Mua sắm, Facebook, Pỏn và Games

nghiện facebook, mua sắm, game online, porn

Pỏn là gì? Đây là một thuật ngữ Gen Z. Khi bạn gõ Tiếng Việt kiểu Telex mà gõ chữ Porn (phim con heo) thì sẽ thành Pỏn. Tôi nghịch một tý để cho bạn thấy tôi cũng khá xì tin chứ chưa quá đát đâu. Cũng là cập nhật cho bạn một xu hướng ngôn ngữ mới của các bạn trẻ.

Bốn thứ trên tiêu đề có điểm gì chung? Bạn có nhận ra không?

Đó chính là sự nghiện ngập. Tôi chọn nhanh bốn thói quen nghiện ngập khá phổ biến hiện nay chứ thực ra có nhiều loại nghiện ngập lắm. Bốn thứ này có đặc điểm nữa là chúng thoạt nhìn khá… lành. Ít ra không phải là nghiện rượu, nghiện thuốc hay nghiện ma tuý.

Thế nhưng nghiện vẫn là nghiện bạn ạ. Bạn có biết cả bốn thứ trên hiện đều cần điều trị nếu bị nặng hay không? Ngay như nghiện mua sắm cũng có một thuật ngữ riêng gọi là “Oniomania”. Onio nghĩa là mua sắm, mania nghĩa là điên cuồng. Trong tiếng Hy Lạp từ này nghĩa là điên cuồng vì mua sắm. Không phải là điên cuồng vì hành nhé (onion).

Cơ chế nghiện ngập của mấy anh này đều do một hormone gọi là dopamine gây ra. Dopamine là hormone tưởng thưởng cho những hành động có giá trị (cho sinh tồn) ở sinh vật. Ví dụ trước đây não sẽ tiết dopamine khi chúng ta ăn đường, vì đường trong thiên nhiên rất hiếm và là nguồn năng lượng quý báu.

Robert Sapolsky là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về dopamine ở não người. Ông làm một thử nghiệm ở khỉ, cho chúng bấm một cái nút. Nếu bấm 10 lần thì đèn sáng. Một lúc sau khi đèn sáng sẽ có đồ ăn xuất hiện. Ông đo lượng dopamine tiết ra trong não khỉ và phát hiện rằng dopamine được tiết ra khi đèn bật sáng, chứ không phải khi nhận được đồ ăn. Như vậy dopamine không phải tiết ra tại thời điểm “nhận quà”, mà được tiết trong quá trình “chờ quà”. Và dopamine giúp những chú khỉ duy trì việc bấm cho tới khi quà tới.

Thú vị hơn, ở thử nghiệm tiếp theo, lũ khỉ chỉ nhận được đồ ăn trong một nửa số lần đèn sáng. Nghĩa là cứ sáng đèn 2 lần thì mới có thức ăn 1 lần. Chuyện gì diễn ra? Lượng dopamine trong não tăng gấp hai lần khi cơ hội nhận đồ ăn giảm một nửa.

Ở thử nghiệm thứ 3 và thứ 4, Robert thử với xác suất nhận đồ ăn là 25% và 75% số lần đèn sáng. Lượng dopamine ở hai thử nghiệm này là giống nhau, ở giữa mức dopamine tiết ra trong 2 thử nghiệm trước.

biểu đồ tiết dopamine gây nghiện
Dopamine cao nhất khi phần thưởng khó dự đoán nhất
Source: Susan Weinschenk

Khi những con khỉ được đồ ăn ở mọi lần đèn sáng (dễ đoán), một lượng dopamine tương đối được giải phóng trong giai đoạn nhấn nút. Khi đồ ăn không thể đoán trước, lượng dopamine tăng lên. Trong các tình huống 25% và 75%, thực ra lại dễ đoán hơn 50%. Với 25%, điều đó có nghĩa là chúng hầu như không nhận được một đồ ăn nào. Với 75%, chúng gần như luôn nhận được một đồ ăn. Tình huống khó đoán nhất là 50%, nên lượng dopamine tiết ra là nhiều nhất.

Vậy thì sao nhỉ? Càng chờ đợi, càng không biết khi nào “nhận quà” bạn càng tiết nhiều dopamine và càng nghiện.

Điều đó có nghĩa là… Nghĩa là mua sắm online sẽ gây nghiện hơn mua sắm offline.

Trong báo cáo “Digital Dopamine“, Razorfish đã khảo sát 1.680 người mua sắm từ Mỹ, Anh, Brazil và Trung Quốc (2014). Từ báo cáo: “70% người dân ở Mỹ, 72% ở Vương quốc Anh, 73% ở Brazil và 82% ở Trung Quốc nói rằng họ hào hứng hơn khi các món hàng mua trực tuyến của họ được gửi đến qua đường bưu điện, hơn là khi họ mua hàng tại cửa hàng.”

Và bạn biết cái gì ghê gớm khó đoán và hồi hộp hơn mua sắm online không? Vâng, đúng rồi, đó chính là cờ bạc, là games.

Facebook thì sao? Bạn sẽ nghiện cái gì? Bạn nghiện và mong chờ các lượt thích và phản hồi. Bạn không biết chúng tới lúc nào, và chúng mang thông điệp gì. Vậy nên chúng gây nghiện. Bạn cứ thử không post gì mà xem, việc lướt newsfeed sẽ bớt thú vị hơn rất nhiều. Nhưng nếu bạn đã tham gia vào một cuộc thảo luận, bạn sẽ thường xuyên quay trở lại Facebook để xem có ai tương tác hay không. Toàn bộ Facebook được xây dựng dựa trên cơ chế gây nghiện này.

Bàn sang Pỏn một tý. Khi não bạn đã quen với các thể loại phim người lớn “cổ điển”, các sensor tiếp nhận thông tin sẽ bị chai bớt. Bạn sẽ không bị hứng thú với các hình thức “quan hệ” thông thường nữa. Khi ấy bạn sẽ tăng đô và tìm tới các thể loại “biến thái” hơn. Và bạn sẽ không còn hứng thú với việc đó ngoài đời nữa.

Hiệu ứng này gọi là bị chai dopamine. Khi bị chai dopamine, bạn không còn bị hấp dẫn bởi những kích thích nguyên thuỷ, mà đòi hỏi những kích thích nhân tạo “mạnh mẽ” hơn. Điều đó rất nguy hiểm.

Đọc tiếp về Cai Dopamine.

https://lifechange.vn/shopping-facebook-porn-games/