều kiện, thì cùng lúc đó chúng ta đồng sở hữu những bất toại nguyện tiềm năng khi những điều kiện này biến mất.
Nghe có vẻ hơi phức tạp nhỉ, tôi sẽ minh hoạ bằng một ví dụ trực quan. Khi còn bé bạn ăn xúc xích ăn liền Vissan và cảm thấy món này thật tuyệt. Lớn lên bạn được ăn xúc xích Đức, xúc xích Ý, rồi xúc xích thủ công, xúc xích xông khói trong lò – bạn tự nhủ đây mới là xúc xích thật. Rồi một ngày bạn “phải” quay lại ăn xúc xích Vissan, bạn cảm thấy thật kinh tởm và thậm chí còn hết sức khó chịu bực bội về điều này. Như vậy niềm sung sướng khi được ăn xúc xích “xịn” hơn đã gây ra sự bất toại nguyện trong tương lai khi không còn được ăn xúc xích “xịn”. Cuộc đời mới trái khoáy làm sao.
Bình thường đã khổ, sướng lại mang mầm mống khổ, vậy thì tôi biết phải làm gì?
Ai đọc tới đây cũng cảm thấy tác giả bi quan, nhưng không phải như vậy. Tôi chỉ muốn chỉ ra bản chất của cuộc sống, và bây giờ tôi sẽ cung cấp giải pháp cho bạn.
Những bậc giác ngộ vĩ đại, những triết gia có nhiều thời gian sống và chiêm nghiệm đã nhìn thấy hai thái cực sướng – khổ đều bất toại nguyện và chỉ là những ngõ cụt không đem tới phúc lạc sâu xa.
Bạn chỉ có thể hạnh phúc khi sự hạnh phúc của bạn là vô điều kiện, đó là sự bình yên nội tại xuất phát từ bên “trong”. Đó là khi bạn xả được cả 2 thái cực sướng và khổ, chỉ cảm nhận sự bình yên tuyệt đối. Để hiểu được điều này, bạn cần chú tâm vào hiện tại và sống với ý thức trọng vẹn. Khi đó sự bình yên sẽ từ từ kéo đến.
Đó là thiền. Đó là chánh niệm tỉnh giác.
Hãy thử thực tập để thực sự trải nghiệm, còn đọc suông thì không lợi ích nhiều lắm.
https://lifechange.vn/bat-toai-nguyen/