Nhìn vào một tập thể, tôi sẽ rất nhanh biết ai là người đứng đầu, hoặc có tố chất lãnh đạo. Đó luôn là người đi trước, đi đầu và ra những quyết định cho tập thể, dù là những quyết định đơn giản nhất.
Người lãnh đạo là người quyết định. Người nhân viên là người thực thi. Lãnh đạo giỏi thì không cần làm giỏi, nhưng phải giám quyết và có quyết sách đúng đắn. Nếu làm nhiều, khả năng quyết hoặc thời gian để dành cho việc ra quyết định sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp đó lãnh đạo nên làm ít lại.
Làm sao để có quyết định đúng đắn
Khi quyết định tốt, đầu tiên phải nắm được bức tranh tổng quan và liệt kê ra được: có bao nhiêu lựa chọn, ưu và nhược của mỗi lựa chọn, giải pháp đưa ra cần đáp ứng tiêu chí gì, khi đó bạn mới có thể có quyết định đúng đắn.
Khó nhất trong khi quyết định là phân vân không biết lựa chọn hướng nào. Vì vậy hãy làm tốt công đoạn nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định. Nghiên cứu càng chi tiết thì việc quyết càng dễ. Và đặc biệt cần hiểu rõ tiêu chí trọng yếu nhất của quyết định.
Ví dụ khi mua hàng: tiền hay chất lượng quan trọng hơn. Các tiêu chí nhất định phải được sắp xếp theo trình tự quan trọng thì mới có lựa chọn tốt. Luôn chỉ có 1 tiêu chí quan trọng nhất. Không thể ôm đồm quá nhiều tiêu chí vì như thế không thể quyết được.
Ngay cả khi có 2 giải pháp gần như tương đồng nhau, sẽ luôn có điểm khác biệt. Hãy đọc thêm các đánh giá trên mạng, hỏi thăm những người đã mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ đang khảo sát để có thêm cái nhìn của từ trải nghiệm thực tế. Điều đó quan trọng hơn thông số hay các ấn phẩm marketing – cái mà nhà sản xuất, thương mại đã “phù phép” để phục vụ cho việc bán hàng. Đừng cả tin. Nếu có thể, hãy trực tiếp trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ mình muốn sử dụng.
Tập ra quyết định từ những việc nhỏ nhất
Quyết định là một việc không đơn giản vì nó đi liền với trách nhiệm. Vì vậy cần phải tập ra quyết định nhiều và thường xuyên. Đầu tiên hãy bắt đầu với những việc đơn giản như ăn món gì, ở đâu, mua đồ gì, khi nào mua… Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, đừng bỏ qua những cơ hội được quyết định từ những việc nhỏ nhất.
Với những việc lặt vặt, hãy tập ưu tiên các tiêu chí thật nhanh và ra quyết định dứt khoát. Ăn nước hay ăn khô? Nếu là nước, phở hay bún hay hủ tíu. Làm gọn danh sách thật nhanh và chuẩn xác. Đừng mất thời gian với quyết định nhỏ, nhưng cũng đừng chọn …đại. Đó là một thói quen xấu.
Đừng nhường quyền quyết định cho người thân hay gia đình. Nếu có cơ hội được quyết, hãy nắm lấy ngay. Ý kiến của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp luôn có giá trị tham khảo nhưng nếu bám sát nguyên tắc quyết định đúng đắn, hãy đặt niềm tin vào bản thân và đừng bị ảnh hưởng nhiều bởi người xung quanh. Phần lớn mọi người thường quyết định sai. Chỉ tin những con người sáng suốt và tham khảo ý kiến của họ.
Những quyết định khó khăn
Những quyết định đòi hỏi bạn phải hy sinh một tài nguyên nào đó sẽ là quyết định khó khăn. Trước khi ra quyết định, cần chắc chắn không còn lựa chọn nào tốt hơn và đó là tất cả những lựa chọn khả dĩ trước mắt.
Khi đã đảm bảo chuyện đó, nhất định phải chọn và không thể tham vì lựa chọn nào cũng có giá của nó. Nếu bạn chọn sự nghiệp, bạn sẽ còn ít thời gian hơn cho gia đình. Nếu bạn chọn làm công tác xã hội, bạn sẽ kiếm được ít tiền hơn. Nếu bạn chọn vay tiền ngân hàng, bạn sẽ chịu áp lực tâm lý trong những tháng trả nợ. Không thể có gì vừa ngon, bổ, lại rẻ 🙂
Outsource những quyết định
Tới một thời điểm, bạn sẽ có quá nhiều việc phải quyết. Tới lúc đó, bạn cần trao quyền cho những người đáng tin cậy. Khi đó bạn chỉ còn một việc phải quyết: giao cho ai và quyền hạn tới đâu.
Những lãnh đạo giỏi sẽ có quản lý cấp trung giỏi. Bạn sẽ phải dạy lại họ cách quyết định mà bạn đã rèn luyện được, và tin tưởng họ khi trao quyền.
Vấn đề các nhà quản lý thường gặp phải là không tin các quản lý cấp trung đủ nhiều và thường xuyên thắc mắc về những quyết định của họ. Hãy chấp nhận một mức độ sai sót vừa phải cho mỗi quyết định và cho họ không gian để phát triển. Đó là cách duy nhất để làm giảm gánh nặng của mình. Sẽ là sai lầm lớn nếu bạn không dám bước qua việc này.
Đôi lúc hãy nhìn vào bức tranh vĩ mô và ra con số tổng quan thay vì soi chi li vào từng chi tiết nhỏ. Các quản lý cấp trung chỉ cần cam kết với con số tổng quan, việc điều phối chi tiết để đạt được điều này là áp lực của riêng họ. Đi vào chi tiết và cầu toàn là cách giết chết nỗ lực nhanh nhất của cấp dưới và khiến bạn kiệt quệ.
Chúc bạn luôn có được các quyết định sáng suốt.
https://lifechange.vn/ra-quyet-dinh/